Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Không thông qua luật Thủ đô
2011-03-29 10:33:00

Với 44,83% đại biểu không tán thành, Quốc hội chiều 29.3 đã biểu quyết "bác" dự án luật Thủ đô, ngay trước giờ bế mạc kỳ họp cuối cùng khoá XII.

Trước phiên bế mạc kỳ họp cuối cùng của khoá XII chiều 29.3, theo chương trình nghị sự, QH biểu quyết 4 dự án luật.

Hai dự án luật tố tụng dân sự và phòng chống mua bán người đã được biểu quyết thông qua với tỷ lệ cao. Tuy nhiên, đến dự án luật Thủ đô, chỉ có 35,9% đại biểu tán thành thông qua dự án này và có tới 10,95% đại biểu không biểu quyết.

Trước khi biểu quyết chung, QH cũng đã biểu quyết riêng một số điều khoản còn tranh cãi trong dự án luật nhưng cả hai điều khoản đều có tỷ lệ tán thành rất thấp.

Cụ thể, khi biểu quyết một số thay đổi siết điều kiện nhập cư, chỉ có 53,14% đại biểu tán thành.

Về cơ chế quản lý tài chính, đất đai, chỉ có 43,81% đại biểu tán thành.

Như vậy, những cơ chế đặc thù, một số quy định về siết nhập cư... đã chưa thuyết phục được đại biểu.

Chẳng hạn, luật chỉnh lý vấn đề nhập cư theo hướng: giữ nguyên các quy định hiện hành về nhập hộ khẩu với những người dân đang làm việc với hợp đồng lao động vô thời hạn, với những người chuyển về ở cùng người thân hoặc những người trước đây đã từng có hộ khẩu Hà Nội.

Những công dân không thuộc các đối tượng nêu trên nếu muốn nhập hộ khẩu Hà Nội sẽ phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt hơn. Đó là phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài trong nội thành; đã tạm trú liên tục 2 năm.

Tiếp thu ý kiến góp ý của QH, ban soạn thảo đã bỏ đi quy định “phải có việc làm hợp pháp, ổn định ở thủ đô”, do không thể làm rõ thế nào là khái niệm “việc làm hợp pháp”.

Giải trình trước khi bấm nút thông qua dự án luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận cho hay, việc giảm tải số lượng dân cư đăng ký thường trú ở khu vực nội thành cần nhiều giải pháp đồng bộ cả về kinh tế, xã hội, việc làm.

Đồng thời với các giải pháp này thì cũng phải áp dụng cả biện pháp hành chính. “Siết” điều kiện chặt chẽ hơn không phải là biện pháp duy nhất nhưng lại cần thiết và khả thi để trước mắt giảm bớt áp lực về dân số hiện đang rất bức xúc hiện nay.

Tuy nhiên, cuối cùng, cũng chỉ có 53,14% đại biểu biểu quyết tán thành với quy định trên.

Dự án luật còn quy định một số lĩnh vực xử phạt hành chính trong nội thành được áp dụng mức phạt cao hơn cả nước...

Dự án luật Thủ đô có một “hành trình” không dễ dàng trước khi được đưa ra biểu quyết tại kỳ họp lần này.

Ban đầu, ban soạn thảo dự kiến biên soạn và sớm thông qua luật vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nhưng do nội dung chuẩn bị sơ sài nên đã nhiều lần bị Ủy ban Thường vụ QH “bác”.

Dự thảo luật được trình trước QH lần đầu vào kỳ họp thứ 7 nhưng đến kỳ họp cuối này, vẫn là một trong những dự luật có nhiều ý kiến tranh cãi nhất. Tuy đồng tình về sự cần thiết phải có luật, song đa số ĐB không hài lòng với chất lượng. Ngay tại kỳ họp lần này, trong các phiên thảo luận hội trường, rất nhiều ĐBQH cũng cho rằng nếu dự án luật chưa chuẩn bị kỹ thì chưa nên thông qua.

ĐB Trần Du Lịch đề nghị, vì có nhiều điểm "không hề mới", ban soạn thảo cần nghiên cứu nâng tầm luật lên cho xứng đáng là luật Thủ đô, "chứ như thế này thì chỉ mới là giải quyết những bức xúc hiện tại của một đô thị đặc biệt do quy mô lớn".

ĐB Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp) cũng cho biết trên thế giới không có nhiều nước có luật riêng cho thủ đô, hầu hết đều dựa trên luật về quy hoạch đô thị, vì vậy "nếu ta muốn có luật Thủ đô thì luật phải xứng tầm".

Trước một dự luật còn "ngổn ngang về nội dung và câu chữ, muốn thông qua trong kỳ họp này thì phải sửa chữa rất nhiều", ĐB Nguyễn Minh Thuyết mong nếu có thông qua thì là để "tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển chứ không phải để chào mừng cái gì cả". "Nhưng nếu thông qua mà làm chưa kỹ, không phát huy tác dụng thì đừng thông qua vội", ông Thuyết nói.

(Theo Vietnamnet)

 

Từ khóa:
Tin liên quan