Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hệ thống kênh mương nội đồng, nếu được xây dựng, sẽ thực hiện trên chính đất của người dân, nói cách khác là người dân tự bỏ đất ra để phục vụ dự án kênh, không được bồi thường để có nguồn nước phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp, qua đó tiết kiệm chi phí khoan giếng, tiền dầu, tiền điện để bơm nước tưới, hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn nhiều lần.
Trạm bơm Hoà Thạnh 2.
Thời gian qua, hệ thống kênh thuỷ lợi trên địa bàn ở tỉnh đã đáp ứng khá hiệu quả nhu cầu cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Những nơi chưa có kênh, Nhà nước xây dựng trạm bơm, tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho nông dân.
Tuy nhiên, “sự thuận lợi” này không phải ở đâu cũng có được, khi còn nhiều khu vực dù đã được Nhà nước đầu tư trạm bơm thuỷ lợi, nhưng nông dân vẫn phải đào giếng khoan để lấy nước canh tác, khiến tốn kém không ít chi phí, công sức mà hiệu quả sản xuất lại không cao.
Những trạm bơm thiếu kênh dẫn
Trạm bơm Hoà Thạnh 2 (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) theo thiết kế có công suất phục vụ tưới 360 ha, nhưng từ khi hoàn thành, chỉ có kênh chính đưa vào hoạt động nên chỉ có 175 ha có nước tưới. Người dân tự làm ống nước từ kênh chính để tưới cây trồng được 100 ha. Diện tích còn lại, đa số là của những hộ ở xa kênh chính không có kênh dẫn, do vậy họ phải tốn rất nhiều chi phí khoan giếng và gắn dây ống để lấy nước tưới.
Ông Phạm Công Biết, người quản lý trạm bơm Hoà Thạnh 2 cho biết, trạm bơm này được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2015. Trạm chưa được đầu tư kênh nhánh, kênh nội đồng, làm cho nước từ kênh chính bị đọng dưới kênh nên chưa phát huy hết công suất. Qua nhiều lần kiến nghị, UBND huyện Châu Thành đã có chủ trương đầu tư hệ thống kênh nhánh N9 với chiều dài 1,976km, kinh phí hơn 2 tỷ đồng, theo công suất sẽ phục vụ thêm 100 ha trên địa bàn xã.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nông dân, dù kênh nhánh N9 được xây dựng vẫn chưa đáp ứng đủ nguồn nước tưới. Hiện trên địa bàn xã có hơn 10 ha đang thiếu nước trầm trọng vì ở xa tuyến kênh chính. Diện tích cây nông nghiệp ở Hoà Thạnh khá lớn và chủ yếu trồng lúa, nên vào mùa nắng, nhiều cánh đồng thiếu nước tưới vì không dẫn được nước vào ruộng; vào mùa mưa thì nước ngập cục bộ, không đường thoát vì không có kênh tiêu.
Theo ông Biết, muốn việc tưới tiêu hiệu quả, không gây lãng phí cho trạm bơm, cần phải đầu tư thêm 10 tuyến kênh mới có thể khai thác hết công suất của trạm bơm và phục vụ nước tưới của các hộ dân nơi đây.
Trạm bơm Phan.
Bà Thuý, một nông dân chuyên sản xuất lúa trên địa bàn cho hay: “Gia đình đang canh tác 3 ha lúa nước, trạm bơm đã được đưa vào hoạt động rất lâu nhưng gia đình tôi vẫn không thể dẫn nước vào ruộng. Gia đình phải đào giếng để bơm nước. Máy bơm chạy liên tục cả ngày lẫn đêm, tiền điện tốn kém lên đến 700.000 đồng/tháng mà hiệu quả mang lại không cao”.
Bà Lâm, một nông dân khác cũng đang gặp khó khăn trong việc dẫn nước về ruộng phản ánh, ruộng của gia đình bà cách kênh chính không xa mà vẫn không hưởng lợi gì được từ trạm bơm. Gia đình phải đầu tư đường ống để dẫn nước từ tuyến kênh chính về ruộng. Nước về ruộng bằng đường ống rất chậm, nên lại phải mất thêm số tiền không nhỏ mua dầu chạy máy bơm.
Tương tự, trạm bơm Phan được xây dựng trên địa bàn xã Suối Ðá, huyện Dương Minh Châu, được đưa vào sử dụng khoảng năm 2000, theo dự kiến sẽ tưới cho địa bàn xã Phan và xã Suối Ðá. Trạm bơm có vốn đầu tư nước ngoài với số tiền khá lớn, công suất thiết kế phục vụ tưới 300 ha. Thế nhưng, trải qua gần 20 năm, qua khảo sát thực tế, trạm bơm hoạt động kém hiệu quả, nguyên nhân chính vẫn là thiếu kênh dẫn.
Trạm bơm Phan được thiết kế đường ống chìm 1,2km, đoạn kênh máng dài 1km, khi đưa vào sử dụng do không có kênh nội đồng nên để nước tràn cục bộ tại đoạn máng kênh. Từ năm 2005-2012, chính quyền đã đầu tư thêm tuyến kênh dẫn TB1 và TB6, nhưng hiệu quả sử dụng chỉ đạt 20% so với công suất thiết kế của trạm bơm.
Hơn nữa, tại kênh chính của trạm bơm có một đoạn dài được thiết kế là đường ống đi ngầm, không phải là kênh hở nên người dân 2 bên kênh chính cũng không sử dụng được nguồn nước tưới. Do đó, người dân dọc 2 bên kênh sử dụng giếng khoan để tưới cây trồng.
Theo anh Nguyễn Hoàng Nam, người phụ trách giao thông thuỷ lợi xã Phan, trên địa bàn xã có tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng 2.405 ha, trồng chủ yếu cây công nghiệp ngắn ngày, nên rất cần nước tưới. Tuy nhiên trạm bơm Phan đưa vào hoạt động đến nay chỉ phục vụ 60 ha so với công suất thiết kế, trong đó, phục vụ tưới trên địa bàn xã chỉ đạt 4,8 ha, diện tích còn lại nằm trên địa bàn xã Suối Ðá. Trạm bơm tồn tại nhiều năm nay, nhưng người dân chỉ nhờ vào kênh tưới TN0 để tưới cho 70 ha/vụ.
Quản lý trạm bơm Phan, huyện Dương Minh Châu kiến nghị UBND tỉnh và UBND huyện đầu tư hệ thống kênh nội đồng; tiếp tục quy hoạch xây dựng trạm bơm Suối Ðá nhằm phục vụ nước tưới cho ấp Phước Long 2 và ấp Sân Ðình thuộc xã Suối Ðá, phục vụ nước tưới cho 350 ha và phục vụ nước sinh hoạt khoảng 200 hộ dân nơi đây.
Vận động người dân xây dựng kênh nội đồng
Theo một cán bộ ngành Thuỷ lợi tỉnh, theo phân cấp hiện nay, các tuyến kênh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp dưới 50 ha do huyện đầu tư. Tuy nhiên, muốn đưa nước vào bên trong các cánh đồng đạt hiệu quả cao cần có sự chung tay của người dân.
Hệ thống kênh mương nội đồng, nếu được xây dựng, sẽ thực hiện trên chính đất của người dân, nói cách khác là người dân tự bỏ đất ra để phục vụ dự án kênh, không được bồi thường để có nguồn nước phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp, qua đó tiết kiệm chi phí khoan giếng, tiền dầu, tiền điện để bơm nước tưới, hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn nhiều lần.
Vấn đề là chính quyền địa phương cần tập trung tuyên truyền để người dân nhận thấy được lợi ích lâu dài, và sẵn sàng hợp tác với chính quyền trong việc xây dựng hệ thống kênh dẫn nước vào trong cánh đồng.
Một vấn đề nữa mà thời gian qua cũng có nhiều người dân đề nghị là xây dựng mương kiến dẫn nước. Thực tế cho thấy, đây là hệ thống mương “tự phát” do người dân tự làm. Theo đó, trong cùng một cánh đồng sản xuất, các hộ dân sẽ thoả thuận để khai thông mương kiến ở những vị trí phù hợp để bảo đảm hoạt động sản xuất. Ðây là nhu cầu hợp lý nên cán bộ thuỷ lợi đề nghị người dân có thể liên hệ với ngành Nông nghiệp và cơ quan chuyên môn hỗ trợ thiết kế.
Hiện nay, ngân sách dành cho thuỷ lợi còn hạn chế. Hằng năm, đơn vị quản lý các công trình phải duy tu, bảo dưỡng hệ thống kênh mương, nên kinh phí chỉ đủ để đầu tư mới một số công trình kênh nội đồng đã được xây dựng kế hoạch.
Nhìn chung, để hệ thống kênh nội đồng phát triển đồng bộ, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của người dân, qua đó phát huy cao nhất công suất trạm bơm và làm cho việc sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, điều quan trọng nhất là cần phải có sự chung tay hợp lực của Nhà nước và nhân dân.
THANH NHI - THIÊN TÂM