Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không có giới hạn trong điều tra, xử lý tội phạm
Thứ ba: 09:10 ngày 14/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 13-8, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập đến các hình thức tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao và nhất là tình trạng một số cán bộ, chiến sĩ công an vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (trái) và Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Hoạt động tội phạm vẫn phức tạp

Theo báo cáo của Bộ Công an, chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 26.599 vụ vi phạm, tội phạm về kinh tế và 363 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Trong đó, đã khởi tố mới 2.410 vụ/3.159 bị can về án kinh tế và 327 vụ/617 bị can về án tham nhũng; thu hồi tài sản án kinh tế gần 24.000 tỷ đồng (đạt 44,84%) và tài sản án tham nhũng gần 2.700 tỷ đồng (đạt 38,76%).

Đáng lưu ý là tình trạng thông đồng móc ngoặc giữa các đối tượng thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư dưới các hình thức như: thành lập các công ty “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án; thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của Nhà nước... Trong đó, chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng đã có tới 170 vụ án được lực lượng công an thụ lý điều tra với các tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái, vi phạm quy định cho vay... 

Cũng theo báo cáo, các thành phố lớn, khu công nghiệp là địa bàn tập trung chống phá của các thế lực thù địch, phản động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Trong một số vụ tụ tập biểu tình, cơ quan công an đã phát hiện nhiều đối tượng hình sự, ma túy (có cả đối tượng nhiễm HIV) được thuê mướn tham gia biểu tình (200.000 - 400.000 đồng/lần tham gia). Các đối tượng này rất manh động, liều lĩnh, là cốt cán trong các hoạt động gây rối, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản, kể cả thực hiện hành vi khủng bố, phá hoại.

Tính chung, 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) chiếm khoảng 25% số vụ phạm pháp hình sự toàn quốc (riêng Hà Nội và TPHCM chiếm khoảng 20%); 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm hình sự (Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ, An Giang) chiếm khoảng 45% - 50% cả nước.

Hoạt động của tội phạm tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TPHCM được kiềm chế và giảm về số vụ, nhưng hoạt động của tội phạm có tổ chức vẫn nổi lên phức tạp. 

Không để xảy ra những vụ tương tự Vũ “nhôm”

Trả lời nhiều ý kiến chất vấn về tình trạng một số cán bộ, chiến sĩ công an vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận, đó là “bài học xương máu của ngành công an, đã được phát hiện, chấn chỉnh nghiêm minh”. Người đứng đầu ngành công an cũng cam kết sẽ chỉ đạo xử lý triệt để, không khoan nhượng những vụ án có liên quan đến Vũ “nhôm”, “không để xảy ra tình trạng lợi dụng những công ty bình phong để vi phạm pháp luật”.

Truy vấn về vi phạm pháp luật của một số sĩ quan, tướng lĩnh trong lực lượng công an thời gian qua gây bất bình dư luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, chất vấn: Sau vụ Vũ “nhôm”, bộ đã rà soát lại những tổ chức như của Vũ “nhôm” chưa? Giải pháp trong thời gian tới như thế nào? Không né tránh những vấn đề liên quan đến nội bộ ngành mình, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đây là những bài học xương máu, đau xót cho ngành công an và cam kết sẽ nghiêm khắc chấn chỉnh. Không có giới hạn nào trong điều tra, xử lý tội phạm để đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, kể cả cán bộ chiến sĩ trong ngành. 

Liên quan đến đường dây đánh bạc xuyên quốc gia với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng, với sự tiếp tay của một số cán bộ công an thoái hóa, biến chất, gây bất bình trong dân và làm giảm uy tín ngành công an mà ĐB Quách Thế Tản (Hòa Bình) chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đây cũng là bài học xương máu của ngành về công tác cán bộ. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc đấu tranh với tội phạm cờ bạc trên mạng đã được bộ tập trung đấu tranh trong thời gian dài, sau đó giao cho Công an tỉnh Phú Thọ điều tra. “Nguyên nhân là cán bộ không chịu rèn luyện thường xuyên, bị đồng tiền cám dỗ”, Bộ trưởng Tô Lâm nhận định. Sau vụ án đó, Bộ Công an đã tiếp tục phát hiện một số vụ án sử dụng công nghệ cao và thu về số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhất là trong mùa World Cup 2018. 

Về chất vấn xung quanh gian lận thi cử và trách nhiệm của công an địa phương, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã phối hợp với các địa phương có liên quan khởi tố 3 vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong tổ chức thi cử. “Đúng là đã có những thủ đoạn rất tinh vi. Lực lượng công an tham gia nhiều khâu trong tổ chức thi cử theo quy trình cụ thể và đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm, đang điều tra làm rõ”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết và một lần nữa nhấn mạnh, nếu phát hiện có vi phạm, ngay cả các cán bộ, chiến sĩ công an cũng sẽ bị xử lý thích đáng.

Liên quan đến chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về việc Bộ Công an đã cấp 500 biển số sai quy định và xử lý đến đâu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã thu hồi gần như toàn bộ 500 biển số, hiện chỉ còn 20 biển chưa thu hồi được, do xe hết hạn lưu hành, hoặc đơn vị đó giải tán. Bộ cũng đã kiểm điểm các đơn vị, cá nhân cấp sai. Câu trả lời này khiến ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy tiếp tục: “Bộ trưởng nói thực hiện đúng thông tư của bộ thì sao lại thu hồi? Xe mang biển cấp sai vẫn lưu hành, tại sao không thu hồi được biển?”. Bộ trưởng Tô Lâm sau đó cho biết “vẫn đang tiếp tục truy tìm xe để thu hồi triệt để các biển số cấp không đúng”. 

Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm minh, thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời với việc hoàn thiện khung pháp luật, Chính phủ sẽ đề cao trách nhiệm người đứng đầu, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát thực thi công vụ, kiên quyết loại ra khỏi bộ máy những công chức tha hóa, biến chất; đảm bảo đội ngũ cán bộ công chức kỷ cương, liêm chính, tuân thủ pháp luật.

Cần sự điều phối thống nhất ở tầm quốc gia về công tác dân tộc

Trong phần trả lời chất vấn về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (về hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Tây Bắc là 28,1%, miền núi Đông Bắc 14,87%; Tây Nguyên 12,86%; các tỉnh Bắc Trung bộ là 8,2% (tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 6,7%). Tính chung, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 52,66% số hộ nghèo toàn quốc, với thu nhập bình quân chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/ người/ năm; bằng khoảng 1/5 thu nhập bình quân cả nước. 

Đồng tình với nhận xét của ĐB Lưu Bình Nhưỡng về việc hiện có nhiều chương trình, chính sách, dự án… chồng chéo, hiệu quả thấp, ông Đỗ Văn Chiến thừa nhận: “Ủy ban đã tích cực tham mưu Chính phủ để ban hành nhiều chính sách hỗ trợ dân tộc miền núi nhưng vẫn chưa có sự lồng ghép, tích hợp tất cả chương trình để có được “loại thuốc kháng sinh” đủ liều”. 

Cũng theo ông Chiến, với việc đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống rải rác ở 51 tỉnh nên hiệu quả việc triển khai thực hiện chính sách phụ thuộc chủ yếu vào các địa phương, song “tôi vẫn thiết tha đề nghị có chính sách cũng như sự điều phối thống nhất ở tầm quốc gia về công tác dân tộc”, bởi ủy ban tuy ngang cấp bộ nhưng lại không phải là bộ và “chỉ nói lên tiếng nói của đồng bào mà không phải cơ quan quản lý”. Chính vì thế mà nhiều vấn đề vướng mắc lâu nay ở các vùng dân tộc thiểu số như hộ khẩu, chứng minh nhân dân hay sắp xếp, bố trí dân cư gắn với tạo sinh kế cho đồng bào… vẫn chưa thể giải quyết được rốt ráo.

“Tới đây, nếu không thành lập được bộ thì chúng tôi đề nghị được tổ chức hoạt động đúng tính chất của một ủy ban, nghĩa là có sự tham gia của các bộ ngành và do một Phó Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm chủ trì”, ông Đỗ Văn Chiến thẳng thắn đề xuất.

Nguồn SGGPO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục