Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Không thể phủ nhận giá trị lịch sử về thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945
Chủ nhật: 23:02 ngày 20/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, tinh thần của Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh 2.9 sẽ đời đời bất diệt.

Cách đây 78 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo lời kêu gọi của Người: “Giờ định vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, muôn người như một, nhất tề đứng lên giành chính quyền.

Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đi vào lịch sử dân tộc, mở ra thời kỳ lịch sử mới, có ý nghĩa trọng đại của dân tộc Việt Nam; là một trong những mốc son chói lọi nhất, là thành quả 15 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Cuộc Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi trong phạm vi cả nước đã chứng minh sự đúng đắn về chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, sự lớn mạnh của lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng, cùng sức mạnh đoàn kết đồng lòng của toàn dân tộc đã làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Như đánh giá của Nhà sử học Mông Cổ, TS Sanomish Dashtsevel trong bài tham luận Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX”, tổ chức tại Hà Nội (tháng 9.2000), “Cách mạng tháng Tám đã tạo điều kiện cho Nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Cuộc Cách mạng tháng Tám còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ ở các nước châu Á và trên thế giới”.

Từ thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể quốc dân đồng bào trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà- nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, ngày nay là nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, tinh thần của Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh 2.9 sẽ đời đời bất diệt. Khát vọng hoà bình, độc lập, dân chủ của Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945 mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi con người Việt Nam và đây là nguồn động viên lớn để khơi dậy lòng nhiệt huyết của thế hệ hôm nay quyết giữ vững nền độc lập tự do.

Thế nhưng, thời gian gần đây, có một số kẻ sinh sau Cách mạng tháng Tám được sống trong hoà bình không hề biết ơn sự hy sinh xương máu của biết bao chiến sĩ cách mạng để giành độc lập mà đòi xét lại lịch sử, cho rằng không nên đánh đuổi mà phải mang ơn người Pháp đã đến Việt Nam để khai hoá văn minh; họ lý giải rằng kinh tế, văn hoá, xã hội trước năm 1945 phát triển rất mạnh, các công trình mà Pháp xây dựng rất hiện đại, khi bị đuổi khỏi Việt Nam nhưng vẫn có trách nhiệm về thời hạn bảo hành các công trình.

Cứ vào dịp kỷ niệm thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, các thế lực thù địch, phản động lại xuyên tạc, bóp méo sự thật, với giọng điệu: “Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là sự ăn may của lịch sử!” nhằm hạ thấp ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, còn có luận điệu khẳng định “Hoàng đế Bảo Đại là người soạn thảo Tuyên cáo Việt Nam độc lập, Bảo Đại khi thoái vị đã “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, ngày đó là ngày 11.3.1945; vậy không lý gì đến ngày 2.9.1945 người ta lại cần Tuyên bố độc lập một lần nữa”.

Họ lý giải rằng: “Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp. Tranh thủ sự ủng hộ của người Việt, cùng những nước Á châu khác đang bị Nhật chiếm đóng, Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngay sau đó, vào ngày 11.3.1945, vua Bảo Đại ký đạo dụ gọi là “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”- tuyên bố huỷ bỏ Hoà ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 cùng các hiệp ước nhận bảo hộ, khôi phục nền độc lập của đất nước, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ”.

“Chớp thời cơ về một khoảng trống quyền lực và sự yếu kém của các đảng phái chính trị khác tại Việt Nam, đại diện Việt Minh là ông Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trong một buổi lễ long trọng tại Hà Nội, và sau đó tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Từ đó luận điệu này cho rằng ngày 2.9 chỉ nên gọi là ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chứ không nên gọi đấy là Ngày Độc lập.

Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận Chính phủ Trần Trọng Kim do Bảo Đại lập ra ngày 7.4.1945 “Tuy là một chính quyền thực tế nhưng Đế quốc Việt Nam không đủ lực lượng quân sự để kiểm soát tình hình. Đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn về chính trị trước tình thế đó, vua Bảo Đại quyết định thoái vị và giải tán Chính phủ Trần Trọng Kim”.

Muốn có độc lập thì phải có lực lượng ủng hộ, phải có nhân dân đồng tình. Nếu đi sâu hơn nữa phải có sự chuẩn bị về tổ chức, phải có đảng chính trị lãnh đạo thực hiện, nhưng Chính phủ Trần Trọng Kim không có sự ủng hộ đó. Sự kiện Bảo Đại tuyên bố thoái vị không phải tự giác mà do tình thế bắt buộc, trước sức mạnh của nhân dân ủng hộ cách mạng lật đổ chế độ phong kiến bán nước và lỗi thời buộc Bảo Đại chọn giải pháp dựng lên chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim để bảo vệ lợi ích còn sót lại của tàn dư phong kiến vua quan nhà Nguyễn.

Sự kiện Bảo Đại tuyên bố thoái vị có một ý nghĩa quan trọng, chính thức đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền phong kiến lỗi thời; nhân dân ta đã thực hiện được một bước quan trọng đường lối cách mạng dân chủ mà Đảng ta đề ra từ năm 1930; triệt tiêu một đầu mối mà các thế lực đế quốc, phản động muốn duy trì, sử dụng để mưu toan chống phá chính quyền cách mạng, đặt lại ách thống trị lên đất nước ta. Bảo Đại khi tuyên bố thoái vị là dưới áp lực của lực lượng cách mạng, đồng thời Bảo Đại ôm chân ngoại bang thì không đủ tư cách để “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”.

Một lần nữa, chúng ta khẳng định lời tuyên bố thoái vị của Vua Bảo Đại không thể đánh đồng với việc đấu tranh giành độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và mở ra thời đại độc lập tự chủ thoát khỏi ách thống trị của thực dân phong kiến mà lực lượng cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã giành được.

Cách mạng tháng Tám thành công là kết quả của sự lãnh đạo tài tình, uy tín của Đảng ta- mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp được tất cả các tầng lớp nhân dân cùng chung lý tưởng khát vọng hoà bình, độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải chuẩn bị trong rất nhiều năm về chủ trương, đường lối, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng, cùng sự đoàn kết đồng lòng của toàn thể nhân dân. Đảng ta xác định phải xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc ở Bắc Sơn, Cao Bằng, với các tên gọi khác nhau. Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng Việt Bắc thành căn cứ địa hoàn chỉnh, là “hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam”; trong đó, Tuyên Quang được xác định là “Thủ đô kháng chiến”.

Việc xây dựng căn cứ địa vững chắc nhằm “tạo thế” quan trọng để tổng khởi nghĩa đi đến thắng lợi sau này. Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám không chỉ là chớp thời cơ như các thế lực thù địch đang tuyên truyền, xuyên tạc, cũng không phải do “Nhật trao trả”, mà cuộc cách mạng này bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khi ra đời năm 1930, đã trải qua 3 cao trào cách mạng có thể xem là 3 đợt diễn tập với tinh thần đấu tranh cách mạng, sự hy sinh của đồng bào, cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; đó là: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945).

Hoàn cảnh lịch sử thời điểm tháng 8.1945 đã tạo ra thời cơ vàng để cả dân tộc đứng lên làm một cuộc cách mạng giành độc lập, tự do. Đây là thời điểm mà quân Nhật đã thất bại, tuyên bố đầu hàng Đồng minh vào ngày 15.8.1945. Thời khắc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đây là một thời cơ quý và hiếm nếu bỏ qua thì không bao giờ có nữa”, đồng thời Bác nêu rõ: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập dân tộc”.

Trong thời khắc quyết định của lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi tổng khởi nghĩa, “Giờ định vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Điều này cho thấy luận điệu của kẻ thù đưa ra Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là một sự “may mắn”, sự ăn may do điều kiện lịch sử tạo ra là sự xuyên tạc, xét lại lịch sử nhằm hạ thấp uy tín, vai trò của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc Cách mạng tháng Tám không chỉ giành lại chính quyền trong tay thực dân, đế quốc, phát xít mà còn đưa dân tộc ta bước vào một thời đại mới, trào lưu cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội mới - chế độ dân chủ cộng hoà, tiến lên xây dựng một chế độ xã hội văn minh; mọi người đều có quyền tự do, dân chủ, bình đẳng và cơ hội xây dựng một cuộc sống hạnh phúc.

Có thể nhận thấy, trong cùng thời điểm năm 1945, không phải bất cứ nơi nào đang chịu ách thống trị của quân Nhật đều có thể bùng nổ phong trào cách mạng và thành công. Chỉ có quốc gia nào có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, có Đảng đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, với tầm nhìn xa, trông rộng, dự báo chính xác thời cơ cách mạng, chớp được thời cơ và tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc, mới giành được thắng lợi.

Điều này thể hiện thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn đối với dân tộc Việt Nam. Nó chẳng những khẳng định giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đã đồng tâm hiệp lực, chiến đấu quả cảm, nhất tề đứng lên giành độc lập tự do mà còn khẳng định sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là bản anh hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ lên địa vị làm chủ; đưa Việt Nam từ một nước nhỏ trở nên có tên tuổi trên thế giới. Cuộc cách mạng “long trời lở đất” đó, là thành quả đấu tranh bền bỉ gian khổ song vô cùng anh dũng rất đáng tự hào của Đảng, quân đội và nhân dân ta.

78 năm trôi qua, giá trị bài học lịch sử của Cách mạng tháng Tám không chỉ là kinh nghiệm quý báu cho hai cuộc kháng chiến lâu dài chống xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà còn góp phần trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, khát vọng xây dựng và phát triển của dân tộc ta trong thời đại hiện nay. Chân lý chỉ có một, không có luận điệu xuyên tạc nào có thể phủ nhận giá trị lịch sử vĩ đại to lớn của Cách mạng tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta.

Nguyễn Thị Thu Cúc

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục