Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG:
Không nên áp dụng rập khuôn
Thứ hai: 08:44 ngày 30/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giai đoạn 2016-2020, chính sách giảm nghèo bền vững đạt được nhiều thành tựu, nhưng những bất cập cũng không phải ít. Một vấn đề nổi lên trong thực hiện chính sách là có nhất thiết phải áp dụng một mô hình giảm nghèo nào đó cho tất cả các địa phương hay không.

Người phụ nữ này thuộc diện hộ nghèo nhưng nhờ chăm chỉ buôn bán, có thu nhập khá.

DỰ ÁN NUÔI BÒ HIỆU QUẢ Ở THÀNH PHỐ

 Tại thành phố Tây Ninh (TP), giai đoạn 2016-2020 có 598 hộ nghèo và cận nghèo. Đến cuối năm 2019, địa phương này còn 145 hộ. Theo tính toán, đến cuối giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương. Thông tin về kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo chung, lãnh đạo TP. Tây Ninh cho biết, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo giúp hộ nghèo được tiếp cận và sử dụng vốn vay để mở rộng, gia tăng sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

Từ năm 2016 đến 2019, các ban, ngành Thành phố và phường, xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Tây Ninh đã thực hiện các chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo như cho vay tín dụng, giải quyết việc làm, với nguồn vốn hơn 46 tỷ đổng. Thành phố đã cấp 4.319 lượt thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương và hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh, đạt tỷ lệ 100% số người được cấp thẻ theo quy định. Các chính sách, chế độ khác hỗ trợ giáo dục, tiền điện, nhà ở, đào tạo nghề được thực hiện đúng quy định.

Trên địa bàn Thành phố có một số hộ còn được Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ đầu thu truyền hình kỹ thuật số (78 hộ nghèo và 88 hộ cận nghèo). Thành phố còn vận động Báo Công an TP. Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ xe cổ hỗ trợ trang thiết bị học tập và Công ty TNHH May thêu giày An Phước hỗ trợ 3 máy may công nghiệp cho lớp học nhân ái.

Kết quả thực hiện chương trình, dự án, lãnh đạo Thành phố thông tin, năm 2018, UBND Thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện 2 dự án chăn nuôi bò, tổng số tiền 400 triệu đồng, trong đó, xã Tân Bình 300 triệu đồng, xã Thạnh Tân 100 triệu đồng. Tình hình chăn nuôi bò của các hộ nghèo cũng khá, có 1 con bò đã sinh được 3 con bê cái và 2 con gần đến ngày sinh. Năm 2019, Thành phố tiếp tục triển khai 2 dự án chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn xã Thạnh Tân và xã Tân Bình cho 7 hộ.

“Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi, sản xuất, tạo thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Đã có 17 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương trên địa bàn thoát nghèo”- lãnh đạo Thành phố nhìn nhận về kết quả thực hiện một số dự án.

Theo nhìn nhận của lãnh đạo UBND Thành phố, nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo còn yếu, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Việc huy động nguồn lực trong nhân dân chưa được đẩy mạnh.

Để các chương trình giảm nghèo bền vững có hiệu quả hơn, UBND Thành phố kiến nghị Trung ương cần sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo nên đồng nhất, tránh chồng chéo trong thực hiện; có các chính sách mang tính hỗ trợ, khuyến khích đối với những hộ thoát nghèo, tránh tình trạng các hộ nghèo có tâm lý mong muốn “được là hộ nghèo mãi” để nhận những hỗ trợ mang tính cho không của Nhà nước. Đối với tỉnh, bổ sung kinh phí trợ cấp xã hội cho các đối tượng là trẻ em nhiễm HIV, người nhiễm HIV, người cao tuổi 60 trở lên không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng.

DỰ ÁN NUÔI GÀ THẤT BẠI Ở HUYỆN DƯƠNG MINH CHÂU

Đầu năm 2016, toàn huyện Dương Minh Châu có 760 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,57% so với số hộ dân toàn huyện. Qua 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã giảm được 369 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm 1,4%. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xét duyệt cho vay vốn hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo giải quyết việc làm, chăn nuôi, phát triển sản xuất nhằm cải thiện đời sống cho hơn 12 ngàn lượt hộ vay.

Riêng chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, lãnh đạo UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, các xã, thị trấn vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện xây, bàn giao nhà đại đoàn kết, nhà mái ấm tình thương, nhà mái ấm công đoàn... được 301 căn nhà.

Năm 2018, địa phương này hỗ trợ 10 hộ nông dân nghèo, cận nghèo (xã Cầu Khởi) chăn nuôi gà ta thả vườn nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Năm 2019, huyện tiếp tục  triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135 tại UBND xã Phan, cũng hỗ trợ nuôi gà. Sau khi bàn giao gà cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo về nhà chăm sóc, hơn 70% số gà đã bị bệnh và chết do dịch bệnh.

Nhìn lại kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, ngoài những kết quả đạt được, lãnh đạo UBND huyện Dương Minh Châu cũng chỉ ra nhiều hạn chế. Các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn chưa thu hút được các lao động thuộc hộ nghèo tham gia. Hộ nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất, ảnh hưởng lớn đến công tác giảm nghèo bền vững.

Đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, trong khi khả năng huy động nguồn vốn xã hội hoá gặp nhiều khó khăn. Việc lồng ghép các các nguồn lực tuy đạt kết quả tốt, nhưng vẫn còn phân tán. Một số thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình các mục tiêu quốc gia của huyện có lúc chưa sâu sát nên trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo có lúc chưa hiệu quả. Hiện nay, chưa có nhiều mô hình mới cho hộ nghèo (chủ yếu là dự án bò sinh sản, chăn nuôi gà...), chưa liên kết được đầu ra sản phẩm nên việc thoát nghèo, cận nghèo còn chậm.

CẦN LINH HOẠT HƠN

Như đã thông tin, vừa qua, HĐND tỉnh thực hiện đợt khảo sát về hiệu quả của chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Với những thông tin đã đưa (kể cả trong các số báo trước), có thể rút ra vài điều. Trước hết, mặc dù cùng thụ hưởng một chính sách, cùng một mục tiêu, cùng một nhóm đối tượng nhưng không phải trường hợp nào cũng thoát nghèo thành công, tức thoát nghèo bền vững.

Ngoài những nguyên nhân đã được nói đến nhiều như sức khoẻ, bệnh tật, neo đơn, tư tưởng ỷ lại, trông chờ trợ cấp… còn phải kể đến một điều chưa thấy đề cập tới, đó là suy nghĩ, quan niệm về cuộc sống của những nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách. Có những nhóm người, cộng đồng người quan niệm về cuộc sống, về vật chất khá đơn giản, không như số đông nghĩ phải ra sức lao động, dành dụm, tích cóp… Họ chỉ cần sống ngày nào biết ngày đó.

 Một điều nữa, không khó để nhận ra tính chất rập khuôn trong các mô hình, dự án liên quan đến giảm nghèo. Lấy ví dụ mô hình, dự án nuôi bò sinh sản, không phải hộ nào cũng thành công với con bò. Có hộ không thể nuôi hay không muốn nuôi, vậy có nên cấp bò cho những hộ này hay không? Có những vùng đất, trong quá khứ, có thể nuôi bò thành công nhưng hiện nay thì không, vì thiếu thức ăn và đặc biệt thiếu nước, ví dụ xã Tân Hoà của huyện Tân Châu. Địa phương này (như đã đề cập gần đây) là điển hình cho việc thất bại với dự án nuôi bò sinh sản. Trong khi đó, tại TP. Tây Ninh, dự án nuôi bò lại đạt hiệu quả.

Dù đã được nhận thấy từ lâu nhưng chính sách giảm nghèo, cho đến nay vẫn còn bất cập, đó là nhiều khoản hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo vừa manh mún vừa nặng tính chất cho không. Điều này dẫn đến kết quả thu được từ chính sách giảm nghèo khó tạo ra tính bước ngoặt, đồng thời thiếu chế tài đối với những người thụ hưởng. Một điều nữa, mặc dù chuẩn nghèo đã được nâng lên cao hơn so với giai đoạn trước, tuy nhiên, thu nhập thực tế của những hộ thuộc diện nghèo hiện nay vẫn cao hơn chuẩn nghèo.

Không ai có thể sống được với khoản tiền chưa tới một triệu đồng tháng (khu vực nông thôn). Nói cách khác, nếu tính toán, áp dụng chính sách một cách công thức theo như quy định, số hộ nghèo sẽ không còn.

Liên quan chính sách giảm nghèo, ngày 27.2.2020, UBND ban hành Quyết định số 04/2020/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ đối tượng thuộc hộ gia đình không khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh. Chính sách này áp dụng đối với các đối tượng thuộc hộ gia đình không còn khả năng thoát nghèo thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn Trung ương.

Theo quyết định của UBND tỉnh, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội bao gồm: người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng; trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, người bị bệnh mất sức lao động phải điều trị trong thời gian dài;  người trong độ tuổi lao động nhưng bị khuyết tật trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tâm thần dạng nhẹ, khuyết tật nghe, nhìn dạng nhẹ nhưng không thể lao động.

Các nhóm đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội ngoài ngân sách Trung ương đã hỗ trợ, ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm để nhóm đối tượng này được hưởng bằng mức 1.310.000 đồng/người/tháng khu vực thành thị và 1.010.000 đồng/người/tháng khu vực nông thôn. Quyết định của UBND tỉnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10.3.2020.

VIỆT ĐÔNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục