BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài: Vốn đầu tư năm 2009 tăng gấp ba lần năm trước

Cập nhật ngày: 15/01/2010 - 05:30

Thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cho biết, trong năm 2009 dù có ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, vốn đầu tư thực hiện các dự án tại Mộc Bài vẫn tăng gấp 3 lần so với năm 2008. Cụ thể là 149,4 tỷ đồng và 11 triệu USD (luỹ kế đến cuối năm 2009, vốn đầu tư vào các dự án ở Mộc Bài là 980,4 tỷ đồng và 12 triệu USD).

“Chúng tôi cũng cảm thấy bất ngờ trước kết quả đã đạt được nhưng tin rằng các nhà đầu tư đã đúng khi mạnh dạn triển khai thực hiện các dự án dù rằng trước mắt còn không ít khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, chắc chắn rằng những khó khăn, vướng mắc đó sẽ được tháo gỡ, giải quyết để đảm bảo môi trường đầu tư ở đây mang lại hiệu quả ổn định cho doanh nghiệp”, một cán bộ Ban quản lý KKTCK Mộc Bài chia sẻ.

Đến cuối năm 2009, KKTCK Mộc Bài có 35 nhà đầu tư chính thức đăng ký hoạt động với 47 dự án (4 dự án có vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài). Tổng diện tích đất đã được đăng ký sử dụng cho các dự án này là 1.675,4 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư là 5.828,6 tỷ đồng và 161,1 triệu USD. Trong đó, có 6 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, 8 dự án về nhà ở và khu dân cư, 29 dự án thương mại-dịch vụ, 1 dự án khu du lịch sinh thái, 1 dự án sân golf-resort và 2 dự án sản xuất công nghiệp.

Trong 47 dự án đã đăng ký đầu tư, đến cuối năm 2009 đã có 3 dự án có chủ trương chấp thuận đầu tư; 7 dự án đã hoàn tất khâu đền bù, giải phóng mặt bằng và đang chuẩn bị thi công; 12 dự án đang triển khai thi công san lấp mặt bằng và thi công một số hạng mục công trình; 13 dự án còn lại đang triển khai đền bù, giải toả. Hiện đã có 12 dự án thuộc lĩnh vực thương mại-dịch vụ và nhà ở đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 1.800 lao động. Trong đó, có hơn 80% lao động là người ở huyện Bến Cầu và các xã phụ cận thuộc huyện Trảng Bàng, Gò Dầu.

Để Mộc Bài sung túc hơn, Chính phủ cần có cơ chế nhất quán trong thu hút đầu tư.

Trong năm, Ban Quản lý KKTCK Mộc Bài đã trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển nhượng dự án Trung tâm dịch vụ thương mại miền Đông; chuyển đổi công năng một phần diện tích Khu Thương mại Hiệp Thành thành nhà máy sản xuất giày xuất khẩu; thu hồi chủ trương đầu tư 2 dự án Khu Thương mại-dịch vụ Nguyễn Nguyễn Châu và khu dịch vụ-thương mại do Công ty cổ phần Tây Nam làm chủ đầu tư với tổng diện tích 20.613m2 do không triển khai thực hiện dự án theo tiến độ đã đăng ký.

Hai dự án có vốn đầu tư nước ngoài được Ban Quản lý KKTCK Mộc Bài cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2009 là dự án cụm công nghiệp có quy mô 100 ha với vốn đầu tư trên 22 triệu USD do một công ty Hàn Quốc làm chủ dự án; dự án thứ hai là nhà máy sản xuất giày xuất khẩu có công suất 10 triệu đôi/năm, có vốn đầu tư giai đoạn một là 17 triệu USD và cũng do một công ty Hàn Quốc làm chủ đầu tư.

Mặc dù kết quả thu hút đầu tư năm 2009 đầy khả quan, nhưng theo nhận định của Ban Quản lý KKTCK Mộc Bài, còn một số khó khăn, tồn tại cần sớm được giải quyết. Trong đó, vướng mắc chủ yếu vẫn là cơ chế và chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư. Cụ thể như thời hạn cho phép mua-bán hàng miễn thuế cho khách nội địa quá ngắn. Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Quy định ưu đãi về thuế đối với khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc KKTCK theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế hoạt động của từng KKTCK được thực hiện đến hết năm 2012. Từ ngày 1.1.2013 trở đi thực hiện theo Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17.2.2009 của Thủ tướng Chính phủ”. Nhiều nhà đầu tư quan ngại, đến đầu năm 2013, khi không còn được mua hàng miễn thuế, khách tham quan du lịch nội địa sẽ không còn hào hứng đến Mộc Bài. Từ đó một số nhà đầu tư ở Mộc Bài tỏ ra “bất an”, có xu hướng đầu tư “cầm chừng”, nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn nhanh.

Đáng nói là, theo nhận định của những người có trách nhiệm ở Ban Quản lý KKTCK Mộc Bài thì “Nhận thức của một số cán bộ công chức trong quản lý, thực thi chính sách ưu đãi đã không hết lòng đối với việc kêu gọi đầu tư. Đặc biệt là chính sách quản lý đầu tư, quản lý thương mại không nhất quán đã gây tâm lý bức xúc, bất an nơi nhà đầu tư”.

Hiện nguồn nhân lực đã qua đào tạo và lao động có tay nghề, có trình độ kỹ thuật cũng đang là “một thách thức lớn” đối với việc thu hút đầu tư ở Mộc Bài. Sắp tới, khi nhà máy sản xuất giày xuất khẩu của Công ty Taekwang Vina đi vào hoạt động và sự phát triển của các khu công nghiệp từ năm 2010 trở đi, hằng năm KKTCK Mộc Bài cần được cung ứng hàng ngàn lao động có chuyên môn. Trong khi đó, nguồn lao động nhàn rỗi ở khu vực Bến Cầu và lân cận còn khá lớn nhưng chưa qua đào tạo và cũng chưa có cơ sở đào tạo nghề để “chuẩn bị” đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp trong thời điểm cận kề. Mặt khác, khi nguồn lao động tại chỗ không đủ để lao động sản xuất, bắt buộc nhà đầu tư phải tìm nguồn lao động từ địa phương khác. Do đó, việc chuẩn bị đáp ứng nhu cầu về ăn, ở, đi lại của người lao động cũng cần được tính toán từ bây giờ.

BẢO TÂM