Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội và điều hành của Chính phủ, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; không được để dịch bùng phát trở lại”.
Các đại biểu bấm nút thông qua các Nghị quyết.
Có giải pháp “giữ chân” người lao động
Sáng 13/11, sau 16 ngày làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 2. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, thành công của kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, Nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng có dấu hiệu tăng nhanh, trong đó nhiều ổ dịch mới bùng phát tại các cơ sở sản xuất, thương mại và trường học, cho thấy tình hình dịch trong nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trở lại. “Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội và điều hành của Chính phủ, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; không được để dịch bùng phát trở lại”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Nghị quyết về hoạt động chất vấn được Quốc hội thông qua, đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vắc xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi (trừ đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm vắc xin). Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Nghị quyết yêu cầu, đầu năm 2022 tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học; có giải pháp bảo đảm chất lượng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học. Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất cho vắc xin trong nước và đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu có phương án khắc phục tình trạng người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, có giải pháp “giữ chân” và “thu hút” lao động quay trở lại nơi làm việc. Về lĩnh vực đầu tư, Quốc hội yêu cầu trong năm 2021, khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Lùi thực hiện cải cách tiền lương
Sáng 13/11, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, Quốc hội quyết tổng số thu ngân sách nhà nước hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tổng chi hơn 1,78 triệu tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước hơn 372.900 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Ngoài ra, Nghị quyết cũng cho phép bổ sung 40,322 tỷ đồng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 từ nguồn viện trợ nước ngoài không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á. Số tiền này bổ sung cho ngân sách tỉnh Quảng Nam để thực hiện Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An.
Trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch COVID-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và năm 2022.
Nghị quyết cũng đồng ý lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Đồng thời Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán dành để cải cách chính sách tiền lương.
“Trước mắt trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép chưa nâng lương cho người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân đối nguồn lực, sớm thực hiện cải cách tiền lương, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường báo cáo giải trình với Quốc hội.
Cũng trong sáng 13/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế; Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025, Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương 2022…
Nguồn tienphong