Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không thể xuyên tạc ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4) là cuộc nội chiến
Thứ tư: 14:31 ngày 26/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiến thắng 30.4 là thành quả vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh giải phóng dân tộc, mưu cầu độc lập, tự do, hạnh phúc của toàn dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội. Ảnh tư liệu

Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4), khi hầu hết đồng bào đón chào ngày kỷ niệm trong không khí hân hoan, tự hào, thì đâu đó, còn có những luận điệu lạc lõng, cho rằng: “Nếu cộng sản không đem quân vào Nam thì sẽ không có cuộc chiến 20 năm”, “Chiến thắng 30.4 là vết nhơ của cuộc nội chiến trong lịch sử dân tộc”, "Miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam, gây ra thảm cảnh máu đổ đầu rơi".

Đó là những góc nhìn, nhận định mù quáng, cá nhân, cảm tính, bất chấp sự thật lịch sử: Chiến thắng 30.4 là thành quả vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh giải phóng dân tộc, mưu cầu độc lập, tự do, hạnh phúc của toàn dân tộc.

Sự ra đời của một chính quyền hợp pháp, hợp lòng dân

Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược và đặt ách thống trị đối với Việt Nam từ đó đến năm 1945. Đến năm 1940, quân Nhật tiến vào Đông Dương tranh giành lợi ích với Pháp và tiến hành đảo chính Pháp vào tháng 3.1945, xoá bỏ vai trò của Pháp trên toàn cõi Đông Dương, bao gồm Việt Nam. Đến tháng 8.1945, phát xít Nhật thất bại trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, Nhật đầu hàng các nước Đồng minh, quân đội Nhật đóng ở Việt Nam hoang mang, rệu rã.

Chớp thời cơ cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã lãnh đạo toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, chỉ trong vòng nửa tháng (từ 14 - 28.8.1945), nhân dân đã giành được chính quyền về tay mình.

Sau khi giành được chính quyền, từ ngày 16 - 17.8.1945, toàn quốc đại biểu tiến hành họp, cử ra Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (Chính phủ nhân dân lâm thời Việt Nam) để lãnh đạo nhân dân tranh đấu dành quyền độc lập.

Dưới khí thế mạnh mẽ của cách mạng và tâm ý toàn dân ủng hộ, hướng về Chính phủ nhân dân lâm thời Việt Nam, buộc vua Bảo Đại phải tuyên bố thoái vị trước nhân dân vào ngày 25.8.1945 với câu nói nổi tiếng “Tôi thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ”, sau đó trao ấn tín, quốc bảo tượng trưng quyền lực hoàng triều cho Chính phủ nhân dân lâm thời Việt Nam.

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Tiếp đó, ngày 6.1.1946, cả nước tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên. Ngày 3.11.1946, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá I đã thành lập Chính phủ mới.

Như vậy, sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu là hợp pháp, hợp tình, bởi chính quyền do nhân dân giành được từ tay phát xít Nhật; vua Bảo Đại nguyện ý thoái vị; cả nước tiến hành tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội, Chính phủ.

Ai đã bóp chết nền hoà bình ở Việt Nam?

Chính quyền nhân dân vừa mới thành lập, còn non trẻ nhưng pháp đối mặt với muôn vàn khó khăn. Từ cuối tháng 9.1945, lợi dụng việc quân Đồng minh vào Việt Nam giải giáp phát xít Nhật, Pháp đưa quân trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, dẫn tới cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm hào hùng của quân, dân Việt Nam, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève, tạm thời phân định Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc qua vĩ tuyến 17 và sẽ tiến hành tuyển cử toàn quốc vào tháng 7.1956 để thống nhất đất nước.

Cùng với sự suy yếu của Pháp sau thất bại tại Điện Biên Phủ, để triển khai “Chiến lược ngăn chặn” phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa cộng sản đang lan tràn xuống khu vực Đông Nam Á, Mỹ đã từng bước hất chân Pháp ra khỏi Việt Nam, buộc Pháp ký hiệp ước trao quyền hành chính ở miền Nam cho Ngô Đình Diệm, rũ bỏ trách nhiệm thi hành Hiệp định Genève.

Về phía Mỹ, từ thông tin tình báo của CIA gửi Tổng thống Mỹ Eisenhower nhận định khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu tiến hành tổng tuyển cử toàn quốc. Trên cơ sở đó, Mỹ đã hậu thuẫn thành lập chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hoà Ngô Đình Diệm ở miền Nam.

Dưới sự bảo trợ của Mỹ, ngày 16.7 và ngày 9.8.1955, chính quyền Ngô Đình Diệm chính thức tuyên bố từ chối hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất 2 miền Nam – Bắc, phủi bỏ Hiệp định Genève, đồng thời tiến hành chính sách “Tố cộng, diệt cộng”, trả thù những người kháng chiến.

Với chủ trương “Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, chính quyền bất hợp pháp Ngô Đình Diệm đã tiến hành khủng bố, bắt bớ, tra tấn, đàn áp, giết hại hàng trăm ngàn cán bộ, đảng viên, người yêu nước ở miền Nam, dìm phong trào cách mạng miền Nam trong biển máu, mà đỉnh điểm cho sự tàn bạo, hung ác đó là Luật 10/59, gây ra sự căm phẫn tột độ trong Nhân dân miền Nam. 

Trong khi đó, ở miền Bắc, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà Hồ Chí Minh luôn tuân thủ thi hành Hiệp định Genève và thể hiện khao khát hoà bình, mong muốn tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Rất nhiều lần Chính phủ Hồ Chí Minh thể hiện thiện chí và đề nghị phía Việt Nam cộng hoà thi hành Hiệp định Genève, tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử toàn quốc để thống nhất đất nước, nhưng đều bị từ chối, cụ thể:

Tháng 6.1955, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyên bố sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với Việt Nam cộng hoà về việc thi hành tổng tuyển cử, nhưng như đã nêu trên, lần lượt trong ngày 16.7 và ngày 9.8.1955, Ngô Đình Diệm đã công khai bác bỏ.

Tháng 4.1956, trả lời phỏng vấn tờ “Tin nhanh” của nước Anh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì: "Chúng tôi sẽ dùng mọi biện pháp đấu tranh bằng đường lối hoà bình để Hiệp định Genève​ được thực hiện triệt để".

Tháng 7.1956, trả lời phỏng vấn Hãng thông tin Mỹ U.P, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nhân dân cả nước Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh và đấu tranh mạnh hơn nữa để cho có Tổng tuyển cử tự do trong khắp cả nước; vì đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân Việt Nam đã được Hiệp định Genève 1954 thừa nhận...”.

Như vậy đề thấy rằng, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chân thành, mong mỏi hoà bình, thực hiện tổng tuyển cử toàn quốc để thống nhất Việt Nam, đã đưa đôi bàn tay thiện chí hết lần này đến lần khác nhưng Mỹ - Diệm đã thẳng thừng từ chối, phủ bỏ Hiệp định Genève, chỉ chăm chăm vào mưu đồ, tham vọng chính trị của mình: với Mỹ đó là triển khai chiến lược ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa cộng sản đang lan tràn xuống khu vực Đông Nam Á và thu lợi ích kinh tế từ một số tài nguyên, khoáng sản mà Mỹ cần nắm lấy để chi phối thị trường thế giới; với Diệm là thoả mãn ham muốn quyền lực chính trị cá nhân.

Như vậy, không ai khác, chính Mỹ - Diệm đã chính thức bóp chết nền hoà bình ở Việt Nam. Nhân dân muốn được độc lập, thống nhất, không có con đường nào khác ngoài con đường kháng chiến trường kỳ, gian khổ đánh đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi đất nước và lật đổ chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.

Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975. Ảnh tư liệu

Chiến thắng 30.4- Chiến công vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Sau khi lập nên chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hoà, trong 21 năm, từ 1954-1975, Mỹ đã viện trợ hơn 26 tỷ USD cho Việt Nam Cộng hoà. Đó là điều tất yếu, phát biểu của Thượng nghị sĩ J.F Kennedy, sau này là Tổng thống Mỹ vào ngày 1.6.1956 đã nói rõ điều đó: “Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của nước Việt Nam bé nhỏ thì chắc chắn chúng ta cũng là cha mẹ đỡ đầu của nó.

Chúng ta chủ toạ lúc nó ra đời, chúng ta viện trợ để nó sống, chúng ta giúp định hình tương lai của nó… Đó là con cái của chúng ta - chúng ta không thể bỏ rơi nó, chúng ta không thể không biết tới các nhu cầu của nó”!

Để tiến hành cuộc chiến tranh tại Việt Nam, trong 21 năm, Mỹ phải nhiều lần điều chỉnh, thay thế các chiến lược chiến tranh: từ Chiến tranh đơn phương”, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (từ năm1961 đến giữa năm 1965), chiến lược “Chiến tranh cục bộvà cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc (từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968), đến chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc (từ năm 1969 đến năm 1973). Để triển khai các chiến lược này, Mỹ đã huy động 6,6 triệu lượt lính Mỹ và 72.600 quân chư hầu tham chiến ở Việt Nam.

Trong 21 năm đó, số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15,35 triệu tấn, trong đó riêng số bom mà máy bay Mỹ ném xuống Việt Nam là 7,85 triệu tấn, tương đương sức công phá của 250 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản), bình quân mỗi người Việt Nam thời đó phải hứng chịu khoảng 250kg bom ném xuống từ máy bay Mỹ. Tổng chi phí chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là 676 tỷ USD.

Sau thất bại chiến dịch 12 ngày đêm ném bom rải thảm trên bầu trời Hà Nội (từ ngày 18 đến ngày 30.12.1972), vào ngày 27.1.1973, tại Paris, Mỹ đã ký kết Hiệp định về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam với phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà Hồ Chí Minh và các bên liên quan.

Trong quá trình đàm phán, các nội dung trọng yếu được trao đổi trong các cuộc họp kín giữa phái đoàn của Mỹ với phái đoàn Chính phủ Hồ Chí Minh, còn vai trò của đoàn Việt Nam Cộng hoà (phía nguỵ quyền) hầu như không có tiếng nói quan trọng, ý kiến của họ không được trái với ý kiến của phái đoàn Mỹ, tất cả mọi vấn đề đều do Mỹ quyết định.

Mất đi vai trò chủ lực của ông chủ Mỹ, không lâu sau đó, vào ngày 30.4.1975, chính quyền tay sai Việt Nam cộng hoà tuyên bố đầu hàng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất.

Đánh giá về cuộc chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1955-1975, đại đa số ý kiến của những người trong cuộc và các nhà nghiên cứu đều nhìn nhận đó là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trước đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai do Mỹ lập nên, cụ thể:

Khi nói đến chiến tranh Việt Nam và Mỹ, tác giả cuốn sách Chiến tranh Việt Nam và văn hoá Mỹ (xuất bản năm 1991 tại Mỹ) khẳng định: “Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam”.

Giáo sư, Tiến sĩ E.Tin-pho, Học viện Chỉ huy tham mưu Không quân Mỹ nhận định: "Năm 1975, Mỹ đã để một nhà nước được Mỹ đẻ ra và nuôi dưỡng hơn hai thập kỷ sụp đổ, vì cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã thất bại từ lâu”.

Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu cay đắng: “Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc Lập”.

Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Cao Kỳ thẳng thắn thừa nhận: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ. Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu làm “kép nhất”, và chúng tôi chỉ là những kẻ đánh thuê”.

Sự thật lịch sử và ý kiến của những người trong cuộc, chuyên gia là bằng chứng hùng hồn nhất, thuyết phục nhất, không thể chối cãi, xuyên tạc. Tất cả những người có lương tri trên thế giới khi nhìn vào cuộc chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1955-1975 đều nhận rõ đó là cuộc chiến tranh của nhân dân việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai do Mỹ lập nên.

Hiển nhiên không có chuyện “miền Bắc xâm lược miền Nam” hay “Chiến thắng 30.4 là một cuộc nội chiến” như các phần tử phản động, cơ hội chính trị, chống phá chế độ rêu rao.

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4) mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang vàng chói lọi nhất, không ai có thể xuyên tạc.

Hoàng Trần (tổng hợp)

Báo Tây Ninh
Dịch vụ mua hộ hàng nhật giá rẻmẫu đá mỹ nghệ ninh bình đẹp
Tin cùng chuyên mục