Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Dứt khoát kiểm soát lạm phát cao nhất chỉ trên 8%, tạo đà để kiểm soát lạm phát trong năm tới
Hôm 28.10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội để đưa ra các giải pháp sát với thực tế, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhất là tháo gỡ khó khăn nổi lên liên quan đến hàng tồn kho và xử lý nợ xấu ngân hàng.
Theo báo cáo tổng hợp và ý kiến của các thành viên Chính phủ, cho đến thời điểm này, tình hình KTXH tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là lạm phát 10 tháng chỉ tăng 6,02%, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 18% và nhập siêu chỉ bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng phát triển ổn định và đạt kết quả tốt; lãi suất cho vay đã giảm từ 5-8% so với cuối năm ngoái; tỷ giá ổn định, thanh khoảng VND của toàn hệ thống ngân hàng được đảm bảo và đang có xu hướng cải thiện…
Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai tích cực và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Các thành viên Chính phủ cũng nhận rõ khó khăn, thách thức đang nổi lên đối với nền kinh tế, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu ngân hàng, hàng tồn kho như than, thép, vật liệu xây dựng và đặc biệt là tồn kho bất động sản đang chiếm tới hơn một nửa tổng dư nợ của nền kinh tế.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.2012 |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: Khó khăn lớn nhất hiện nay là tồn kho bất động sản, rất lớn, thị trường cục kỳ khó khăn. Nếu không tháo gỡ thì tiếp tục tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến đời sống người lao động, ảnh hướng đến ngân hàng và kinh tế vĩ mô…
Tại phiên họp, Bộ Xây dựng chính thức đề nghị Chính phủ hàng loạt các giải pháp vừa trước mắt, vừa căn cơ lâu dài nhằm khơi thông thị trường bất động sản như điều chỉnh quy hoạch các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội; các công trình nhà ở đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ lớn thì điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Cùng với đó là kiến nghị các chính sách miễn, giảm thuế, tạo điều kiện tín dụng, thủ tục thuận lợi đối với doanh nghiệp và người dân, nhất là đối với lĩnh vực nhà ở xã hội...
Quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề này là phải tập trung ưu tiên chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Giờ là ưu tiên cho nhà thu nhập thấp, nhà trung bình. Nếu điều chỉnh thì số người ở tăng thêm, nhưng hạ tầng dịch vụ xã hội mâu thuẫn, nhưng nếu không có nhà thu nhập thấp thì người ta vẫn ở, vẫn đi xe. Ở các nước tiên tiến cũng có căn hộ 20m2. Trong lúc người nghèo không đủ tiền mua.
Đối với mặt hàng tồn kho lớn nữa là than, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ đây là vấn đề liên quan đến công ăn việc làm của nhiều công nhân lao động, Chính phủ đang hết sức cố gắng tháo gỡ khó khăn nhưng Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam cũng cần cân đối, điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất để có sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường.
Thủ tướng cũng chỉ đạo sớm triển khai đưa xi măng vào làm đường giao thông và tiến tới không nhập khẩu nhựa đường; tăng cường quản lý chất lượng đảm bảo an toàn của các công trình có nguy cơ gây mất an toàn cho xã hội…
Trên cơ sở các biện pháp Chính phủ đã đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương từ nay đến cuối năm phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp mà trước hết là dứt khoát kiểm soát lạm phát cao nhất chỉ trên 8%, tạo đà để kiểm soát lạm phát trong năm tới; bám sát diễn biến thị trường thế giới, nhất là đối với các nguyên liệu đầu vào để điều hành giá không gây sốc trên thị trường; đảm bảo cấn đối cung cầu, kiểm soát giá, nhất là thực phẩm không để tăng giá đột biến…
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cùng với sớm trình Đề án tổng thể xử lý nợ xấu ngân hàng thì tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai các biện pháp đang thực hiện có hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu NHNN kiên quyết chỉ đạo xử lý công khai, dứt điểm 9 ngân hàng yếu kém; tăng cường công tác quản lý thị trường vàng; tiếp tục giữ ổn định tỷ giá… Các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát cân đối thu chi ngân sách, gắn với cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên, hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài; tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất công-nông nghiệp và dịch vụ phát triển, nhất là hỗ trợ các lĩnh vực có lợi thế, có thị trường như công nghiệp chế biến, xuất khẩu…
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tháo gỡ mọi khó khăn nhằm khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài có công nghệ cao và nguồn vốn lớn. Các Bộ, ngành địa phương tập trung cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn tổng công ty liên quan đến bố trí lại nhân sự, lộ trình cổ phần hóa gắn với tăng cường kiểm soát chấp hành pháp luật của doanh nghiệp nhà nước trong quản lý vốn và cán bộ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhân rộng mô hình một cửa liên thông, tăng cường thanh tra công chức, công vụ cũng như tập trung xử lý 528 vụ việc khiếu kiện phức tạp, tồn đọng kéo dài; tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn xã hội; chủ động, kịp thời, công khai công tác thông tin tuyên truyền cho báo chí…
Cũng tại phiên họp Chính phủ thường tháng 10, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Theo VOV