Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Không để vi phạm nhỏ thành sai phạm lớn
Thứ năm: 07:49 ngày 11/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phải bắt đầu từ công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức.

Tháng 11.2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Trường Chính trị tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.

Chủ đề của cuộc hội thảo sẽ là chủ đề xuyên suốt của năm 2024 và những năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phải bắt đầu từ công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức.

Nhân tố quyết định thành bại của cách mạng

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.

So với Đại hội XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ được đề cập trong báo cáo chính trị Đại hội XIII, nó còn được nói đến trong báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay được thể hiện trong chủ đề Đại hội XIII.

Từ thực tế kết quả thu được của nhiệm kỳ XII, báo cáo chính trị tại Đại hội XIII rút ra năm bài học kinh nghiệm, trong đó, bài học kinh nghiệm đầu tiên là về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.

So với Đại hội XII, báo cáo chính trị nhấn mạnh xây dựng Đảng về cán bộ và xác định: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cán bộ, đảng viên phải thực hiện trách nhiệm nêu gương theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Điều này được đánh giá như một bước phát triển nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng rút ra 5 bài học kinh nghiệm đề cập đến tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thứ nhất, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng, phát triển lý luận để đổi mới sáng tạo, chống bảo thủ, trì trệ; đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện cơ hội chính trị.

Thứ hai, phải đặc biệt coi trọng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Người đứng đầu các cấp phải thực sự mẫu mực, nói đi đôi với làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết.

Thứ ba, phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân.

Thứ tư, xây dựng Đảng phải gắn kết chặt chẽ với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó xây dựng Đảng là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài. Chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách, đồng thời, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá.

Thứ năm, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cách làm bài bản, dân chủ, chắc chắn và có bước đi phù hợp; kiên trì, cầu thị, lắng nghe. Không cầu toàn, không chủ quan nóng vội, mất cảnh giác và không tự mãn với thành tích đạt được. Đối với những việc mới, khó, phức tạp thì tiến hành thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tìm ra cách làm phù hợp, hiệu quả nhất để nhân rộng.

Đại hội XII xác định: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, đến Đại hội XIII, Đảng xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”.

Như vậy, điểm mới trong mục tiêu tổng quát của Đại hội XIII là không chỉ nâng cao “năng lực lãnh đạo” mà cả “năng lực cầm quyền”, không chỉ “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, mà cả “hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”.

Kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được chỉ đạo tập trung, quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, có nhiều đổi mới, có hiệu lực, hiệu quả, nhất là cấp Trung ương. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chuyển biến chưa đều; công tác phòng ngừa chưa được quan tâm đúng mức (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr.75, 92). Từ đó, Đại hội XIII xác định “tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”. So với Đại hội XII, Đại hội XIII bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Trước hết, về quy định, quy chế, Đại hội XIII xác định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Cải tiến, đổi mới phương pháp, quy trình, kỹ năng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ, khả thi, trong đó tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; có chế tài để phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm kỷ luật đảng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr.188- 189).

Tiếp theo, về lãnh đạo, chỉ đạo, Đại hội XIII xác định: “Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; công tác hướng dẫn, chỉ đạo của Uỷ ban Kiểm tra cấp trên đối với cấp uỷ, tổ chức đảng, Uỷ ban Kiểm tra cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr.189).

 Đại hội XIII yêu cầu “triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.

Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc nổi cộm, dư luận quan tâm; xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, đồng bộ, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng cấp trên đối với cấp dưới” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr.189- 190). Đại hội XIII yêu cầu “kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với giám sát, thanh tra, kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật”.

“Tham nhũng có thể làm chệch hướng phát triển bền vững. Các quốc gia không đề phòng sẽ đi vào vòng xoáy của nó. Nhận thấy những nguy cơ phát sinh từ tệ nạn này, Chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp chống tham nhũng một cách có hệ thống và bền vững để giải quyết vấn đề này.

Kể từ khi áp dụng chính sách mở cửa vào giữa những năm 1980, Việt Nam chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường, đất nước đã có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ngay cả trong thời kỳ đại dịch.

Chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt người đứng đầu Đảng Cộng sản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thức được các vấn đề phát sinh từ tham nhũng.

Những nỗ lực của họ đã cải thiện đáng kể chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2012. Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam do ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đã nhận được sự chú ý của quốc tế”- Hãng thông tấn Bloomberg (Mỹ), tháng 6.2022.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục