BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu KTCK Mộc Bài: Khu đô thị được điều chỉnh tăng quy mô diện tích và dân số

Cập nhật ngày: 21/08/2009 - 03:08

Cửa khẩu Mộc Bài là một trong hai cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ngày 27.10.1998, Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với diện tích hơn 21.000 ha gồm 7 xã thuộc 2 huyện Trảng Bàng, Bến Cầu. Lúc đầu, Khu đô thị cửa khẩu Mộc Bài được quy hoạch với quy mô diện tích khoảng 600 ha với quy mô dân số khoảng 30.000 người. Tuy nhiên, hiện nay Khu KTCK Mộc Bài ngày càng phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải điều chỉnh quy hoạch chung để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới Mộc Bài trên cơ sở bổ sung thêm chức năng là trung tâm công nghiệp và nâng quy mô dân số đô thị mới lên 60.000 người. UBND tỉnh giao cho BQL Khu KTCK Mộc Bài trực tiếp phối hợp với Bộ Xây dựng lập Điều chỉnh quy hoạch chung. Tháng 10.2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch. Tháng 6 năm 2009, Điều chỉnh quy hoạch chung Khu KTCK Mộc Bài được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và HĐND tỉnh thông qua.

Khu thương mại cửa khẩu Mộc Bài hiện tại.

Theo Điều chỉnh quy hoạch chung, Khu KTCK Mộc Bài có tổng diện tích là 21.284 ha, bao gồm các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh, thị trấn Bến Cầu thuộc huyện Bến Cầu và Phước Lưu, Bình Thạnh, Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng. Quy mô dân số Khu KTCK Mộc Bài năm 2008 là khoảng 76.000 người, năm 2010 dự báo lên khoảng 79.000 người và đến năm 2020 có thể lên đến 100.000 người. Trong số đó, năm 2020 dân nội thị khoảng 60.000 người. Chính vì thế mà Đô thị cửa khẩu Mộc Bài được điều chỉnh lên quy mô diện tích là 3.000 ha, trong đó khu nội thị trước đây bố trí 30.000 người nay điều chỉnh bố trí lên 60.000 người.

Theo định hướng phát triển không gian thì đô thị cửa khẩu Mộc Bài phát triển từ 2 hạt nhân là Khu thương mại đô thị cửa khẩu và thị trấn Bến Cầu. Hai cực này nối nhau bằng khu dân cư nằm hai bên trục trung tâm đô thị Bắc Nam dựa trên đường 786 cũ. Tiếp theo, đô thị phát triển về phía Đông theo quốc lộ 22 và  từ thị trấn Bến Cầu ra trung tâm xã Lợi Thuận, gắn kết các đường giao thông đối ngoại của khu vực. Khu thị trấn Bến Cầu phát triển từ khu trung tâm hành chính hiện hữu mở rộng ra phía Đông theo trục đường ra trung tâm xã Lợi Thuận và phía Bắc. Khu thương mại đô thị của khẩu Mộc Bài thì phát triển từ trục trung tâm (đường 786) song song với quốc lộ 22 sang hai phía Đông và Tây. Cụ thể như sau: Các trung tâm thương mại và dịch vụ bố trí dọc hai bên quốc lộ 22 đoạn từ Ngã tư Hữu Nghị đến cửa khẩu. Khu dân cư cặp quốc lộ 22 về hướng Đông được chỉnh trang thành mặt tiền đô thị. Trong Khu đô thị có Khu dân dụng, gồm khu trung tâm đô thị và các khu dân cư được quy hoạch tập trung dọc đường 786, phát triển hai bên trục quốc lộ 22 về phía Đông, đồng thời bố trí một khu dân cư gần cầu Gò Dầu trên diện tích khoảng 100 ha. Tổng diện tích khu dân dụng là khoảng 403 ha. Riêng Khu thương mại dịch vụ cửa khẩu có diện tích 250 ha, bao gồm: chợ đường biên, kho ngoại quan, khu dịch vụ thương mại quốc tế, cụm quản lý hành chính và dịch vụ cửa khẩu…, được bố trí hướng Tây Bắc gần cửa khẩu theo đường Xuyên Á và đường 75A. Các khu thương mại dịch vụ tổng hợp được bố trí theo cụm nằm ở phía Nam, hình thành các siêu thị kinh doanh tổng hợp. Còn các khu dịch vụ vui chơi giải trí thì bố trí thành cụm phía Đông Nam.

Thị trấn Bến cầu- một trong hai cực phát triển khu đô thị cửa khẩu Mộc Bài.

Hệ thống các khu công nghiệp, kho tàng theo phê duyệt trước đây được bố trí khoảng giữa thị trấn Bến Cầu và quốc lộ 22, bao gồm: các kho trung chuyển, tái chế, đóng gói, các xí nghiệp công nghiệp chế biến hàng nông, lâm, thuỷ sản…, với diện tích khoảng 55 ha. Theo Điều chỉnh quy hoạch chung thì diện tích hệ thống các khu công nghiệp, kho tàng là 963 ha, trong đó khu công nghiệp tập trung là 933 ha, được chia làm 4 khu như sau: Khu số 1 có quy mô 205 ha bố trí hướng Đông Bắc; Khu số 2 có diện tích 328 ha bố trí hướng Tây Bắc; khu số 3 có diện tích 100 ha bố trí hướng Tây Nam và Khu số 4 có diện tích 300 ha bố trí hướng Nam cặp sông Vàm Cỏ Đông, gần cầu Gò Dầu.

Ngoài ra, vùng nông nghiệp có diện tích quy hoạch khoảng 16.000 ha tại các vùng đất canh tác và các khu vực trũng và có khoảng 1.000 ha quy hoạch trồng rừng phòng hộ dọc biên giới, đồng thời trong Khu KTCKMB cũng có quy hoạch khu du lịch sinh thái rộng 600 ha. Riêng về hệ thống cửa khẩu thì cửa khẩu chính Mộc Bài có diện tích khoảng 5 ha, xây dựng các cơ quan quản lý như Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch quốc tế, cửa hàng miễn thuế…, còn 2 cửa khẩu phụ Phong Thuận và Phước Chỉ thì có diện tích mỗi cửa khẩu khoảng 2 ha xây dựng các cơ quan quản lý.

Theo Điều chỉnh quy hoạch chung, Khu KTCK Mộc Bài không chỉ là khu vực cửa khẩu quốc tế, là trung tâm thương mại, du lịch và đầu mối giao thông trong nước và quốc tế, mà còn là nơi phục vụ các hoạt động giao lưu và quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam- Campuchia và các nước trong khối ASEAN, đồng thời cũng là trung tâm văn hoá, kinh tế, khoa học kỹ thuật quan trọng của tỉnh Tây Ninh và vùng Đông Nam bộ.

Sơn Trần