Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kịch bản nào cho năm học mới
Thứ năm: 16:37 ngày 19/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm học 2021-2022 cận kề nhưng dịch bệnh Covid- 19 đang diễn biến vô cùng phức tạp. Ở nhiều địa phương, dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng làm xáo trộn mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Câu hỏi đặt ra lúc này là, năm học mới sẽ như thế nào, cần chuẩn bị kịch bản nào cho năm học khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Học sinh tiểu học trong ngày khai giảng năm học 2020-2021. Ảnh minh hoạ

ĐẦU THÁNG 9 CÓ THỂ CHƯA NHẬP HỌC

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tân Biên nhận định, dịch bệnh kéo dài, các kế hoạch, hoạt động chuẩn bị cho năm học mới không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. “Năm học 2021-2022 là năm thứ hai ngành thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Đáng lẽ thời điểm này, sách giáo khoa đã có mặt trên thị trường để phụ huynh mua cho con em, nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp, do đó, đến nay mặt hàng này chưa có. Chuẩn bị cho việc triển khai thay sách giáo khoa ở lớp 2, lớp 6, ngành Giáo dục tổ chức nhiều đợt tập huấn cho giáo viên bằng hình thức trực tuyến.

Có thể nói, công tác này được bảo đảm, không ảnh hưởng nhiều. Mỗi giáo viên được cung cấp một tài khoản để cập nhật nội dung quan trọng về chương trình, sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, việc sửa chữa, nâng cấp trường lớp ít nhiều gặp khó khăn. Theo nhận định của cá nhân, việc khai giảng vào đầu năm học (ngày 5.9) có lẽ hơi khó thực hiện”- đại diện Phòng GD&ĐT Tân Biên nêu ý kiến.

Một điểm liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học này là việc thay sách giáo khoa ở lớp 6- lớp đầu cấp THCS, trong đó có hai môn học mới được gộp lại từ 5 môn học khác: môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT Tân Biên, việc bố trí giáo viên dạy hai môn tích hợp này đang được tính toán sao cho hợp lý, theo tinh thần giáo viên vẫn dạy đúng chuyên môn của mình, “vấn đề đáng quan tâm nhất của năm học mới là đội ngũ, trường nào lớn, giáo viên đông sẽ dễ bố trí chuyên môn, còn trường quy mô nhỏ, giáo viên ít sẽ khó khăn hơn”.

Về cung ứng sách giáo khoa, ngành sẽ thống kê, đăng ký số lượng sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, phụ huynh nhận sách, trả tiền cho nhà phân phối; còn sách giáo khoa lớp 1, do đã học được một năm, phụ huynh có thể tự mua.

“Ở huyện Dương Minh Châu, việc sửa chữa nhỏ đã được thực hiện cơ bản ổn định. Địa phương đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng một số lượng khá lớn giáo viên cho cả bậc học mầm non, phổ thông”- lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Dương Minh Châu thông tin.

Việc tuyển sinh các lớp đầu cấp trên địa bàn huyện, đến thời điểm này đã hoàn tất. Tuy nhiên,  lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Dương Minh Châu cũng bày tỏ sự băn khoăn về chương trình, sách giáo khoa, cụ thể đối với lớp 6.

“Chúng tôi giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường THCS tính toán để sắp xếp, bố trí sao cho khoa học, hợp lý nhất. Tinh thần vẫn là giáo viên trước đây dạy môn nào thì nay vẫn dạy môn đó. Vấn đề kỹ thuật là bố trí giáo viên, mỗi người dạy bao nhiêu tiết, dạy vào lúc nào, vì ba môn học gộp vào thành một môn”.

Theo thông tin của Phòng GD&ĐT Dương Minh Châu, đến thời điểm hiện nay, sách giáo khoa phục vụ cho năm học mới vẫn chưa thể về địa phương, vì đang giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, “sau khi kết thúc giãn cách xã hội sẽ có sách giáo khoa, phụ huynh không nên quá lo lắng”.

Câu hỏi đặt ra là, tình hình dịch bệnh đang diễn biến như hiện nay, liệu đầu tháng 9 có khai giảng được năm học hay không? “Tình hình này khó có thể khai giảng năm học vào ngày 5.9, Bộ GD&ĐT cũng ban hành khung thời gian năm học 2021-2022 theo hướng tuỳ tình hình cụ thể ở mỗi địa phương, do đó phải chờ xem tình hình dịch bệnh diễn biến như thế nào”- lãnh đạo Phòng GD&ĐT Dương Minh Châu cho biết.

