Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không đầu hàng số phận
Thứ sáu: 17:31 ngày 28/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Anh Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1967, ngụ tại ấp Chòm Dừa, xã Ðồng Khởi, huyện Châu Thành là một nạn nhân chất độc da cam. Mặc dù thân thể không lành lặn, nhưng anh Trung đã vươn lên, cố gắng lao động để nuôi thân.

Anh Trung với công việc sửa điện cơ của mình.

Khi mới sinh ra, thân thể anh Trung vẫn bình thường như những đứa trẻ khác. Nhưng khi được một tuổi, các xương tay, xương chân của anh Trung thường xuyên bị gãy khúc khiến anh phải nằm viện suốt. Ðến năm 18 tuổi, tình trạng bị gãy xương của anh Trung mới ngưng lại. Cơ thể anh co rút không phát triển, đôi chân cong vòng không đi lại bình thường được.

Anh nói, mấy anh chị em trong gia đình của anh đều lớn lên khoẻ mạnh bình thường, ai cũng cao từ 1m65 trở lên hết. Còn anh đã quá tuổi trưởng thành chỉ cao hơn 1m, đôi chân lại bị tật, đi lại khó khăn. Muốn di chuyển, anh Trung phải đi theo kiểu ngồi xổm với sự hỗ trợ của đôi tay. Sau này, anh Trung mới biết mình bị ảnh hưởng của chất độc da cam.

Không được lành lặn như mọi người, có đôi lúc anh Trung cảm thấy buồn, bất mãn với cuộc sống vô cùng. Nhưng rồi anh lại thấy có nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam như anh. Có nạn nhân phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn, bị ảnh hưởng thần kinh, ngờ nghệch, nằm một chỗ không biết gì. Anh còn may mắn hơn nhiều, đầu óc vẫn bình thường, đôi tay vẫn có thể vận động được. Với suy nghĩ ấy, anh quyết không đầu hàng số phận, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, sống lạc quan hơn, tự lao động kiếm sống. 

Ðầu tiên, anh đến với nghề sửa đồng hồ. Gắn bó với nghề này được hai năm, anh phải bỏ nghề, vì nghề này đã qua thời, không còn đắt khách. Anh chuyển sang đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Anh làm đủ mọi việc, hết đi hái ớt, lụi thuốc lá mướn rồi quay sang vô bầu đất ươm cây.

Tuy bị khiếm khuyết một phần thân thể, nhưng anh Trung làm việc gì cũng giỏi, cũng nhanh nhẹn. Nhờ làm việc có hiệu quả, anh Trung được tin cậy, ai có việc gì cần nhân công lao động cũng kêu anh đến làm. Với sự siêng năng, chăm chỉ làm lụng, anh Trung đã có thể tự nuôi được bản thân của mình, không phải phiền hà đến gia đình.

Nay anh đã ngoài 50 tuổi, sức khoẻ của anh cũng đã kém hơn trước, không còn lặn lội ở ngoài nắng ngoài mưa được nhiều nữa. Anh Trung muốn kiếm một nghề nào đó có thể làm tại nhà, phù hợp với sức khoẻ của mình. Thế là, anh chọn đi học nghề sửa điện cơ. Học nghề ra, anh lại gặp phải trở ngại. Suýt tí nữa anh không thể theo nghề do không có tiền mua dụng cụ sửa điện cơ.

May mắn, năm 2017, anh được Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng. Có được đồng vốn, anh sắm ngay một bộ dụng cụ làm nghề và sửa điện cơ tại nhà. Nhà của anh Trung nằm sâu trong ấp, nhưng tiệm của anh lúc nào cũng đắt khách tìm đến nhờ sửa các loại vật dụng. Anh sửa đồ với giá khá rẻ, còn sửa khá kỹ lưỡng, nên tạo được uy tín với khách hàng.

Mỗi ngày, anh Trung có thể kiếm từ 30.000 đồng đến 100.000 đồng từ việc sửa điện cơ. Nhiều hôm anh phải ngồi sửa đồ cho khách suốt cả ngày, cái lưng đau ê ẩm, đôi tay mỏi nhừ. Nhưng anh không thấy mệt, bởi với anh, có công việc ổn định để làm là mừng lắm rồi. Tinh thần lao động và nghị lực vươn lên của anh khiến ai cũng khâm phục.

Anh Trung cho biết, thời gian qua, anh nhận được nhiều sự quan tâm từ Hội Nạn nhân chất độc da cam các cấp. Năm 2016, anh Trung được Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Châu Thành vận động một nhà tài trợ xây tặng một căn nhà tình thương. Gần đây, anh còn được Hội tỉnh và huyện hỗ trợ 10 triệu đồng mua một chiếc xe lăn điện để di chuyển dễ dàng hơn.

Anh Trung bày tỏ: “Sự quan tâm, hỗ trợ này phần nào tiếp thêm động lực để tôi vượt qua những khó khăn, rào cản trong cuộc sống, nỗ lực lao động, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tôi biết ơn các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam lắm!”.

THẾ ANH

Tin cùng chuyên mục