Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương:
Không dễ quản giáo người “ tù tại gia” và người tái hoà nhập cộng đồng (*)
Thứ tư: 06:34 ngày 21/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc không có quy định tiêu chuẩn cụ thể dễ dẫn tình trạng một người quản lý giám sát, giáo dục quá nhiều người phạm tội phải thi hành án tại địa phương, từ đó dễ dẫn tới hệ luỵ việc thi hành án không bảo đảm chất lượng.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương phát biểu góp ý dự thảo Luật Thi hành án hình sự. Ảnh: quochoi.org

Góp ý dự thảo Luật Thi hành án hình sự sáng 19.11, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) nhận định: Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định các nguyên tắc xử lý mang tính nhân văn của pháp luật hình sự Việt Nam. Đó là nghiêm trị nhưng khoan hồng, áp dụng hình phạt nhẹ hơn đối với người phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng, cũng như tạo điều kiện cho người thụ hình xong làm ăn, sinh sống lương thiện, hoà nhập cộng đồng. Sự thay đổi của Bộ luật Hình sự đòi hỏi các chế định về Luật Thi hành án hình sự cũng thay đổi theo.

Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật về vấn đề trên và dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, đại biểu Phương nhận xét: Về tái hoà nhập cộng đồng, để cụ thể hoá Khoản 8 Điều 4 Luật Thi hành án hình sự năm 2010, ngày 16.9.2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2011/NĐ-CP quy định các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù với kỳ vọng ngay khi ở trại giam và khi chấp hành xong án phạt tù, phạm nhân sẽ trở thành người công dân có trách nhiệm, có nhiều cơ hội, điều kiện hoà nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ còn nhiều hạn chế. Sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, thân nhân phạm nhân chưa đầy đủ, có nơi, có lúc còn xem đó là trách nhiệm của lực lượng thi hành án phạt tù. Chính sách đãi ngộ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền địa phương nhằm thực hiện hoạt động tái hoà nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù chưa tương xứng với công việc, nên chưa tác động tích cực hoặc thúc đẩy họ tự giác thực hiện trách nhiệm của mình.

Phạm nhân chấp hành án phạt tù tại trại giam thuộc nhiều thành phần, cư trú ở địa bàn khác nhau nên việc nghiên cứu dạy nghề, truyền nghề thích hợp cho phạm nhân để họ có thể sử dụng nghề sau khi ra là một điều rất khó khăn. Người hoàn lương cũng chưa tiếp cận được những chính sách, hỗ trợ pháp lý dành cho họ tại địa phương.

Trong khi đó, tư tưởng, thái độ kỳ thị, xa lánh của cộng đồng, của xã hội đã cản trở con đường hoà nhập cộng đồng của người chấp hành xong án phạt tù. Cho nên, việc quản lý chỉ mang tính hành chính, không quản lý được người chấp hành xong án phạt tù đi đâu, làm gì; số lượng người hoàn lương được tạo điều kiện bảo đảm hoà nhập cộng đồng chiếm tỷ lệ quá ít so với số người chấp hành xong án phạt tù.

Những hạn chế nêu trên đã làm giảm ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn mà  luật đã quy định. Trong khi đó, dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội lần này chỉ dành một phần nhỏ tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 44 là chưa tương xứng với nội dung tái hoà nhập cộng đồng dành cho người chấp hành xong án phạt tù.

Giải pháp khắc phục hạn chế đó, theo đại biểu Phương, cơ quan soạn thảo dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi cần bổ sung nội dung hoà nhập cộng đồng thành một chương hoặc một mục riêng. Nội dung phải xác định rõ vấn đề hoà nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù phải chia thành 2 giai đoạn liên tục khi phạm nhân còn đang chấp hành án phạt tù và khi họ chấp hành xong án phạt tù trở về hoà nhập cộng đồng.

Hai giai đoạn đều rất cần sự vào cuộc với trách nhiệm, quyết liệt, tận tình của các cá nhân, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và ý chí phấn đấu vươn lên của chính người tái hoà nhập cộng đồng. Xác định được 2 giai đoạn này, ứng với đó là các quy định của pháp luật về quản lý, giam giữ, giáo dục, hỗ trợ theo từng giai đoạn sẽ quyết định được hiệu quả hoà nhập cộng đồng.

Về thi hành án treo, đại biểu phương nhận xét, so với Bộ luật Hình sự 1999 trước đây, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn đối với người được Toà án tuyên cho hưởng án treo tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 65.

Tuy nhiên, về tiêu chuẩn và trách nhiệm của người được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo như quy định Khoản 1, Khoản 2 Điều 88 dự thảo luật là chưa tương xứng. Có thể thấy rằng, việc quản lý và giáo dục người phạm tội đòi hỏi người thực hiện nhiệm vụ phải rất mẫn cán và tận tâm. Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ hằng tháng của họ được quy định là 25% mức lương cơ sở đối với mỗi trường hợp giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, tương ứng 347.500 đồng. Như vậy là không có sự hài hoà giữa tiêu chuẩn, trách nhiệm và quyền lợi của người được giao giám sát, giáo dục đối với người được hưởng án treo (yêu cầu công việc cao nhưng chế độ đãi ngộ, lương, phụ cấp không tương xứng).

Về chế định “tha tù trước thời hạn có điều kiện” quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, theo đại biểu Phương, có thể nói đây là chế định “tù tại gia” đối với người bị phạt tù có nhiều tiến bộ, đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật, họ chỉ thay đổi nơi chấp hành án phạt tù từ trại giam sang chấp hành án tại gia đình, và khi chấp hành xong thời gian thử thách, họ mới được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù.

Tiêu chuẩn đối với người được giao trực tiếp quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng giống như người được giao giám sát, giáo dục người hưởng án treo. Như vậy, liệu có thể tìm được người quản lý đối với người được tha tù trước thời hạn hay không, và nếu tìm được thì liệu họ có đồng ý thực hiện hay không? Đối với chế định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, dự thảo luật quy định tiêu chuẩn, trách nhiệm, chế độ của người được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cũng tương đương như người giám sát giáo dục đối với người hưởng án treo và người quản lý đối với người được tha tù trước thời hạn. Rõ ràng đây là một tương quan không phù hợp.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, với những bất cập trong dự thảo thì khó thể tìm được người có đầy đủ năng lực, phẩm chất và tâm huyết thực hiện. Đồng thời, việc không có quy định tiêu chuẩn cụ thể dễ dẫn tình trạng một người quản lý giám sát, giáo dục quá nhiều người phạm tội phải thi hành án tại địa phương, từ đó dễ dẫn tới hệ luỵ việc thi hành án không bảo đảm chất lượng.

Ngoài ra, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương và gia đình người thi hành án có trách nhiệm tham gia, phối hợp thực hiện việc quản lý, giám sát và giáo dục người chấp hành án, nếu thực hiện tốt theo quy định của dự thảo luật sẽ tạo ra môi trường tốt cho việc quản lý, cải tạo, giáo dục tại cộng đồng của người vi phạm Luật.

Tuy nhiên, các chủ thể này có trách nhiệm như thế nào thì lại không quy định cụ thể, có thể dẫn đến họ tham gia không tích cực hoặc thậm chí không làm gì cả. Đồng thời dự thảo luật quy định người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, giáo dục, giám sát người thi hành án tại địa phương có mối quan hệ ngang bằng, đồng thời là mối quan hệ phụ thuộc với Công an cấp xã và phụ thuộc chủ tịch UBND cấp xã, đại biểu Phương cho rằng quy định như vậy rất khó thực hiện.

QUANG TÂM - DUY NHÃ

(Lược ghi)

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục