Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đó là nội dung được đề cập đến trong đợt khảo sát về “Công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2023” của HĐND tỉnh Tây Ninh tại thị xã Trảng Bàng, huyện Dương Minh Châu và Gò Dầu, làm cơ sở để HĐND tỉnh tiến hành giám sát UBND tỉnh trong thời gian tới.
Cán bộ công chức tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thị xã Trảng Bàng.
Công chức phải làm thay người dân
Hiện nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã, cấp huyện (bộ phận Một cửa) đều được bố trí phòng làm việc riêng, máy scan, máy tính để bàn, wifi, máy điều hoà, quạt máy, dãy ghế chờ của người dân; tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) đều được niêm yết công khai, đáp ứng nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) gắn với công tác chuyển đổi số tại mỗi địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, người dân vẫn trực tiếp đến bộ phận Một cửa để làm TTHC và cán bộ, công chức phải "làm thay" người dân.
Trực tiếp nhận hồ sơ TTHC tại bộ phận Một cửa Huyện Dương Minh Châu, chị Võ Hồng Vân vừa phải bảo đảm công việc kế toán Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, vừa hỗ trợ người dân làm thủ tục nộp hồ sơ trực tuyến. Chị Vân cho biết: “Hầu hết chúng tôi phải làm thay người dân, từ đăng ký tài khoản dịch vụ công đến nộp hồ sơ trực tuyến. Mình phải hỗ trợ, vì người dân không rành công nghệ, muốn mình giúp họ nộp thủ tục thay. Có những thủ tục phải làm liên tục, có khi không có thời gian hướng dẫn cho nhiều người”.
Trung bình mỗi ngày, bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện Dương Minh Châu tiếp nhận 60- 80 hồ sơ TTHC. Ngoài 25% phụ cấp công vụ và 350.000 đồng phụ cấp mỗi tháng, không riêng chị Vân, 11 công chức còn lại cũng phải kiêm nhiệm các công việc khác, có lúc làm luôn cả ngày nghỉ, lễ. “Hồ sơ về đất đai là nhiều nhất, chủ yếu là chuyển mục đích. Ngoài công việc tại đây, chúng tôi phải đảm bảo việc tại cơ quan mình công tác”- chị Vân bày tỏ.
Trường hợp ông Nguyễn Văn Tấn (xã Bến Củi, Huyện Dương Minh Châu) là một ví dụ. Thay vì nộp thủ tục tách thửa và điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên Cổng dịch vụ công tỉnh, ông đem các hồ sơ giấy tờ liên quan đến trực tiếp bộ phận Một cửa huyện và nhờ cán bộ hướng dẫn, làm thay. Ông nói: “Tôi không thể nộp hồ sơ trên điện thoại nên mới tới đây để có người làm giúp. Nghe nói là phải nộp trực tuyến, nhưng khi tự làm, tôi thấy không tin tưởng nên mới tới đây”.
Ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với UBND thị xã Trảng Bàng.
Nhiều cải thiện
Nhìn chung, việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã có hiệu quả tích cực, giảm bớt khâu trung gian và trả kết quả nhanh chóng cho người dân; việc thực hiện công tác chuyển đổi số gắn với giải quyết TTHC được các ngành quan tâm, góp phần chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp, thực hiện đúng quy định, quy trình; mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC tại cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn Huyện Dương Minh Châu ngày càng được nâng lên.
Tính đến nay, Huyện Dương Minh Châu đã niêm yết công khai trực tiếp tại bộ phận Một cửa 201 thủ tục cấp huyện, trong đó có 79/114 thủ tục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, còn lại là một phần. Hầu hết các TTHC được tiếp nhận và giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Huyện còn rà soát thống kê, đơn giản hoá TTHC nội bộ nhằm giảm bớt các nhiệm vụ, quy trình làm việc chưa phù hợp, góp phần giảm thời gian xử lý công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo ông Đinh Thế Trọng- Chánh Văn phòng HĐND và UBND Huyện Dương Minh Châu, đến nay, huyện đã tích hợp 52 thủ tục dịch vụ thanh toán trực tuyến (đạt 44,07%); tiếp nhận 11.382 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 11.186 hồ sơ (đạt 98,29%), giải quyết quá hạn 195 hồ sơ (đạt 1,71%). Mức độ hài lòng của người dân và tổ chức giải quyết TTHC ở các lĩnh vực đạt 99,1%.
Thị xã Trảng Bàng là một trong ba đơn vị dẫn đầu thực hiện công tác CCHC, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023. Theo ông Trần Minh Tâm- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng, bên cạnh việc định danh điện tử mức độ 2 để thực hiện khai thác sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh, UBND Thị xã đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến tại bộ phận Một cửa hai cấp, tiến tới không tiếp nhận trực tiếp đối với TTHC trực tuyến, giảm tiền mặt trong thanh toán phí, lệ phí TTHC.
Hằng năm, UBND Thị xã đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường chất lượng giải quyết TTHC, cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và DTI của tỉnh, nhất là các chỉ số, điểm số thành phần còn thấp, nhiều năm chưa được cải thiện. Tính từ tháng 7.2021- 31.12.2023, bộ phận Một cửa Thị xã đã tiếp nhận 10.450 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 10.381 hồ sơ (đạt 99,34%) không có hồ sơ tồn đọng. Giai đoạn 2021-2023, Thị xã triển khai đẩy mạnh số hoá hồ sơ đạt 62,3%, công khai minh bạch 100% hồ sơ, giải quyết 92,12%, thanh toán trực tuyến 60,51%, mức độ hài lòng của người dân đạt 100%.
Theo đánh giá của đoàn khảo sát HĐND tỉnh, những kết quả đạt được thời gian qua thể hiện sự quan tâm lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong CCHC gắn với chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác CCHC đã và đang đáp ứng các nhu cầu của người dân trong mọi hoạt động liên quan đến hành chính Nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với UBND phường Gia Bình (thị xã Trảng Bàng).
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Hầu hết các đơn vị đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: công tác số hoá hồ sơ, giấy tờ còn hạn chế; đa số người dân chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chưa có thói quen nộp hồ sơ TTHC trực tuyến; người lớn tuổi, ít am hiểu về công nghệ nên cán bộ hướng dẫn phải làm thay, nộp hộ; nhân sự còn thiếu, đa số cán bộ kiêm nhiệm; nguồn nhân lực công nghệ thông tin thiếu, chưa bảo đảm để phục vụ công tác chuyển đổi số trong cải cách TTHC...
“Công việc tại bộ phận Một cửa đã rất nhiều, rất cần cải tiến để giảm bớt áp lực cho cán bộ, công chức của bộ phận. Để đạt chỉ tiêu, hầu hết công chức phải làm đêm, kể cả ngày nghỉ, lễ để số hoá hồ sơ, trả hồ sơ cho công dân”- ông Đinh Thế Trọng- Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Dương Minh Châu cho biết.
“Dịch vụ công có rất nhiều cái khó. Khó về đường truyền, máy móc ì ạch, công chức phải linh động sử dụng 4G, hoặc wifi bên ngoài. Việc tái sử dụng lại kết quả điện tử còn hạn chế, chưa có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực; trang thiết bị phục vụ tại bộ phận Một cửa thường xuyên hư hỏng, xuống cấp, không đồng bộ; đường truyền chuyên dụng rất chậm; thao tác xử lý hồ sơ phải nhập 2 lần dữ liệu...”- ông Đinh Thế Trọng nói thêm.
Tại buổi khảo sát, các địa phương kiến nghị xem xét triển khai khắc phục, nâng cấp đường truyền và ứng dụng phần mềm trong tiếp nhận và giải quyết TTHC; có giải pháp thống nhất, đồng bộ giữa các hệ thống thông tin giải quyết TTHC và cổng dịch vụ công để người dân dễ dàng thực hiện khi nộp TTHC trực tuyến và thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho Tổ công nghệ số cộng đồng; bổ sung, nâng cấp các trang thiết bị phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, ngoài việc đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật và con người, rất cần sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng để liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các ngành trong hệ thống quản lý Nhà nước, dần chuyển đổi nhận thức, thói quen của người dân.
“So với các tỉnh, thành phố khác, chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, chỉ số CCHC, chỉ số cạnh tranh trong những năm gần đây chúng ta đều tụt hạng. Điều này có nghĩa là sự hài lòng của người dân đối với mình còn thấp. Chính vì vậy, chúng ta phải phấn đấu nhiều hơn nữa”- ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các địa phương phải từng bước khắc phục hạn chế, tiếp tục đề xuất, kiến nghị cấp trên về những khó khăn, bất cập, đồng thời có nhiều sáng kiến, cách làm hay trong CCHC gắn với chuyển đổi số, tránh tình trạng người dân phải trực tiếp đến các bộ phận Một cửa để làm hồ sơ trực tuyến.
Tâm Giang