BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không muốn nhỏ

Cập nhật ngày: 15/04/2017 - 09:08

Không muốn nhỏ, bởi quá trình thu nhỏ phạm vi hoạt động của DNNN cũng khiến các “sân sau” phải bé lại, tức những đặc quyền đặc lợi sẽ ít đi.

Có nhiều nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chậm chạp, trong đó không loại trừ sự cản trở từ các “nhóm lợi ích”. Bởi quá trình thu nhỏ phạm vi hoạt động của DNNN cũng khiến các “sân sau” phải bé lại, tức là những đặc quyền đặc lợi sẽ ít đi.

Không muốn nhỏ, vì vậy, có thể là một nét tâm lý khá đặc trưng của một bộ phận lãnh đạo DNNN và chủ quản của họ.

Thế nên, Trưởng Ban chỉ đạo sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý phải quan tâm đến việc chống “lợi ích nhóm”, tiêu cực trong cổ phần hóa; xác định rõ trách nhiệm cá nhân có liên quan trong quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: “Cái vướng mắc lớn nhất là lợi ích và động lực. Lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, chưa tạo được động lực thực sự để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nói thẳng ra rằng sự yếu kém của DNNN là bởi lãnh đạo DNNN không phải là chủ sở hữu thật nên ít có động lực cao độ để làm việc hiệu quả, cũng không bị giám sát chặt chẽ bởi chủ sở hữu hay thị trường như trường hợp DN tư nhân.

Các số liệu đều chứng minh kết quả cổ phần hóa, thoái vốn trong DNNN giai đoạn vừa qua chỉ hết sức khiêm tốn. Nhìn tỉ lệ 96% trong tổng số DNNN đã và đang cổ phần hóa thì tưởng là lớn, nhưng số vốn nhà nước “thoái” mới chỉ 8%, nghĩa là Nhà nước vẫn sở hữu 92% vốn trong các DN này.

“Tức là cơ bản chúng ta chưa làm được bao nhiêu, vẫn rất nhỏ lẻ, rất ít, chưa thay đổi được cơ cấu của DN để quản trị tốt hơn” - Thủ tướng nói.

Tất nhiên, cũng có những trường hợp muốn “hóa giá” thật nhanh một số DNNN. Bởi với những “miếng mồi ngon” trong các DNNN, đặc biệt là với những DN có lợi thế từ độc quyền tự nhiên, từ những khu “đất vàng”... luôn nằm trong kế hoạch thâu tóm bởi các nhóm “tư bản thân hữu” nào đấy.

Chính Thủ tướng đã cảnh báo tình trạng “sân trước, sân sau” trong quá trình cổ phần hóa, đặc biệt là sự chuyển hóa các “sân trước, sân sau” ấy thành “sân nhà”.

Những hoài nghi mà dư luận đặt ra trong quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn (đang được thanh tra), hay tài sản khủng của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và người thân trong Công ty Điện Quang... là những ví dụ cần được “mổ xẻ”.

Các chuyên gia vẫn thường ví sự đỡ đầu của Nhà nước đối với DNNN như “bầu sữa mẹ”. Hẳn là trong quá trình trưởng thành, không dễ dàng gì để những đứa con thoát khỏi bầu sữa mẹ, nhất là với những đứa trẻ đang phụ thuộc hoàn toàn vào bú mớm...

Với một DN tư nhân, lỗ tiền tỉ là đối mặt với bao nguy khốn, thậm chí phá sản. Nhưng có những DNNN lỗ trăm tỉ, ngàn tỉ năm này qua năm khác nhưng lãnh đạo DN ấy vẫn không sao.

Với một DN tư nhân, muốn vay tiền tỉ không phải dễ, bởi phải đáp ứng các điều kiện khắt khe của ngân hàng. Nhưng với DNNN, những khoản vay nhiều tỉ không phải là khó, thậm chí còn được Nhà nước bảo lãnh cho vay hoặc vay về cho vay lại...

Cũng chỉ DNNN mới có chuyện như một công ty con của PVC thời Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch đã lập “quỹ đen” cả trăm tỉ đồng, với những khoản chi hơn nửa tỉ để “sinh nhật bố sếp Thanh”, báo chí đã nêu.

Tất nhiên làm chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn nhiều nguyên nhân khác, nhưng muốn cổ phần hóa đúng tiến độ phải tìm cách chữa bệnh chây ì đồng thời với chống thao túng.

Nguồn TTO