BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không phải chuyện riêng của TP.HCM

Cập nhật ngày: 21/02/2017 - 14:03

Việt Nam cần những nơi tạo ra việc làm và môi trường sống có thể cạnh tranh với những nơi mà người Việt tài năng có cơ hội làm việc hay người giàu đang lựa chọn “đầu tư quốc tịch”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có phiên họp bàn về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM.

“Cánh cửa” chưa hoàn toàn mở ra, dựa trên lập luận chính vẫn là thành phố đã rất phát triển nên cần chia sẻ với cả nước.

Điều này có thể hợp lý nếu Việt Nam là một nền kinh tế đóng, không giao thương với bên ngoài.

Tuy nhiên, trong một thế giới mở và toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, việc không tạo đủ điều kiện để các “đầu tàu” có khả năng cạnh tranh quốc tế tốt hơn chẳng khác nào lấy đá ghè chân mình vì nó làm cho vấn nạn chảy máu chất xám và thất thoát nguồn lực quốc gia trầm trọng hơn.

Việc hàng trăm nghìn du học sinh không/chưa trở về nước làm việc, ý tưởng xuất khẩu lao động cử nhân thất nghiệp chẳng giống ai và chuyện “đầu tư quốc tịch” ở các nước phát triển có liên hệ mật thiết với vấn đề nêu trên và làm giảm cơ hội đi đến thịnh vượng của Việt Nam.

Trong một thế giới đang vừa phẳng hơn (sự trải rộng không biên giới của công nghệ và dịch vụ) vừa kém phẳng hơn (sự hội tụ của chất xám và nguồn lực ở một ít nơi), cạnh tranh toàn cầu giữa các quốc gia hay địa phương thực chất là việc thu hút và giữ chân người giỏi và người giàu - lực lượng quan trọng tạo ra của cải và tiến bộ xã hội.

Với một nước ở trình độ phát triển như Việt Nam thì trọng tâm là giữ người giỏi và người giàu của mình bằng cách đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất của họ gồm: (i) việc làm phù hợp chuyên môn để phát huy khả năng và thi thố tài năng; và (ii) môi trường sống tốt cho bản thân và gia đình.

Do vậy, Việt Nam cần những nơi tạo ra việc làm và môi trường sống có thể cạnh tranh với những nơi mà người Việt tài năng có cơ hội làm việc hay người giàu đang lựa chọn “đầu tư quốc tịch”.

TP.HCM và Hà Nội là những nơi như vậy. Tuy nhiên, cơ chế phân bổ nguồn lực và cách tư duy hiện nay đang làm cho hai nơi này, một cách tương đối, ngày một kém hơn so với những nơi đang thu hút chất xám và của cải của Việt Nam.

Giải pháp cần thiết là ưu tiên nguồn lực để TP.HCM và Hà Nội trở nên cạnh tranh và đáng sống hơn.

Điều này không chỉ ngăn chặn được tình trạng chảy máu chất xám và thất thoát nguồn lực mà còn có được cả hiệu quả và công bằng, vì trong dài hạn những nơi có điều kiện bất lợi hơn sẽ được phần nhiều hơn so với cách phân bổ hiện nay do cái bánh tổng thể lớn hơn.

Hơn thế, cách tiếp cận này sẽ giúp hóa giải mối bận tâm của nhiều bậc cha mẹ vừa muốn con mình về nước sau khi học xong để gần gũi và khỏi “mất con”, vừa muốn chúng có môi trường sống tốt và nơi làm việc với tương lai rộng mở.

Muốn họ về thì phải tạo được chỗ làm và chỗ ở tương xứng cho họ!

Việt Nam có điều kiện và khả năng làm điều này chứ không phải bí bách vì không tạo đủ việc làm cho người dân mà nảy sinh ý tưởng xuất khẩu lao động có kỹ năng làm trầm trọng thêm vấn nạn chảy máu chất xám và thêm nhiều người phải tha phương bất đắc dĩ.

Tóm lại, việc có thêm nguồn lực cho phát triển không phải là chuyện riêng của TP.HCM mà vì tương lai của Việt Nam.

Nguồn TTO