BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không cắt “nồi cơm” của trường đại học 

Cập nhật ngày: 19/06/2023 - 09:26

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 11 chính thức bãi bỏ chương trình chất lượng cao ở bậc đại học. Như vậy, suốt 5 năm lấy ý kiến giữ hay bỏ Thông thư số 23 tưởng không có hồi kết, bởi đào tạo chất lượng cao đại học đang là “nồi cơm” của nhà trường.

Từ năm 2018, khi Bộ GD&ĐT bắt đầu có chủ trương xóa bỏ chương trình chất lượng cao bậc đại học. Ban đầu các trường đại học ra sức phản đối. Bởi vì, theo nhà trường, các trường đại học nước ngoài tuyển sinh số lượng ít nhưng học phí rất cao nên phục vụ sinh viên rất tốt.

Các trường đại học hàng đầu của Việt Nam nên có định hướng đào tạo theo chuẩn quốc tế bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo, dịch vụ và thu học phí cao. Có như vậy giáo dục đại học Việt Nam mới có thể theo kịp các trường đại học trên thế giới.

Tuy nhiên, theo lý giải của Bộ GD&ĐT, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 ở các trường đại học chỉ có chung một chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo nên không thể có cái gọi là cử nhân chương trình chất lượng cao và cử nhân chương trình đại trà.

Và cũng không thể để một thông tư trái luật tồn tại quá lâu, nên từ ngày 1/12/2023, các nội dung của Thông tư 23 năm 2014 chính thức bị xóa bỏ. Năm 2023 sẽ là năm cuối cùng các trường đại học được tuyển sinh chương trình chất lượng cao, sau đó sẽ bị xóa sổ.

Không để nguồn thu của trường bị ảnh hưởng, một số trường đại học đã chủ động loại bỏ chương trình chất lượng cao trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023 hoặc thay bằng một tên gọi khác. Cụ thể, thông tin tuyển sinh 2023 của các trường thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đều không còn chương trình chất lượng cao nữa mà thay bằng tên gọi khác: “Chương trình dạy bằng tiếng Anh”, “Chương trình đào tạo chuẩn quốc tế”…

Một số trường khác bỏ tên gọi chương trình đào tạo chất lượng cao và thay vào đó là chương trình tăng cường tiếng Anh, tăng cường tiếng Pháp, tăng cường tiếng Nhật… Với các chương trình này thì mức học phí, nội dung đào tạo, dịch vụ giáo dục giống như chương trình chất lượng cao. Như vậy thì các trường đã thay bình mới nhưng rượu cũ cho một chương trình đào tạo.

Bộ GD&ĐT đang đẩy mạnh chủ trương tự chủ của các trường đại học. Chỉ có bằng giải pháp mở rộng các chương trình chất lượng cao được thu phí cao hơn, khi đó nhà trường mới có nguồn kinh phí để chi trả tiền lương cho giảng viên, tiền đầu tư cơ sở vật chất… tương xứng.

Nếu dừng chương trình đào tạo chất lượng cao cũng đồng nghĩa với nguồn thu từ học phí của nhà trường sụt giảm đáng kể. Chưa kể, nhiều trường đại học cho rằng chỉ có chương trình chất lượng cao thì mới có sự đầu tư cho chương trình học tốt hơn, tiệm cận với giáo dục quốc tế nhờ học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Giảng viên đứng lớp của chương trình này phải đạt tiêu chí có bằng tiến sĩ trở lên.

Thực tế theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học và Thông tư 17, các trường đại học chỉ có chung một chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo. Như vậy, sẽ không có chương trình chất lượng cao với chuẩn đầu ra khác với chương trình đại trà.

Theo cách hiểu này, việc đặt tên gọi thế nào là tùy mỗi trường, có thể khác nhau về phương thức đào tạo nhưng phải giống nhau về chuẩn đầu ra. Nên việc không còn chương trình đào tạo mang tên “chất lượng cao” gần như không ảnh hưởng đến việc đào tạo, tuyển sinh và nguồn thu học phí của các trường.

Nguồn kinhtedothi