BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kiên cố hoá kênh nội đồng: Nên giao cho đơn vị có đủ trình độ chuyên môn

Cập nhật ngày: 09/08/2013 - 06:22
HTML clipboard

Chất lượng nhiều công trình thuỷ lợi do địa phương quản lý không đảm bảo mà nguyên nhân chính là do cán bộ xã hạn chế năng lực khi làm chủ đầu tư.

Nước mát về đồng trên dòng kênh được bê tông hoá

(BTN) - Nhiều năm qua, hệ thống kênh trên địa bàn tỉnh được kiên cố đã mang về những lợi ích thiết thực cho người dân. Tuy nhiên, đối với các tuyến kênh tưới, tiêu có diện tích dưới 50 ha được phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư, việc kiên cố hoá còn nhiều bất cập.

Năm 1990, thực hiện chỉ đạo của Bộ Thuỷ lợi (nay là Tổng cục Thuỷ lợi thuộc Bộ NN&PTNT) về việc kiên cố hoá kênh mương, Tây Ninh bắt đầu đầu tư kiên cố hoá một số kênh mương. Đến năm 2008, việc kiên cố hoá kênh mương trong toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 10% do thiếu vốn.

Từ năm 2009 - 2012, Dự án Hỗ trợ nguồn nước Việt Nam (VWRAP) của Ngân hàng thế giới đã đầu tư khoảng 600 tỷ đồng để kiên cố hoá kênh mương trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian khẩn trương thi công, tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương toàn tỉnh đã tăng từ 10% trước đây lên 60% hiện nay. Kết quả của quá trình kiên cố hoá là diện tích thực tưới thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng trước đây là 34.000 ha thì nay được nâng lên 42.000 ha- tăng thêm 8.000 ha. Được biết, toàn tỉnh có 1.487 kênh tưới các cấp với tổng chiều dài là 1.408km, trong đó đã kiên cố hoá được 832,313km; kênh tiêu có 254 tuyến, dài 584,045km. Trong đó, kênh tưới, tiêu trên 50 ha do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh quản lý; kênh tưới, tiêu dưới 50 ha do UBND huyện, thị giao cho các tổ chức hợp tác dùng nước, gồm: Hợp tác xã thuỷ lợi, Tổ thuỷ nông quản lý.

Theo đánh giá của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh- đơn vị đang quản lý, vận hành hệ thống thuỷ lợi trong tỉnh, việc kiên cố hoá kênh mương đã làm hạn chế được sự cố vỡ kênh, hạn chế tổn thất nước, giảm độ nhám, tăng lưu tốc, tưới nhanh, chậm bồi lắng và công tác duy tu, bảo dưỡng nhẹ hơn. Ngoài ra, kiên cố hoá kênh mương còn tiết kiệm nước rất hữu hiệu, nếu như trước đây khi chưa kiên cố hoá phải sử dụng từ 12 – 14.000m3 nước/ha/vụ thì sau khi được kiên cố chỉ sử dụng từ 8 – 10.000m3 nước/ha/vụ mà thôi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến tưới tiêu- đó là những tuyến kênh có diện tích tưới dưới 50 ha.

Ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, kênh dưới 50 ha trong tỉnh hiện có 876 tuyến với tổng chiều dài là 364km. Đến nay, kênh dưới 50 ha đã kiên cố được 195km (xã đầu tư xây dựng 61km, còn lại 134km do Công ty đầu tư). Việc phân cấp cho địa phương đầu tư, quản lý và sử dụng kênh dưới 50 ha bước đầu đã mang về những hiệu quả tích cực như: chính quyền huyện, xã quan tâm hơn, hằng năm đều dành nguồn ngân sách cho thuỷ lợi; diện tích tưới được mở rộng; chất lượng tưới được tốt hơn (từ 5 giờ rút xuống còn 1 giờ). Tuy nhiên, từ khi các xã được giao làm chủ đầu tư kiên cố hoá kênh nội đồng vào năm 2000, đã phát sinh những hạn chế mà đến nay vẫn chưa khắc phục được. Cụ thể nhất là chất lượng nhiều công trình thuỷ lợi do địa phương quản lý không đảm bảo mà nguyên nhân chính là do cán bộ xã hạn chế năng lực khi làm chủ đầu tư. Các công đoạn- từ tư vấn thiết kế, lập dự án, đồ án thiết kế, triển khai thi công đến nghiệm thu công trình đều thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn. Nhiều công trình không được duy tu, bảo dưỡng nên khi đưa vào sử dụng từ 3 - 5 năm đã xuống cấp, hư hỏng. Từ năm 2009 - 2012, Công ty phải hỗ trợ kinh phí sửa chữa hơn 6 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc phân cấp quản lý kênh mương cho địa phương là để huy động sức dân cùng tham gia, thế nhưng thực tế việc huy động sức dân hết sức khó khăn. Theo ông Công, nếu không có sự đóng góp của dân, địa phương chỉ sử dụng ngân sách để kiên cố hoá kênh mương thì tốt hơn là nên giao cho các đơn vị có chuyên môn quản lý, giám sát, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa đảm bảo chất lượng công trình. Địa phương chỉ tham gia dưới góc độ là giám sát cộng đồng.

Dự án VWRAP đã kết thúc nhưng Chương trình kiên cố hoá kênh mương vẫn tiếp tục thực hiện bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Để nguồn vốn được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, có ý kiến cho rằng nên giao cho các đơn vị có trình độ chuyên môn làm chủ đầu tư kiên cố hoá kênh nội đồng. Có như thế, việc kiên cố hoá kênh mương mới thực sự góp phần nâng cao đời sống người dân, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

DUY ĐỨC

 

Chia sẻ:

In bài Gửi cho bạn bè Facebook Twitter