BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng, chống dịch bệnh Covid-19:

Không thể chủ quan, lơ là 

Cập nhật ngày: 17/08/2020 - 20:03

BTNO - 67 ngày không có ca nhiễm SARS-CoV-2 mới; Tăng cường kiểm soát biên giới 24/24 giờ; Sẽ tháo dỡ lệnh tạm dừng các hoạt động hát Karaoke; Không tổ chức lễ khai giảng năm học mới; Nâng tỷ lệ người cài đặt ứng dụng Bluezone…

Đó là những vấn đề được nêu ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh chiều 17.8.2020, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh của tỉnh chủ trì.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh của tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đại tại cuộc hop.

67 ngày không có ca mới, nhưng không thể chủ quan

Bác sĩ Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định: “Tính đến ngày 17.8, dù trên địa bàn tỉnh đã qua 67 ngày không ghi nhận ca mới, nhưng chúng ta không thể chủ quan, lơ là với công tác phòng, chống dịch”.

Đánh giá nguy cơ, Bác sĩ Nguyễn Văn Cường cho biết thêm, trên toàn quốc, dù tần suất nhập cảnh trái phép có giảm, nhưng vẫn còn tiếp diễn. Đối tượng là các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, người quản lý… nhập cảnh về các tỉnh trong vùng, các khu công nghiệp.

Tại Tây Ninh, hiện vẫn tiếp nhận các thành phần khác và cách ly như người Việt làm ăn, làm việc, học tập… nhập cảnh trái phép qua Campuchia nhưng bị trả về; Tình hình trao đổi hàng hoá qua lại ở khu vực biên giới, diễn biến nguồn lây tại các tỉnh chưa đánh giá (như Hải Dương, Hà Nội)…

Ngoài ra, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch như: tổ chức cưới hỏi, karaoke… Một số dịch vụ ăn uống, dịch vụ của các đơn vị kinh tế chưa siết chặt biện pháp phòng chống dịch cá nhân.

Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế, ngành đã xét nghiệm cho 2.434 trường hợp đi từ vùng dịch về địa phương (từ 1.7 đến nay), tất cả đều âm tính. Hiện có 32 người đang cách ly tại các cơ sở y tế; 308 người cách ly tập trung và 771 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế báo cáo tình hình dịch bệnh tại cuộc họp.

Liên quan tới công tác xét nghiệm sàng lọc, ông Nguyễn Văn Cường cho rằng, toàn tỉnh chỉ có 2 cơ sở công lập là CDC tỉnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Với công suất 50-60 test/ngày, sẽ không đáp ứng yêu cầu trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Sở Y tế đề xuất trang bị máy tách tự động 96 mẫu, tương đương công suất tăng 500 mẫu/ngày, vừa đáp ứng yêu cầu, vừa an toàn cho đội ngũ xét nghiệm.

Bên cạnh đó, để đáp ứng cho chạy sàng lọc, cần mở rộng trang bị máy PCR trong hệ thống công lập. Hiện có 4 đơn vị đủ điều kiện chạy sàng lọc bằng máy PCR là Trung tâm y tế huyện Tân Biên, Trảng Bàng, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh.

Đối với công tác giám sát, điều tra dịch bệnh, ông Cường cho biết, ngành đã khởi động các đội phản ứng nhanh, huy động các lực lượng tham gia giám sát, truy vết triệt để tất cả trường hợp đi về từ vùng dịch. Đồng thời, tăng cường quản lý cách ly người có nguy cơ, đặc biệt tại các khu công nghiệp, người lạ tạm trú tại địa phương.

Kiểm soát biên giới 24/24 giờ

Đại tá Lê Hồng Vương- Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP nhận định, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối tắt trên biên giới vẫn diễn biến phức tạp, đáng chú ý các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.

Tính từ 1.8, lực lượng Biên phòng phối hợp Công an phát hiện bắt giữ 11 vụ, 23 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Trong đó, 14 đối tượng là người Việt Nam, 8 người Trung Quốc và 1 người Đài Loan.

Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh cũng báo cáo, ngành phát hiện và bắt giữ 41 trường hợp nhập cảnh trái phép là người Trung Quốc, hiện đang trình phương án trục xuất.  

Theo đại tá Lê Hồng Vương, BĐBP tỉnh phối hợp các ngành duy trì 100% quân số trực 24/24 giờ tại 115 tổ, chốt chặn, 36 tổ cơ động kiểm soát chặt chẽ biên giới, ngăn chặn và phát hiện sớm các trường hợp nhập cảnh trái phép, đưa đi cách ly và xử lý theo quy định.

Tháo dỡ tạm dừng các hoạt động hát Karaoke vào cuối tháng 8

Liên quan đến việc tạm dừng các dịch vụ hát karaoke, ông Phạm Văn Tín- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, ngoài dịch vụ hát karaoke, huyện cũng buộc tạm dừng hoạt động hát với nhau. Tuy nhiên, quan điểm này lại không nhận được sự đồng tình từ cơ sở.

