Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ
Thứ hai: 14:19 ngày 04/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Về lâu dài, khi chính sách năng lượng quốc gia thuận lợi hơn, xuất khẩu năng lượng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả Campuchia là hoàn toàn khả thi.

Ngày 22.10.2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Đây là chính sách được nhiều tổ chức, cá nhân- đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu mong chờ; là cơ hội để các doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà vừa phục vụ nhu cầu tiêu thụ điện, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa góp phần đạt chứng chỉ xanh trong sản xuất.

Một trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn xã Thành Long, huyện Châu Thành đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái (Ảnh: Tâm Giang)

Điện mặt trời mái nhà: Tiềm năng lớn của Tây Ninh

Tây Ninh có tổng số giờ nắng hằng năm cao, trung bình từ 2.500 đến 2.700 giờ (khoảng 6,8 - 7,4 giờ/ngày). Đây là lợi thế cho việc khai thác năng lượng mặt trời hướng đến nền kinh tế tăng trưởng xanh.

Theo đánh giá của SolarGIS, Tây Ninh có tiềm năng phát điện mặt trời cao nhất vùng Đông Nam bộ với lượng bức xạ trực tiếp chỉ nhỏ hơn Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là lý do trong Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: “Bức xạ năng lượng mặt trời là một tài nguyên quan trọng của Tây Ninh bên cạnh tài nguyên nước.

Về lâu dài, khi chính sách năng lượng quốc gia thuận lợi hơn, xuất khẩu năng lượng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả Campuchia là hoàn toàn khả thi. Tây Ninh sẽ là vùng trọng điểm sản xuất năng lượng tái tạo, cung cấp năng lượng sạch cho các ngành sản xuất, dịch vụ, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”.

Hiện nay, ngoài các dự án điện mặt trời quy mô lớn do các doanh nghiệp đầu tư, hệ thống điện mặt trời áp mái cũng đang được các trang trại nông nghiệp và các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối với các dự án chăn nuôi, chi phí về điện xếp sau thức ăn, con giống, công chăm sóc, vaccine, thuốc men.

Trung bình một trang trại quy mô lớn chăn nuôi heo (quy mô khoảng 10.000 con) hoặc gà (quy mô khoảng 200.000 con), chi phí tiền điện vào khoảng 1 tỷ đồng/năm. Hệ thống quạt hút làm mát chuồng trại, đèn chiếu sáng, các mô-tơ bơm nước, mô-tơ vận chuyển cám tự động vào trang trại… là những hạng mục tiêu tốn nhiều tiền điện.

Hiện nay, nhiều trang trại lớn ở Tây Ninh đã đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái, giúp sản sinh lượng điện ổn định và giảm chi phí vận hành. Trong quá trình xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái ở một số vị trí gần khu dân cư, chủ trang trại kết hợp trồng một số loại cây cần ít ánh sáng hoặc chăn nuôi ít tác động môi trường với quy mô nhỏ ở phía dưới tấm năng lượng mặt trời.

Như vậy, nếu làm một trang trại đúng nghĩa phía trên là năng lượng mặt trời áp mái, phía dưới là khu chăn nuôi, sẽ thu được lợi nhuận kép, góp phần tạo ra nguồn năng lượng sạch giúp phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường và giảm phát thải trong sản xuất.

“Chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống điện mặt trời mái nhà trước đây khá lớn nhưng nay đã rẻ hơn nhiều. Nếu như trước đây, đầu tư 1 megawatt điện mặt trời cần khoảng 12-13 tỷ đồng thì nay chi phí này đã giảm xuống còn khoảng 6-7 tỷ đồng, nếu có hệ thống mái sẵn.

Với công suất sản xuất điện hiện nay, nếu bán được với giá từ 2.000 đồng trở lên thì chỉ cần khoảng 3-4 năm, nhà đầu tư có thể thu hồi được vốn và đây là một khoản đầu tư sinh lời. Về lý thuyết, độ bền của hệ thống này khoảng 20 năm, tuy nhiên sau thời gian sử dụng thì cũng cần có sự bảo trì, thay thế những tấm năng lượng bị hỏng. Đơn cử như trang trại của chúng tôi đã sử dụng tấm năng lượng mặt trời đến năm thứ 4 và tỷ lệ thay thế rơi vào khoảng 5%”- ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm.

Một trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh sử dụng điện năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất (Ảnh: Phương Thuý)

Đáp ứng yêu cầu xuất khẩu

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, những thị trường “khó tính” như các nước ở châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản yêu cầu xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chí xanh, trong đó có năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để vừa phục vụ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh, vừa đáp ứng tiêu chí xanh phục vụ xuất khẩu.

Ông Kiều Công Minh- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng diện tích mái nhà trong xưởng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước khoảng 1.200 ha. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp rất muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng, tuy nhiên đang gặp khó do cơ chế chính sách chưa được khơi thông, ví dụ như xung đột về giá điện, vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn nhà xưởng công trình…

Nêu ý kiến góp ý về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tại chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV diễn ra đầu tháng 10 vừa qua, ông Kiều Công Minh đề nghị Luật Điện lực cần quy định rõ cho phép làm bao nhiêu phần trăm điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp.

Ngày 22.10 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Nghị định này quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm: nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Việc mua bán điện trực tiếp giữa các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Nghị định cũng quy định cụ thể các chính sách khuyến khích và các thủ tục để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký phát triển, thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Có thể thấy, Nghị định 135/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, là bước quan trọng thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp. Đây cũng là hành lang pháp lý quan trọng để Tây Ninh phát huy lợi thế, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ điện mặt trời trong thời gian tới theo định hướng Quy hoạch tỉnh.

Chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái theo Nghị định 135 của Chính phủ:
1. Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất trong các trường hợp:
a) Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
b) Lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia.
c) Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100 kW.
2. Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực (trừ trường hợp thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phân bổ tại địa phương) và đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.
3. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.
4. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được rút gọn các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật chuyên ngành hiện hành.
5. Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.
6. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ của hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ; công sở và công trình được xác định là tài sản công được xác định là thiết bị công nghệ gắn vào công trình xây dựng.
7. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch và điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100 kW nếu không dùng hết được bán điện dư lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế:
a) Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế.
b) Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia bằng giá điện năng thị trường điện bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.
c) Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ lắp đặt trên mái công trình xây dựng là công sở hoặc công trình được xác định là tài sản công không thực hiện mua bán sản lượng điện dư.
8. Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn hoặc không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh.
9. Khuyến khích tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống lưu trữ điện để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.

Phương Thuý

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục