BAOTAYNINH.VN trên Google News

An toàn vệ sinh thực phẩm:

Không nghiêm minh, khó hiệu quả

Cập nhật ngày: 13/05/2016 - 02:57

Khách chọn mua hàng trong siêu thị.

Xin dẫn lời một cử tri khi tiếp xúc với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại Tân Châu, vị này ví von: ATVSTP đang rất nóng và nguy hiểm như… bom nguyên tử! Điều đó cho thấy vấn nạn thực phẩm bẩn đang được nhiều người quan tâm theo dõi. Bởi đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân và nó đang diễn biến phức tạp thông qua các thủ đoạn tinh vi, độc hại của chính con người. Trong thực tế, không phải ai cũng có đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này cũng còn tồn tại nhiều bất cập khiến việc quản lý chưa thật sự hiệu quả.

Vừa qua, Chính phủ mở hội nghị trực tuyến toàn quốc để bàn về vấn đề trên. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Tại Tây Ninh, trong Tháng Hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tỉnh, huyện, xã và đã tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất, trồng trọt trên địa bàn. Qua kiểm tra, có cơ sở chấp hành tốt nhưng vẫn còn những cơ sở vi phạm các quy định hiện hành.

Có kiểm là có sai

Tại nhiều cơ sở, khi ngành chức năng đến kiểm tra vẫn còn tái diễn những sai phạm cũ như thiếu giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATVSTP, giấy khám sức khoẻ… Đây là những lỗi vi phạm rất cũ từng bị nhắc nhở trong nhiều năm qua các đợt kiểm tra thực tế. Các hộ kinh doanh này chưa có ý thức tuân thủ pháp luật mà chỉ thích làm theo thói quen. Nhiều người còn lý giải rằng trước đây kinh doanh đâu cần có giấy tờ gì cũng có thể bán được vậy!

Một hộ kinh doanh ở xã Biên Giới, huyện Châu Thành khi bị phát hiện sai phạm đã chống chế rằng: chỉ tại bản thân không… rành mấy vụ giấy tờ kinh doanh (mặc dù đã kinh doanh nhiều năm). Cơ sở này chỉ có giấy phép kinh doanh, còn lại các loại giấy tờ khác đều không có.

Một hộ sản xuất bún tại thị trấn Châu Thành thì lại bảo: không có thời gian để bổ túc hồ sơ cũng như làm các thủ tục, giấy tờ vì công việc này rất nhọc nhằn và mất công đi lại! Với những lý do này, cơ sở liên tục chịu phạt qua các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng nhưng tình hình sau đó vẫn không có gì tiến triển. Có hộ còn không phân biệt giấy khám sức khoẻ hợp lệ để sản xuất, kinh doanh thực phẩm khác với giấy khám sức khoẻ để thi lấy bằng lái xe. Ý thức vệ sinh trong kinh doanh, sản xuất thực phẩm còn kém, sản phẩm hàng hoá không được bảo quản đúng nơi quy định mà có thể bày bất cứ đâu- trên sàn nhà, gần nhà vệ sinh, rồi không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu vv…vv… đều là những vấn đề nói mãi vẫn còn.

Tình trạng nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không hề có động thái cải tạo cơ sở, hoàn chỉnh các loại hồ sơ thủ tục theo quy định, sẵn sàng chấp nhận chịu phạt qua các đợt kiểm tra phải chăng xuất phát từ việc xử lý chưa nghiêm, các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe?

Người tiêu dùng- chủ yếu... hên xui !

Trước “mê trận” thực phẩm bẩn như hiện nay, người tiêu dùng vẫn đang loay hoay không biết chọn loại nào, ở đâu… cho an toàn! Có người đành buông xuôi, chấp nhận hên xui bởi “chẳng biết đường nào mà lần”.

