Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kịch bản dang dở
Thứ bảy: 08:19 ngày 06/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tôi về tới nhà đúng lúc ông nội xếp xấp bản thảo viết tay lại, bỏ vào túi bóng. Ông không nói gì, tay vuốt vuốt mấy cái cho thẳng thớm rồi mới đem cất, ngăn dưới cùng tủ thờ. Đây là thói quen của ông từ mấy năm nay.

1. Tôi về tới nhà đúng lúc ông nội xếp xấp bản thảo viết tay lại, bỏ vào túi bóng. Ông không nói gì, tay vuốt vuốt mấy cái cho thẳng thớm rồi mới đem cất, ngăn dưới cùng tủ thờ. Đây là thói quen của ông từ mấy năm nay. Những bản thảo cải lương giấy đã cũ, chữ nhoè và góc bìa cong queo ngầm báo rằng nó có từ rất lâu.

Ông nội tôi đã ngoài bảy mươi nhưng trông còn khoẻ và khá minh mẫn. Ông ca cải lương hay phải biết. Ở cái ấp Xẻo Lá lèo tèo chưa đầy trăm nóc nhà này, ai cũng biết rành rành lai lịch của ông. Mà kỳ thiệt, ông không phải người xứ này, lưu lạc đến đây lâu rồi, từ lúc những dư chấn đớn đau mà người thân gây ra không thể nào chịu nổi. Phải ra đi, trốn chạy và tìm quên.

 Xẻo Lá là vùng đất mới nằm ở mé rừng ngập mặn, cây mọc thấp um tùm lại nhiều kênh rạch. Ở đây dễ sống, cá tôm dưới sông, trên bờ thì đất đai phì nhiêu, rộng rãi. Con người sống với nhau lại gần gũi, chí tình. Ông nội được mọi người trong ấp tin tưởng, kính trọng. Thời thanh niên, ông là một tay đàn cò có tiếng. Nghe ông đàn, dù lật đật đi đâu đàn bà con gái cũng nán lại nghe, ngẩn ngơ thầm ước. Nhưng không hiểu sao khi về ấp này, ông đã không đụng đến cây đàn nữa.

Ông bứt dây, bẻ gập thân đàn ném ra bụi duối sau nhà. Mỗi lần uống rượu, có chút men, ông gân cổ ca cải lương, mấy tích tuồng xưa nghe mùi, xốn xang gan ruột. Trong ngôi nhà nhỏ, mái và vách đều lợp lá dừa, đã từ rất lâu, không có bóng dáng một người phụ nữ lụi hụi nấu cơm, quét nhà hay cầm chéo khăn rằn chặm nước mắt xúc động khi nghe một đoạn cải lương mùi mẫn như bà thằng Cò, má con Lệ. Cha tôi thì cũng hơn mười năm rồi không thấy quay về. Tôi thắc mắc thì ông nội đều lảng tránh giục tôi đi tắm hay ra đằng sau cho bầy vịt ăn.

2. Xấp bản thảo cải lương là của cha tôi. Ngày trước, cả ông nội và cha tôi đều theo đoàn hát lưu diễn khắp các tỉnh Nam bộ. Có năm còn ra ngoài miền Trung, đi hàng nửa năm mới về. Ông nội tôi, ban đầu là kép chính, được săn đón trọng vọng nhưng vì mê đàn hơn mà thôi hát.

Ai cũng tiếc khi không thấy nội tôi đóng kép chính nữa. Có khán giả khó tính còn la ó đòi tẩy chay, không thèm coi nữa. Ông bầu sợ quá thuyết phục nội tôi hát trở lại nhưng ông nhất quyết từ chối. Ông bảo hãy tìm kiếm và đào tạo diễn viên trẻ mới mong duy trì được nghệ thuật truyền thống. Bởi sau ông còn nhiều diễn viên có thanh lẫn sắc nhưng đều phải đóng vai thứ, thậm chí cả vai quần chúng, vai không thoại.

Họ thấy ông nội tôi chuyển sang đàn vừa tiếc vừa mừng. Ông nội tôi khuyến khích, bảo ban và tận tình hướng dẫn họ. Đoàn hát được vực dậy sau đó. Người kép chính thay vì đứng trên sân khấu lấy nước mắt khán giả đã hài lòng với tiếng đàn nức nở, bi thương. Tiếng đàn ấy hay đến cỡ nào không biết nhưng một người con gái thành phố một lần về quê, đã  trốn nhà theo đoàn hát. Một năm sau đó, cha tôi ra đời.

Cha tôi thừa hưởng gen trội của ông nội. Ca hay, đàn cũng giỏi, lại thêm gương mặt đẹp ngời ngợi giống bà nội như đúc. Nhưng ác thay, đôi chân lại dị tật. Ngoài việc đàn, viết kịch bản, cha còn kiêm thêm việc nhắc vở. Cha tôi rất thích hát, đợi lúc vắng người, cha thường tập tễnh ra trước sân khấu đi tới đi lui, khoát tay hay ôm mặt. Nhìn thấy cha tôi như thế, ông bà nội quay mặt, khóc thầm.

Không để mọi người thương hại mình, cha tôi cố kiềm nén đam mê và dốc tâm vào viết kịch bản. Một mình cha phải đóng nhiều vai, hoá thân vào nhiều số phận, trải nghiệm nhiều cảnh ngộ. Kịch bản của cha được dựng. Mấy đoàn hát khác cũng đến mua. Cha lấy lại niềm vui, không còn đàn nữa mà dành nhiều thời gian cho sáng tác. Dưới ánh đèn sân khấu, nhìn anh em diễn viên lăn lộn khóc cười với nhân vật, cha tôi, cả ông bà nội nữa đều vui lắm.

 Thế rồi, sân khấu cải lương thoái trào, không còn được đón chào như trước nữa. Đoàn hát, nay đến chỗ này mai sang chỗ khác nhưng khán giả cứ thờ ơ, sân bãi chỉ lác đác mấy bà già và đám con nít. Anh em diễn viên chán nản, nhiều người bỏ đoàn, đi hát tân nhạc, tấu hài. Ông bầu bỏ của chạy lấy người, về thành phố làm bầu sô ca nhạc.

Ông nội tôi cũng rời đoàn hát, dắt theo vợ và con trai. Ông buồn lắm nhưng không thể gục ngã. Bà nội khuyên về thành phố, cơ hội đổi đời dễ dàng hơn nhưng ông nội nhất định không chịu. Ông đã về quê ở cồn Thượng. Đêm đêm tiếng đàn não nùng, ai oán cứ cất lên cùng tiếng ca sầu não giữa điệp trùng lau lách và vời rợi ánh trăng.

3. Một buổi chiều, tan đám đàn ca tài tử ở rạch Cây Bần, hai ông cháu dắt nhau về. Tôi kéo tay ông nội, hỏi:

-Tại sao bà nội bỏ về thành phố rồi không quay lại vậy ông?

 - Bà chịu cực không được.

- Nhưng bà yêu ông, dám trốn nhà theo ông mà.

- Đó là trước kia, trẻ người non dạ, bồng bột, xốc nổi.

-Tình yêu, bao giờ cũng thế, sẽ ngày càng thắm thiết hơn chứ?

-Ông không biết, cháu đừng hỏi nhiều nữa, nhanh nhanh về còn vớt bèo băm cho vịt nữa.

Tôi muốn hỏi đến cùng nhưng lần nào cũng vậy, ông đều thoái thác khôn khéo, để sự hụt hẫng trong tôi ngày càng đầy lên. Cứ thế những câu hỏi không có lời giải đáp đã thành lằn, thành rãnh chằng chịt, vá víu không sao kể hết, khiến trái tim non nớt của tôi nhiều lần suy kiệt. Từ đó tôi không hỏi về bà nội, về má, về cha, cả về những nỗi đau dồn tụ trên cặp mắt kèm nhèm lúc nào cũng đong đầy nước của ông nội.

4. Cha tôi lấy vợ muộn, thực ra là gá nghĩa tạm bợ với má, nghe đồn là thợ cắt mướn, nhưng ánh mắt cứ lại sắc lẹm, đong đưa, tình tứ. Mấy người đàn ông ở cồn hay trêu ghẹo để mấy bà vợ cạnh khoé, gần xa những lời miệt thị. Má hay tạt vào nhà tôi xin nước uống. Quê má tuốt miệt cù lao, cách nhà tôi nửa ngày đi bộ. Một bữa, cơn mưa trái mùa bất ngờ khiến cha tôi trở tay không kịp. Thấy cha tôi vất vả, khệ nệ từng thúng lúa đang phơi ngoài sân, má tôi chủ động xắn tay giúp đỡ. Cơn mưa kéo dài giữ má ở lại với cha đêm ấy.

Tôi ra đời trong cảnh thiếu thốn tình cảm ghê gớm. Má tôi, viện cớ phải nuôi bầy em lít nhít, ông bà ngoại lại nay yếu mai đau nên bồng tôi về miệt cù lao. Cha tôi nhiều lần có ý định đi theo nhưng ông nội cấm vì thuyền theo lái, gái theo chồng. Bất lực vì vợ con rời xa thêm sự khiếm khuyết thân thể khiến cha tôi chán nản sa vào rượu chè, bỏ bê công việc. Những bản thảo cải lương cha viết dở cũng không còn tiếp tục. Có lần cha còn định đốt, ông nội phát hiện được, ngăn cản.

Ở với má đến hai tuổi thì tôi được ông nội đón về. Má tôi đi biệt, nghe đâu đã lấy chồng. Chồng má là một tay buôn thuốc lá lậu. Dần dà, hình ảnh của má bị xoá vết trong tôi khi tuổi thơ lấm lem bùn đất cùng sự đe nẹt, doạ dẫm của cha khiến tôi bao lần giật mình la hét trong đêm. Tôi lớn lên trong sự sợ hãi, luôn nép mình bên ông nội, được ông chở che những trận đòn vô cớ của người cha tật nguyền, nát rượu.

Tôi không căm giận mà ngược lại rất thương cha, nhất là khi bất chợt trông thấy ánh nhìn đau đáu của cha, rồi cha cụp mắt xuống lảng tránh. Mỗi khi thấy cha vui, cười nói hể hả với ông nội, tôi lò dò đến bên cạnh cha bắt chuyện nhưng mười lần như chục cha tôi đều bỏ đi làm việc khác… Tôi lầm lì, câm lặng và ngày càng xa cách cha. Ông nội thương cháu, thủ thỉ vỗ về trong tiếng gầm gừ, la hét hằng đêm của cha.

 Một lần theo ông nội đi ca ở ấp ngoài trở về thì căn nhà lá bị thiêu rụi. Cha tôi đã châm lửa đốt nó. Chỉ còn sót lại những chum sành, lu đất và những vật dụng không thể cháy. Cha tôi cũng biến đi đâu. Ông nội chết lặng rồi lục tìm, xấp bản thảo chôn dưới chân hũ gạo được đào lên. Ông nội ôm tôi khóc. Trời chiều, gió chướng về hun hút. Cứ thế, ông dắt tôi đi. Còn lúc đó, đi đâu ông cũng không biết nữa, cứ nhằm con lộ mà dấn bước.

 5. Tôi không phải là con của cha. Một người trong đám ca đã nói thế. Bí mật hé lộ và ông nội không còn cách nào khác là xác thực. Tôi đau khổ vô cùng, chạy một mạch trên bờ kênh xáng, trượt chân ngã dúi dụi nhiều lần. Tôi núp dưới rặng bần bứt trái ném xuống kênh liên tục. Ông nội và mấy người trong ấp cầm đuốc lá dừa đi kiếm tôi. Ông nội vừa kêu tên tôi vừa khóc.

- Thế thì cha con là ai hả nội?

- Ông không biết, chỉ có má con mới biết nhưng má con đã theo người khác rồi thì biết hỏi ai giờ?

- Tại sao ông không nói cho con biết?

- Vì ông sợ mất con!

-Tại sao…

 Có  nhiều câu hỏi làm tôi dằn vặt đau khổ. Ông nội cũng đau khổ không kém. Ông  hay lén tôi mà khóc một mình. Giữa đêm thanh vắng, chỉ có tiếng bìm bịp khắc khoải kêu thương, ông nức nở trong bài dạ cổ.

-Ông vô phước, số phận trêu ngươi đã bắt ông phải chịu nhiều bất hạnh.

Tôi không dám nhìn ông. Gương mặt ông héo hắt, những vết nhăn xô lại, rúm ró. Tối đó, tôi qua ngủ với ông nội. Ông thủ thỉ với tôi nhiều điều. Tôi thật sự chìm vào giấc ngủ yên bình không mộng mị.

6. Cha đột ngột tìm về. Trông già và hom hem so với độ tuổi. Ông nội nhìn cha ứa nước mắt. Cha tôi khóc dầm dề. Có người nhận ra cha tôi vì họ đã từng gặp khi lên thành phố. Cha sống trong một khu chợ đầu mối. Công việc bấp bênh kiếm sống qua ngày. Tôi nghe mà lòng quặn đau, nước mắt tràn mi, xa xót.

Ông nội và cha nói chuyện ngoài sân. Tôi ngồi trong nhà nhìn ra cửa sổ, nghe ngóng. Tôi nghe tiếng được tiếng mất. Họ có nhắc đến tôi. Cha hỏi má có về thăm tôi không. Ông nội lắc đầu, ngậm ngùi. Hình như cha tôi văng tục khi nhắc đến má. Rồi ôm đầu than trách. Ông nội vỗ vai cha an ủi.

- Cha phải đi thôi, con trai à! Cha nhìn tôi, lắc đầu.

- Cha lại bỏ con sao? Tôi tránh ánh mắt ngầu đục, buồn miên man của cha. Bất giác, tôi nhìn đôi chân của cha. Bàn chân đen đúa, những ngón chân móng đã bị bong tróc, nham nhở, gót chân thì nứt nẻ, xỉn màu. Cha mặc kệ để tôi nhìn thế, không nói gì cả. Nhưng tôi biết, lòng cha dậy sóng. Cả tôi cũng thế. Đau đớn và chông chênh.

- Cha không thương con đúng không? Tôi ngước mắt nhìn cha, chờ đợi.

Cha giật mình rồi thở dài:

- Con đừng nói bậy, cha không thương con thì thương ai?

- Sao cha lại phải ra đi? Tôi cầm bàn tay chai sần của cha, lắc mạnh.

- Con đừng như thế, đừng bắt cha… Cha gỡ tay tôi ra và tập tễnh bước đi.

Cha ra bờ kênh ngồi. Bóng chiều dần buông. Không gian rộn lên tiếng côn trùng nỉ non. Trước sự bình yên, vắng lặng của đất trời, lòng tôi lại đang bão giông, cuồng nộ.

7. Cha không ra đi khi biết xấp bản thảo vẫn còn. Cha mừng lắm, cứ săm soi, giở tới giở lui từng trang một. Ánh mắt ngời lên niềm hạnh phúc. Tôi bất ngờ trước sự đổi thay lạ lùng đó của cha. Suốt ngày cha cặm cụi đọc, nghiền ngẫm. Có lúc còn nhập vai vào từng nhân vật. Một hôm, cha còn hồ hởi kéo tôi ngồi xuống đọc cùng cha.

- Là cha đấy, con hãy đọc đi! Cha đẩy kịch bản có tên gọi “Người cõi khác” về phía tôi.

Là cha đấy sao? Tôi đã từng lén ông nội đọc nó. Nhân vật nam chính là người đàn ông trẻ tật nguyền thân thể và không trọn vẹn về tâm hồn. Đúng hơn là do một chút thiếu sót của tạo hoá mà người đó đã bị khiếm khuyết. Ông ta hoang mang, dằn vặt khi bước vào tuổi dậy thì, bất lực đớn đau khi những bạn bè cùng trang lứa lần lượt lập gia đình… Người đàn ông chỉ biết trốn vào đam mê những kịch bản cải lương. Những nhân vật khóc cười, khổ đau, hạnh phúc dưới ánh đèn sân khấu…

Nhưng tất cả không cứu rỗi được sự lạnh giá tâm hồn mỗi khi tấm màn nhung khép lại, khi đêm tối bủa vây trong căn buồng nhỏ ám mùi thuốc là và men rượu… Gượng gạo rồi ép buộc, người đàn ông ấy bắt mình phải thoả hiệp với mọi người xung quanh, sống cho từng nhân vật. Son phấn, áo quần và cả điệu bộ không đánh lừa được tâm hồn. Ông ta sa vào rượu chè và ra đi. Một cách trốn chạy hèn hạ, khước từ bản thân.

Tôi khóc dầm dề trong đêm gió chướng về xao xác trên mái nhà dột nát. Giường bên cha co quắp trong hình hài khốn khổ. Liệu có một giấc mơ đẹp, một phép màu rực rỡ nào sẽ về bên giấc ngủ mệt mỏi những suy tư của cha hay không?

8. Ông nội lập lại đoàn hát, nghiệp dư thôi. Người dân ấp Xẻo Lá hưởng ứng tích cực. Cha đứng trước nhà nhìn nắng nhảy nhót trên rặng dừa nước và cười mãn nguyện. Những bản thảo được hoàn chỉnh. Cả những phần uỷ mị, đớn đau nhất cũng chỉnh sửa lại đôi phần.

Tôi ca cải lương không được và đàn cũng không rành. Tôi chỉ là một khán giả chứng kiến những phận đời, những con người lắt lay, cô đơn qua từng nhân vật…

T.Đ.S

Tin cùng chuyên mục