BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

Cập nhật ngày: 17/02/2017 - 15:59

Sự cố cháy tàu Bhaya QN 2071 tại khu vực Cửa Vạn - Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) chiều 13-2 vừa qua thêm lần nữa báo động về độ an toàn của loại tàu du lịch vỏ gỗ đối với du khách tham quan trên vịnh.

Đây là vụ cháy tàu lớn thứ hai trên Vịnh Hạ Long trong năm 2017, trước đó là vụ cháy tàu Ánh Dương QN 3598 sáng 10-1. Cả hai đều là tàu vỏ gỗ hoán cải theo chủ trương từ năm 2010 trở lại đây. Những sự việc đáng tiếc này làm dài thêm danh sách hơn chục vụ tai nạn liên tiếp xảy ra đối với phương tiện vận chuyển khách du lịch hoạt động ở Vịnh Hạ Long; không chỉ gây thiệt hại lớn về người và tài sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch tại di sản được vinh danh kỳ quan thế giới, cũng là thương hiệu du lịch quốc gia hàng đầu của Việt Nam.

Điều đáng nói, hầu hết các tàu cháy đều là tàu vỏ gỗ hoạt động chưa quá nửa thời hạn quy định của Chính phủ. Hơn nữa, từ giữa tháng 2-2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quy định sẽ không cấp lệnh xuất bến cho các tàu du lịch không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên các vụ hỏa hoạn vẫn xảy ra với nhiều nguyên nhân như do chập điện, rò khí ga…; cũng có thể do sự thiếu kiến thức, kỹ năng sử dụng thiết bị điện của người trên tàu…

Điều đáng nói là, nguy cơ này còn cao hơn với tàu vỏ gỗ bởi khả năng chống cháy, chống chìm và chịu va đập của loại tàu này kém hơn nhiều so với tàu vỏ thép. Dù các tàu gỗ cũ được hoán cải, nâng cấp hay bọc vỏ composit thì bản chất vẫn là tàu vỏ gỗ, lớp thân vỏ, cách âm, cách nhiệt làm bằng vật liệu dễ cháy. Song vì lý do gì cũng không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi về “lỗ hổng” trong công tác bảo đảm an toàn cho du khách trên tàu du lịch, mà trách nhiệm cuối cùng thuộc về ban quản lý và những đơn vị đang có nguồn thu từ Vịnh Hạ Long. 

Được biết, ngay sau sự cố cháy tàu ngày 13-2, tỉnh Quảng Ninh đã dừng toàn bộ hoạt động của đội tàu du lịch thuộc công ty có tàu vừa xảy ra tai nạn, đồng thời tạm dừng hoạt động tất cả các tàu du lịch vỏ gỗ hoán cải để rà soát, kiểm tra độ an toàn.

Việc làm này cho thấy quyết tâm của chính quyền nhằm nâng cao công tác bảo đảm an toàn, an ninh cho du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Cứ sau mỗi sự cố, công tác rà soát, kiểm tra lại được tiến hành, nhưng những sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra. Tỉnh Quảng Ninh cũng đang có lộ trình giảm dần các tàu vỏ gỗ, thay vào đó là đóng mới tàu vỏ thép và tiến tới xóa bỏ mô hình tàu du lịch nghỉ đêm trên Vịnh. Chủ trương đúng đắn, nhưng vấn đề đặt ra là từ nay đến khi xóa bỏ hoàn toàn tàu vỏ gỗ, làm thế nào để không xảy ra những sự cố tương tự? 

Đã đến lúc, tỉnh Quảng Ninh cần có động thái dứt khoát và quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, không để tình trạng cháy tàu tiếp diễn. Trong đó, phải thực hiện nghiêm túc trong công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên độ an toàn của tàu, tiến tới chấm dứt hoàn toàn hoạt động tàu du lịch vỏ gỗ. Không thể để “mất bò mới lo làm chuồng”; du khách sẽ không bao giờ chấp nhận tới một điểm du lịch mà sự an toàn của họ không được bảo đảm.

Nguồn Báo Nhân dân