Bà Nguyễn Thị Kiều Mộng Nga, một người nội trợ ở xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành cho biết, mỗi ngày bà đều đi chợ mua thực phẩm để lo bữa ăn cho gia đình. Trước những thông tin về thực phẩm bẩn bà cũng cảm thấy lo lắng, trong lòng thường trực cảm giác không an toàn. Tuy nhiên, lo thì lo vậy chứ người tiêu dùng bình thường như bà thì đâu thể phân biệt được thực phẩm nào sạch, thực phẩm nào bẩn, độc. Và cách mà bà chọn để bảo vệ gia đình mình là “Trước khi chế biến mình chịu khó ngâm, rửa cho kỹ với nước muối và rửa qua nhiều lần nước”. Nhiều người cũng làm như bà Nga chủ yếu là để tự trấn an mình, giúp bản thân cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng các loại thực phẩm mua về từ chợ. Một số người khác chọn giải pháp: tự trồng rau tại nhà để ăn thay vì mua rau bên ngoài mà không biết trong đó còn tồn dư bao nhiêu phần trăm các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng… độc hại. Nhưng đó cũng chỉ là những biện pháp nhất thời, không thể giải quyết được triệt để mối lo về thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn. Chưa kể đại đa số người tiêu dùng hiện có tâm lý buông xuôi, phó mặc sức khoẻ cho… ông trời! Coi như tuỳ vào… hên xui, may rủi! Đi một vòng khu vực chợ Long Hoa, hỏi thăm một số bà nội trợ, chúng tôi được biết, những thông tin về thực phẩm bẩn phát hằng ngày trên ti vi các bà, các chị vẫn nghe, vẫn biết nhưng nhiều chị, nhiều bà vẫn chọn lựa phương thức cũ- cốt sao mua được thực phẩm “rẻ và tiện lợi”, còn nguồn gốc, chất lượng thì có thể… cho qua (?). Nhiều bà quan niệm cứ đem nấu chín, đun sôi thì thực phẩm nào cũng thành… an toàn.

Bà Lê Thị Diệp- một chủ hộ kinh doanh thịt heo tại khu vực xã Hoà Thạnh và Biên Giới, huyện Châu Thành cho biết, việc kinh doanh của bà hiện tại không được tốt lắm. Mỗi ngày bà chỉ bán được một con heo cho cả hai khu vực trên. Theo bà, do nhiều công nhân đã chọn lựa mua thịt ngay tại các khu công nghiệp vì tiện đường và cũng vì giá rẻ- chênh lệch với giá bà bán tại chợ tới 10.000 đồng/kg (tất nhiên không thể biết rõ thịt heo giá rẻ như thế có bảo đảm ATVSTP hay không). Bà Diệp khẳng định, bà kinh doanh thịt heo có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm không có chất độc hại.

Thực ra, không ít bà nội trợ cũng đã biết chú trọng đến việc chọn lựa thực phẩm không gây hại đến sức khoẻ cho gia đình mình. Họ thường có ý thức cảnh giác cao đối với các loại thực phẩm đáng ngờ, nhất là nguồn thực phẩm không có xuất xứ rõ ràng. Nhiều chị em chịu khó lục tìm thông tin trên mạng internet để tự học cách phân biệt rau củ quả an toàn. Nhiều chị em khi mua thực phẩm chỉ chọn lựa siêu thị hoặc các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, đây chưa phải là số đông.

Chật vật khâu quản lý

Người sản xuất vẫn chưa chịu thay đổi thói quen, trong khi số đông người tiêu dùng vẫn còn khá “dễ dãi” trong việc chọn và sử dụng thực phẩm. Vậy người quản lý phải làm gì?

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có gần 7.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phần lớn là kinh doanh nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Trong năm 2015, toàn tỉnh đã tổ chức thanh, kiểm tra 5.981 cơ sở, qua đó phát hiện hơn 1.600 cơ sở vi phạm, có 517 cơ sở bị phạt với số tiền gần 1 tỷ đồng.

 Hiện công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh cũng còn khó khăn, nhất là ở tuyến huyện, xã, do lực lượng chức năng không có đủ phương tiện, kỹ thuật để test nhanh sản phẩm khi kiểm tra. Thường là tuyến huyện lấy mẫu rồi gửi về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chờ kết quả. Như vậy rất mất thời gian. Cán bộ còn thiếu nên việc tuyên truyền chưa thể làm sâu sát đến người dân. Theo như kiến nghị của Phòng Y tế huyện Dương Minh Châu thì cần cấp thêm kinh phí thanh, kiểm tra cho cán bộ y tế tuyến xã và các đợt kiểm tra đột xuất. Tại huyện Châu Thành, Phòng Nông nghiệp không có dụng cụ kiểm tra nhanh dư lượng hoá chất trên rau củ khi đi kiểm tra nên cũng chỉ làm công tác phối hợp, rồi gửi mẫu đi kiểm nghiệm là chủ yếu. 

Hoạt động quản lý tại tuyến xã cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Theo Nghị định số 91/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đã  phân cấp, Chủ tịch UBND cấp xã có thể phạt đến 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính về ATTP tại địa phương. Nhưng trên thực tế, ở nhiều nơi không ghi nhận được trường hợp nào bị xử phạt.

Theo anh Đình Long- cán bộ phụ trách mảng ATVSTP tại xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành, xã đang quản lý 89 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Công tác kiểm tra được tiến hành thường xuyên mỗi tuần nhưng chủ yếu chỉ là nhắc nhở, vận động người kinh doanh tham gia các buổi tập huấn, bảo đảm vệ sinh, thực hiện đầy đủ thủ tục để kinh doanh hợp pháp. Cũng theo anh Long, tuyến xã không có điều kiện để thực hiện test nhanh nhằm xác định chất lượng thực phẩm mà chủ yếu chỉ chờ phối hợp với tuyến huyện. “Ngay cả chi phí để tổ chức kiểm tra định kỳ còn thiếu, vậy thì làm gì có đủ kinh phí cho việc mua mẫu thử hay gửi mẫu đi xét nghiệm”- anh Long nói.

Kiểm tra tại cơ sở sản xuất giá đỗ.

Đối với quản lý hàng rong, tuyến xã cũng gặp nhiều khó khăn bởi đây là cách kinh doanh kiểu “rày đây mai đó”. Hiện công tác vận động vẫn là chủ yếu và việc chấp hành thì còn tuỳ vào ý thức của người kinh doanh.

Với thực tế như trên, liệu có thể yên tâm về công tác bảo đảm ATVSTP?

Đã có luật thì phải tuân thủ theo luật một cách nghiêm chỉnh, có như vậy mới tạo được tác dụng răn đe. Với những cơ sở đã nhiều lần vi phạm, được góp ý sửa chữa mãi mà vẫn không thực hiện thì cứ phải xử phạt thật nghiêm khắc để làm gương. Ông Lê Văn Khánh, ngụ xã Thạnh Đông, Tân Châu cho biết, ông rất bức xúc khi hằng ngày theo dõi tin tức về thực phẩm bẩn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Là người dân, ông cảm thấy lo lắng cho sức khoẻ của mình, của người thân trước nguy cơ phải sử dụng thức ăn độc hại. Và theo ông Khánh: “Tuyên truyền giáo dục ý thức là một việc tốt và cần thiết, nhưng các cấp chính quyền cũng phải có cách xử lý nghiêm minh đối với những vụ vi phạm về ATVSTP. Phải có sự răn đe thật sự để các đối tượng này không dám vi phạm nữa”.

Bên cạnh đó, cũng cần khắc phục tình trạng bất cập, hạn chế trong khâu giáo dục, tuyên truyền về ATVSTP- nhất là ở vùng sâu vùng xa, ngay cả người sản xuất, kinh doanh cũng khó nắm và hiểu rõ các quy định của pháp luật. Một cán bộ quản lý công tác an toàn thực phẩm chia sẻ rằng, sau khi kiểm tra, xử phạt, có nhiều cơ sở vi phạm tỏ ra có chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn. Người kinh doanh, sản xuất thực phẩm có đầy đủ sự hiểu biết và thực hiện đúng các quy định của pháp luật có liên quan, chính là người biết tự bảo vệ quyền lợi của mình.

VI XUÂN- HOÀNG KHA