Vẫn theo ý kiến của người này, nếu tách lớp, chia nhỏ lớp như năm học trước sẽ nảy sinh một số vấn đề như không có kinh phí thanh toán tiền thừa giờ cho giáo viên; giáo viên không đủ sức để dạy liên tục cả ngày. Tóm lại, việc chia đôi lớp học là không khả thi.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Gò Dầu cho biết, địa phương chưa thể sửa chữa, nâng cấp trường lớp theo kế hoạch, vì nhiều trường học thuộc địa bàn đang cách ly, ngành đã báo cáo vấn đề này với UBND huyện. Hiện nay, Gò Dầu đã tuyển sinh lớp 6, lớp 10 nhưng lớp 1, mầm non chưa tuyển sinh được, vì đang giãn cách xã hội.

Đối với vấn đề chuyên môn, lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho biết, giáo viên cũng ít nhiều băn khoăn, ví dụ, một giáo viên có thể dạy được môn Hoá học và Sinh học nhưng không thể dạy môn Vật lý (đối với môn Khoa học tự nhiên).

Cũng như nhiều địa phương khác, đến thời điểm này, sách giáo khoa mới chưa có. Việc tổ chức năm học, theo vị này, một số lớp có thể tổ chức học trực tuyến nhưng cũng có lớp khó học, cụ thể là lớp đầu cấp khó có thể dạy trực tuyến, vì cả thầy lẫn trò đều chưa biết nhau.

Ở cấp THPT, hiệu trưởng một trường cho biết, còn một số vấn đề của năm học cũ chưa giải quyết xong, cụ thể là việc tổ chức cho những học sinh chưa đủ điều kiện lên lớp làm lại bài kiểm tra. Có một số môn học, nhà trường gửi đề cho học sinh làm kiểm tra (đề trắc nghiệm) qua máy, những môn học làm đề theo hình thức tự luận thì bắt buộc học sinh phải có mặt ở trường để làm bài.

Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, cấp THPT có thể học trực tuyến. Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 10 (lớp đầu cấp), việc tổ chức học trực tuyến có phần phức tạp, vì các em là học sinh mới của trường, nhà trường chưa tập hợp được học sinh nên khâu tổ chức lớp học sẽ khó khăn hơn.

“Thầy trò chưa biết nhau, việc thành lập các nhóm để học trực tuyến sẽ khó khăn”- vị hiệu trưởng nêu, đồng thời nhận định, tình hình dịch bệnh như thế này, việc tổ chức khai giảng và học vào đầu tháng 9 khó có thể thực hiện được.

DẠY TRỰC TUYẾN KHÔNG CÒN LÀ GIẢI PHÁP TÌNH THẾ

Trước khi nói về phương án dạy trực tuyến, nhiều ý kiến trong ngành Giáo dục có chung nhận định, hiện nay, nhiều trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung hoặc bệnh viện dã chiến. Để học sinh vào học, phải có thời gian dọn dẹp sạch sẽ, phun khử khuẩn, bố trí lại bàn ghế, thiết bị, đồ dùng dạy học... ít nhất 10-15 ngày sau khi giải thể khu cách ly, bệnh viện tạm thời.

Trở lại phương án dạy học trực tuyến, đây không phải là một hình thức dạy học mới. Năm học 2020-2021, cũng do dịch bệnh Covid- 19, việc dạy học trực tuyến hoặc các hình thức học khác trên môi trường mạng đã được triển khai trong cả nước.

Bước đầu, người dạy và người học đã phần nào làm quen được với hình thức dạy học này. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, dạy học qua môi trường mạng, dẫu sao, vẫn chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Cách thức dạy và học trực tuyến chưa thể và không thể thay thế được bằng việc dạy học trực tiếp; chỉ tạm gọi là ổn đối với học sinh cấp THPT hoặc lớp 8, 9 cấp THCS ở vùng đô thị.

Ở nông thôn, việc dạy học trực tuyến dù vẫn được triển khai nhưng chỉ là giải pháp tình thế, ứng phó trong thời gian ngắn. Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT cũng lên phương án dạy học trực tuyến, ban hành cả quy chế làm bài kiểm tra, chế độ cộng điểm...

Mới đây, khi tổng kết năm học 2020-2021 đối với giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý, năm học mới, dạy học trực tuyến không còn ở thế tạm thời nữa, phải xác định dịch Covid-19 là câu chuyện lâu dài.

Điều đó đòi hỏi người thầy phải tâm huyết, linh hoạt, phát huy tính chủ động tối đa để đạt được mục tiêu về chất lượng. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương căn cứ kế hoạch thời gian năm học Bộ mới ban hành để chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp tình hình cụ thể tại mỗi địa phương.

Theo Bộ trưởng, dạy học trực tuyến có hiệu quả nhất định nhưng dạy trực tiếp là quan trọng nhất. “Năm học 2021-2022, xác định tinh thần chung là triển khai năm học trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát diễn biến phức tạp, khó lường.

Trước mắt, các địa phương tập trung các biện pháp để chuyển trạng thái của ngành Giáo dục thích ứng với bối cảnh của dịch bệnh, hạn chế tác động tiêu cực, giảm mức độ tổn thương của ngành Giáo dục trước dịch bệnh, bảo đảm môi trường trường học an toàn”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục