BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội:

Không buộc người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án (*)

Cập nhật ngày: 14/06/2014 - 06:40

Đoàn ĐBQH Tây Ninh thảo luận dự thảo Luật Thi hành án dân sự sửa đổi.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) tán thành chủ trương tăng cường trách nhiệm quyền hạn của TAND trong công tác thi hành án nói chung và THADS nói riêng. Theo đó, trong phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này, cần bổ sung quy định về trách nhiệm, quyền hạn của TAND trong việc thi hành bản án, quyết định của mình.

Về quy định người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án (Điều 7, Điều 29), đại biểu Nguyễn Thành Tâm cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS cần cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, nhất là việc bảo đảm thi hành án quy định tại Điều 106 của Hiến pháp là “Bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”, đồng thời, bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm sự bình đẳng giữa quyền và lợi ích của Nhà nước và của công dân.

Do đó, đại biểu Tâm đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc sửa đổi quy định về ra quyết định thi hành án (khoản thi hành cho công dân) theo hướng: Toà án (hoặc Cơ quan THADS) phải ra quyết định thi hành án đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, không buộc người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án.

Trường hợp người được thi hành án có đơn đề nghị không thi hành án, từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan THADS lập biên bản ghi nhận việc đó và đình chỉ thi hành án.

Về xác minh điều kiện thi hành án (Điều 44), đại biểu Trịnh Ngọc Phương tán thành với dự thảo Luật về việc sửa đổi quy định về xác minh điều kiện thi hành án theo hướng giao trách nhiệm này cho cơ quan THADS, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho người được thi hành án tự mình hoặc nhờ cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định xác minh điều kiện của người phải thi hành án để cung cấp thông tin cho cơ quan THADS.

Tuy nhiên về thủ tục, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án và nâng cao trách nhiệm của cơ quan THADS, thời hạn tiến hành xác minh cần được rút ngắn hơn, việc dự thảo Luật quy định chấp hành viên tiến hành xác minh trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chấp hành viên nhận được quyết định thi hành án là không hợp lý.

 Về các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của TAND, để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn THADS, dự thảo Luật đã bổ sung các nội dung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong các trường hợp cụ thể liên quan đến xử lý tài sản thi hành án tại các Điều 75, 135, 136 dự thảo Luật.

Đại biểu Phương cơ bản tán thành với việc cần thiết bổ sung các quy định nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn THADS giữa cơ quan THADS và TAND. Tuy nhiên, thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết của TAND đối với tài sản trong quá trình THADS phải bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng (dân sự, hành chính), đồng thời, việc giải quyết về tài sản phải tuân thủ các nguyên tắc chung theo quy định của Bộ luật Dân sự và các luật liên quan.

Do đó, đại biểu Phương đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với TAND tối cao rà soát kỹ các nội dung để bảo đảm tính khả thi, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan (bao gồm cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại), tránh quy định chung chung hoặc không đúng thẩm quyền, gây khó khăn trong quá trình triển khai thi hành luật.

DUY QUANG

(lược ghi)

___________

(*)Tựa đề do Toà soạn đặt