Đồng tình, ông Phạm Trung Chánh- Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh lo lắng, tạm dừng hoạt động Karaoke từ ngày 1.8, nhưng không biết khi nào trở lại, vì văn bản chưa nêu cụ thể và thống nhất. Mặt khác, quy định không tập trung đông người, vậy mấy người được xem là đông?

Đại diện UBND huyện Gò Dầu cũng cho rằng, cần có văn bản thống nhất đối với các hoạt động này, để có sự chỉ đạo chung, các ngành, địa phương có phương án thực hiện.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thành Tiễn nhấn mạnh: “Nếu đã cấm thì phải cấm hết”. Theo ông Tiễn, nếu xét về giai đoạn trước, chỉ đạo của UBND tỉnh tạm dừng tất cả các hoạt động hát karaoke, hát với nhau… đã rất cụ thể.

Vì vậy, cần quy định ngành nghề, hoạt động cụ thể, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, khó lường như hiện nay. Sở này cũng yêu cầu cần siết chặt kiểm tra các cơ sở karaoke, hoạt động hát với nhau trên toàn tỉnh.

Nhấn mạnh vần đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Sở VH-TT&DL có văn bản tham mưu UBND chỉ đạo. Dự kiến cuối tháng 8, sẽ tháo dỡ lệnh tạm dừng cho phù hợp.

Đề xuất “không tổ chức lễ khai giảng năm học mới”

Bà Mai Thị Lệ- Giám đốc Sở GD&ĐT đề xuất không tổ chức lễ khai giảng vào năm học 2020-2021, không chào cờ vào ngày đầu tuần. Nếu học sinh, giáo viên tập trung dưới sân trường nhiều, sẽ không ổn cho tất cả, trong thời điểm dịch bệnh lây lan như hiện nay.

Bà Mai Thị Lệ- Giám đốc Sở GD&ĐT đề xuất không tổ chức lễ khai giảng vào năm học mới để đảm bảo an toàn giáo viên, học sinh.

Bà cho biết, hiện vẫn chưa có chỉ đạo mới của Bộ GD&ĐT về việc này. Tuy nhiên, các trường vẫn tổ chức các bước rửa tay, đo thân nhiệt cho các em học sinh khi đến trường, đồng thời vận động trang bị thêm các bồn rửa tay trong trường học.

“Đối với đội ngũ giáo viên, học sinh có đến những nơi phát dịch, cần rà soát lại. Sở cũng đề xuất ngành Y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn thêm công tác phòng, chống dịch cho các trường học trước khi bước vào năm học mới” - bà Lệ nói.

Chưa đến 12% dân số cài đặt ứng dụng Bluezone

Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến ngày 17.8 toàn tỉnh có 136.861 người cài đặt ứng dụng Bluezone, đạt tỷ lệ 11,71%, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố. So với chỉ tiêu tỷ lệ 50%, số người cài đặt ứng dụng này còn rất thấp.

Ông Đức đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường triển khai cài đặt ứng dụng này đến toàn thể CBCC-VC, NLĐ. Các doanh nghiệp viễn thông cần tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng, đặc biệt tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh vẫn còn nhiều hạn chế, phát sinh nhiều vấn đề cần phải khắc phục, như thực hiện chưa nghiêm việc đeo khẩu trang tại một số nơi công cộng; tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp; tỷ lệ cài đặt ứng dụng Bluezone vẫn còn thấp so với chỉ tiêu đặt ra....

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng chống dịch.

Lực lượng Biên phòng tiếp tục duy trì tuần tra, kiểm soát biên giới 24/24 giờ, ngăn chặn và phát hiện sớm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, đưa đi cách ly và xử lý theo quy định. Đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép, Công an tỉnh sẵn sàng phương án trục xuất ngay sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh uỷ.

Về phương án cách ly, Phó Chỉ tịch Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức sắp xếp, bố trí các cơ sở cách ly tập trung phù hợp từng nhóm đối tượng, thực hiện đúng quy định, không để lây chéo.

Trước mắt, sử dụng Trường CĐSP Tây Ninh làm nơi cách ly các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Trường hợp có ca nhiễm bệnh, ngành Y tế kịp thời tham mưu UBND tỉnh thực hiện ngay việc khoanh vùng, cách ly với quy mô, phạm vi, thời gian phù hợp; nhanh chóng triển khai truy vết lịch sử tiếp xúc, xét nghiệm đồng loạt và cách ly tập trung, trước hết đối với những người có nguy cơ.

Đối với đề xuất không tổ chức lễ khai giảng năm học mới, ông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Sở GD&ĐT vừa tập trung hoàn thành các khâu còn lại của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (chấm thi, công bố,…), vừa chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khai giảng năm học mới theo Khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 UBND tỉnh vừa ban hành. Tuy nhiên, Sở cũng cần tiếp tục theo dõi thực hiện phương án khác nếu có chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Tâm Giang