BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không gian xanh ôm lấy đình làng

Cập nhật ngày: 08/06/2011 - 10:42

Cả tỉnh Tây Ninh còn có 4 ngôi đình được xếp vào hàng di tích quốc gia. Chẳng có nơi nào còn giữ được gần như nguyên vẹn rừng cây cổ thụ như đình Gia Lộc, xưa thuộc xã Gia Lộc, nay thuộc về thị trấn Trảng Bàng.

Những tài liệu viết cách nay vài chục năm đã kể đến việc đình cất trên gò cao với nhiều cây cổ thụ. Chẳng biết nhiều bao nhiêu nhưng giờ đây khi rảo vòng quanh bốn bên đình cũng đếm được cả trăm cây. Ngoài sao, dầu, vên vên còn có những gốc trâm già mà cái gốc cây đã toác hẳn ra làm hai, làm thành một cái hang luồn, đủ cho cả chục đứa trẻ chơi trò tìm, trốn. Ngoài cổ thụ còn có cả những rặng keo tràm mới trồng trên các khoảnh đất trống. Thành ra không gian đình Gia Lộc rõ là một không gian quý hiếm, đầy ắp tiếng chim và có cảnh quan hoành tráng, mang dáng dấp của rừng xưa. Nơi thì vấn vít dây leo và những loài cây tầm gửi trên thân cành cong queo; chỗ lại là những dáng cành hiên ngang sải ra bốn phía trên cao từ các thân cây trắng mốc.

Ôi! Đình Gia Lộc! Nói quý hiếm chưa phải quá lời, mà có khi phải gọi là báu vật sống mới đúng (theo cách gọi mới xuất hiện gần đây trên báo chí khi kể đến những rừng cây tương tự, như những rừng tùng 700 năm dọc đường lên Yên Tử - trung tâm của thiền phái Trúc Lâm khai mở từ các vua Trần, như rừng lim ở huyện Chí Linh có núi Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi từng về ở ẩn cũng đã năm, bảy trăm năm. Mà rừng lim ấy cũng chỉ còn có 54 cây thôi nhé, vừa bằng số lượng các dân tộc sống trên dải đất hình chữ S - Việt Nam). Giờ, rừng cổ thụ quanh đình Gia Lộc càng trở nên quý hiếm hơn, nhờ đường Xuyên Á chạy ngang qua Trảng Bàng, chỉ cách đình có hơn 100 mét. Nên, đi trên đường ai cũng dễ nhận ra khoảng rừng đình nhô lên như một ngọn đồi. Các khu công nghiệp Trảng Bàng, Linh Trung cách đấy cũng chẳng bao xa. Phố xá dày lên, đất đai thêm chật chội. Vì thế mà khoảng đất 7.200m2 còn lại của đình khác nào một công viên rừng, hay một “lá phổi xanh” giữa vùng công nghiệp và đô thị hoá đang phát triển. Ngoài ngôi đình có thể coi là lớn nhất tỉnh hiện nay, thì không gian bên ngoài cũng đáng để cho mọi người đến thăm thú, tìm lấy sự bình yên thanh thản của tâm hồn, sau những lo toan thường nhật.

Đình hướng mặt về phía Nam, nơi xa xa là rạch Trảng Bàng, còn ngay trước mắt là cánh đồng lúa xanh mơ hoặc vàng ươm mỗi mùa gặt hái. Chung quanh đình, dưới tán cây mát rượi là những ngôi  miếu nhỏ, nơi thờ các vị thần linh theo tập quán tín ngưỡng Nam bộ. Mỗi ngôi chỉ độ gần 2 mét vuông, tường xây, mái ngói hoặc bê tông giả ngói. Phía trước, bên phải (nếu từ thềm đình nhìn ra) là các ngôi miếu thờ thái giám và miếu thờ chiến sĩ. Bên trái là các miếu thờ Bạch Mã và bàn thờ Thần Nông còn được ban quý tế đình cho đắp thêm hình tượng trâu và nghé. Trâu mẹ ung dung gặm cỏ, mặc cho mục đồng cưỡi trên lưng thổi sáo mải mê. Nghé nằm ẹp phía trước, nghểnh cổ lên như đang tìm vú mẹ. Cả hai đều dễ thương và sinh động làm sao khiến các em xúm xít ở bên, đứa leo lên cưỡi trâu, đứa trèo lưng nghé. Với người lớn thì ông Thần Nông chuyên phù hộ việc nông gia, nên dĩ nhiên ông cần có trâu kéo cày phụ giúp, còn đối với trẻ em, những biểu tượng ngộ nghĩnh dễ thương này khác nào món đồ chơi ở chốn công viên. Xét theo ý nghĩa thì không gian xanh bao quanh đình Gia Lộc kém chi chốn thiên đường.

TRẦN VŨ