Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Không nhất thiết phải xây mới nhà tạm lánh cộng đồng
Thứ sáu: 05:40 ngày 07/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quy định xây nhà tạm lánh cho người bị bạo hành có thể phù hợp với các nước phương Tây nhưng chưa chắc đã cần thiết đối với người Á Ðông. Ở phương Tây, khi bị bạo hành, người vợ sẵn sàng gọi cảnh sát nhưng ở phương Ðông, trong đó có Việt Nam thì khác. Do yếu tố văn hoá, khi bị bạo hành, người vợ cũng ít ai công khai, vì “xấu chàng hổ ai”...

Trạm Y tế phường 1- nơi được chọn đặt nhà tạm lánh.

Tháng 8.2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn triển khai thí điểm mô hình “Ðịa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng”. Hiện nay, các địa phương bắt đầu triển khai xây dựng thí điểm mô hình này. Hầu hết cán bộ cơ sở đều ủng hộ hình thành nhà tạm lánh cho những người bị bạo hành. Tuy vậy, tính cần thiết, hiệu quả hoạt động của mô hình vẫn còn phải chờ thời gian trả lời.

GIẢM THIỂU TÁC HẠI BẠO LỰC GIA ÐÌNH

Theo tinh thần công văn của Bộ LÐ-TB&XH, mục đích của việc thí điểm thực hiện mô hình này làm căn cứ xây dựng và ban hành quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương và các quy định của pháp luật. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong giai đoạn 2017-2020, Bộ LÐ-TB&XH hỗ trợ mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm 1 mô hình tại 1 xã (phường, thị trấn) từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020. Bộ cũng khuyến khích các địa phương, tổ chức liên quan huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để nhân rộng mô hình ra các địa bàn khác.

Chủ trương hình thành nhà tạm lánh nhằm nhanh chóng giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới ngay từ cấp cộng đồng, thông qua việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới bao gồm tạm lánh, chăm sóc y tế, tư vấn/tham vấn tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản, hỗ trợ chuyển tuyến (khi cần thiết).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đã được công bố rộng rãi, tại Việt Nam, cứ ba phụ nữ có chồng thì một người từng bị bạo hành, chiếm khoảng 35%. Từ năm 2011 tới 2015, cứ mỗi ngày ở Việt Nam lại có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo hành gia đình.

Mô hình nhà tạm lánh còn để thu hút được sự tham gia và nâng cao nhận thức của người dân tại địa bàn trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời bảo đảm việc phối hợp giữa các bên liên quan trong hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, hình thành đội ngũ cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới tại cơ sở.

Ðối tượng phục vụ của loại hình nhà tạm lánh là nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới (gọi tắt là nạn nhân), con của nạn nhân, người dân tại địa bàn triển khai mô hình.

Mô hình nhà tạm lánh hoạt động với ba nội dung chính gồm hỗ trợ nạn nhân, tuyên truyền nâng cao nhận thức bạo lực gia đình và kết nối, cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân. Theo đó, nhà tạm lánh tiếp nhận, bố trí nơi tạm lánh khẩn cấp nhằm cách ly và bảo vệ an toàn cho nạn nhân/người có nguy cơ bị bạo lực (và con của họ) khỏi đối tượng gây bạo lực/người có nguy cơ gây bạo lực.

Tại đây, nạn nhân được chăm sóc y tế ban đầu như sơ cứu trong trường hợp nạn nhân bị thương tích nhẹ, trong trường hợp bị thương tích nặng, nạn nhân được hỗ trợ đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Nhân viên làm ở nhà tạm lánh có trách nhiệm, chức năng tư vấn ổn định tâm lý cho nạn nhân (và con của họ trong trường hợp cần thiết), có biện pháp can thiệp đối với đối tượng gây bạo lực và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Trong thời gian ở nhà tạm lánh, nạn nhân được tư vấn pháp luật cơ bản nhằm bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình. Những người làm ở nhà tạm lánh cũng giúp nạn nhân kết nối các dịch vụ liên quan phù hợp để hỗ trợ họ khi có nhu cầu hoặc khi nạn nhân cần được chuyển tuyến. Sau khi rời nhà tạm lánh để trở về nhà mình, nạn nhân tiếp tục được theo dõi, hỗ trợ tối thiểu trong thời gian 6 tháng để bảo đảm bạo lực không tái diễn…

TRIỂN KHAI THÍ ÐIỂM

Hơn một năm kể từ ngày có văn bản hướng dẫn, giữa tháng 8.2018, Sở LÐ-TB&XH tổ chức tập huấn để triển khai mô hình “Ðịa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh”. Một câu hỏi được đặt ra, nhà tạm lánh có thật sự cần thiết hay không, hoạt động như thế nào để có hiệu quả? Trả lời câu hỏi này, hầu hết cán bộ, nhân viên ngành LÐ-TB&XH đều cho là nên có nhà tạm lánh.

Theo ý kiến của lãnh đạo phòng chuyên môn thuộc Sở LÐ-TB&XH, việc hình thành mô hình nhà tạm lánh tại cộng đồng là cần thiết, nhưng Tây Ninh sẽ không triển khai đồng loạt, trước mắt chỉ thí điểm tại phường 1, TP. Tây Ninh. Sau khi hoạt động một thời gian, xem xét hiệu quả như thế nào mới có những bước đi tiếp theo.

Bộ máy hoạt động của “Ðịa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng” sẽ được chọn ngay trong đội ngũ cán bộ cơ sở, có nghĩa là không hình thành bộ máy mới. Nói cách khác, bộ máy hoạt động có sẵn, không làm tăng biên chế- một vấn đề đang nóng bỏng.

“Mô hình nhà tạm lánh tại cộng đồng là cần thiết, vì chuyện phụ nữ bị bạo hành là có thật và không khó khăn gì để nhận ra điều này. Mặt khác, theo quy định, những xã nào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phải có nhà tạm lánh”- lãnh đạo Phòng LÐ-TB&XH huyện Châu Thành bày tỏ sự ủng hộ đối với việc hình thành nhà tạm lánh.

“Là địa bàn được chọn triển khai thí điểm mô hình nhưng theo chủ trương chung, phường 1 sẽ không xây mới nhà tạm lánh, chúng tôi thống nhất lấy một phần cơ sở vật chất hiện có của Trạm Y tế phường để làm phòng tạm lánh”- bà Lê Thị Thảo Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường 1 cho biết.

Bà Hiền thông tin thêm, phòng tạm lánh đã có sẵn (phòng của Trạm Y tế phường 1), kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt tối thiểu cũng đã được chuẩn bị. Ðể phòng tạm lánh đi vào hoạt động, lãnh đạo UBND phường đã thống nhất cử ra 5 người của Uỷ ban tham gia, gồm lãnh đạo UBND, nhân viên y tế, nhân viên phụ trách mảng TB&XH và một công an viên.

Bộ máy này hoạt động mang tính kiêm nhiệm, không có lương riêng nhưng có chế độ phụ cấp mang tính tượng trưng - mỗi tháng 200 ngàn đồng/người. Theo quan điểm của bà Lê Thị Thảo Hiền, chủ trương làm nhà hay phòng tạm lánh là cần thiết, bởi vì trường hợp nạn nhân bị bạo lực gia đình không có bên nội, bên ngoại hay bạn bè thân thích ở gần, nhà tạm lánh có thể là nơi họ lựa chọn khi điều không may xảy ra.

Vẫn theo thông tin từ UBND phường 1, trong tháng 9 này, nếu không có gì thay đổi, mô hình nhà tạm lánh sẽ đi vào hoạt động. Theo tinh thần chung, vì được chọn làm nơi thí điểm, có kinh phí  hoạt động, địa chỉ này sẽ tiếp nhận bất kỳ ai bị bạo hành, không phân biệt địa bàn. Khi đi vào hoạt động, phòng tạm lánh sẽ có đường dây điện thoại khẩn cấp để tiếp nhận thông tin liên quan đến bạo lực hay các vấn đề bình đẳng giới.

Mặc dù phường 1 được chọn làm nơi thí điểm “chính quy” về mô hình nhà tạm lánh nhưng trên thực tế, một số xã nông thôn mới đã có trước đó. Ví dụ, tại xã Thái Bình của huyện Châu Thành, chính quyền nơi đây lấy một phòng của Trạm Y tế xã để đặt phòng tạm lánh. Nhân viên làm việc tại trạm cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay chỉ có một trường hợp vào trú ngụ ở đây ít tiếng đồng hồ.

Theo lời kể, nạn nhân là một phụ nữ. Người này kể với nhân viên y tế rằng, hôm đó, chồng chị ta đi nhậu về, hai vợ chồng cãi nhau. Trong cơn tức giận vì bị cằn nhằn, người chồng đã lấy ổ khoá ném trúng mặt vợ. “Người vợ bị thương nhẹ, chị ấy đến đây, là phụ nữ với nhau, chúng tôi trò chuyện động viên. Một lúc sau, người chồng tỉnh rượu, đến tận nơi xin lỗi, sau đó hai vợ chồng ra về”- cán bộ Trạm y tế xã Thái Bình kể lại.

Phòng tạm lánh tại Trạm Y tế xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

KHÔNG MỚI

Thực ra, việc xây cơ sở cho người bị bạo hành không phải bây giờ mới được bàn đến. Ngày 16.3.2010, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL nhằm cụ thể hoá một số nghị định của Chính phủ cũng như Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Thông tư này quy định thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình. Chức năng hoạt động của cơ sở là hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình và tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong đó bao gồm chăm sóc sức khoẻ và tư vấn chăm sóc sức khoẻ; chăm sóc y tế; tư vấn pháp luật; tư vấn tâm lý; cung cấp nơi tạm lánh trong trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình không có chỗ ở khác; hỗ trợ một số nhu cầu thiết yếu về đồ ăn, nước uống, cung cấp hoặc cho mượn quần áo, chăn màn và các đồ dùng thiết yếu khác cho nạn nhân bạo lực gia đình.

Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình có chức năng tư vấn pháp luật; tư vấn tâm lý cho các đối tượng có nhu cầu tư vấn bao gồm nạn nhân bạo lực gia đình, người gây bạo lực gia đình và những đối tượng khác.

Theo thông tin đã được công bố rộng rãi, mô hình nhà tạm lánh được hình thành ở một số nước châu Âu. Vào đầu những năm 2000, Cộng hoà Liên bang Ðức có 600 nhà tạm lánh dành cho người bị bạo hành (tại thời điểm đó, số dân của nước Ðức tương đương Việt Nam). Những năm sau đó, một số địa phương trong cả nước từ Bắc đến Nam cũng bắt đầu xây nhà tạm lánh cho phụ nữ.

Quy định xây nhà tạm lánh cho người bị bạo hành có thể phù hợp với các nước phương Tây nhưng chưa chắc đã cần thiết đối với người Á Ðông. Ở phương Tây, khi bị bạo hành, người vợ sẵn sàng gọi cảnh sát nhưng ở phương Ðông, trong đó có Việt Nam thì khác. Do yếu tố văn hoá, khi bị bạo hành, người vợ cũng ít ai công khai, vì “xấu chàng hổ ai”. Trừ trường hợp không chịu đựng được, người trong cuộc mới nhờ chính quyền can thiệp.

Khi xảy ra bạo lực, nạn nhân có thể đến ở nhà người quen, bà con, bạn bè, về bên ngoại để tá túc tạm thời… Bằng cách tận dụng cơ sở vật chất và con người có sẵn như trình bày ở trên, việc hình thành mô hình “Ðịa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng” có thể là cách làm linh hoạt, phù hợp với thực tế, dù rằng điều này chưa thoả mãn được các quy định của Trung ương.

Không quá khó để nhận thấy, trong quá trình thực hiện các đề án, mô hình, phong trào, kế hoạch… thường có tính rập khuôn, máy móc, hình thức. Một chính sách, một quy định có thể phù hợp, cần thiết với vùng này nhưng với nơi khác thì không thật cần thiết, vì vậy khi triển khai cần linh hoạt để tránh lãng phí.

VIỆT ÐÔNG

“Tôi nói thật, làm cũng được nhưng không quá cần thiết đâu. Còn nếu bắt buộc phải làm thì cần tính toán sao cho khoa học, hợp lý để tiết kiệm. Ví dụ, điều tra xã hội học, thống kê xem địa phương nào có tỷ lệ bạo lực gia đình cao thì hãy làm, còn không thì thôi. Về con người, tôi cho rằng nên sử dụng nhân lực của các tổ chức đoàn thể” - một vị lãnh đạo ngành LÐ-TB&XH nêu quan điểm.
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh