BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kiên định quan điểm, giữ vững lập trường, đập tan ngay âm mưu đưa Điều 4 khỏi Hiến pháp, phi chính trị hoá quân đội

Cập nhật ngày: 12/03/2013 - 06:37

(BTN) - Khi cả nước đang nghiên cứu đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, xuất hiện một số ý kiến đòi xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp hiện hành, đòi bỏ hệ thống tổ chức Đảng và cán bộ chính trị trong quân đội, nghĩa là phi chính trị hoá quân đội, đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”. Đây là những ý kiến trùng hợp với những yêu sách của một bộ phận người Việt trong và ngoài nước, phần lớn là những người có quá khứ không đồng hành với dân tộc, với Đảng, với chế độ, hoặc không thoả mãn tham vọng cá nhân nên hằn học, “trở cờ”, đổ lỗi cho Đảng, đòi hỏi Đảng phải đổi mới, phải dân chủ một cách cực đoan. Trong đó có các thế lực thù địch, dùng mọi thủ đoạn vừa thâm hiểm, vừa thô bạo, hòng thực hiện âm mưu đen tối là xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Theo tôi, cần đập tan âm mưu này bằng cơ sở lý luận khoa học và phổ biến lý luận khoa học cho toàn dân được biết.

Từ xưa đến giờ, nhà nước tồn tại là do có những lợi ích đối lập nhau của những nhóm người to lớn trong xã hội. Để tránh đi đến sự tổn hại hoặc diệt vong cho xã hội và bảo vệ lợi ích của chính mình, giai cấp thống trị lập ra một bộ máy quyền lực đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ duy trì trật tự xã hội và bảo vệ lợi ích cho giai cấp chiếm ưu thế trong xã hội. F. Engels đã khẳng định: “thực chất đó là bạo lực có tổ chức của một giai cấp” (Tuyển tập, Nxb Sự thật, 1980, tập 1 tr 563). Do vậy, bản chất nhà nước luôn luôn mang tính giai cấp. Từ khi có nhà nước cho đến nay, chưa bao giờ có một nhà nước phi giai cấp.

Bất cứ giai cấp nào cũng có đội ngũ ưu tú nhất, tiến bộ nhất đại diện và lãnh đạo giai cấp ấy phát triển. Khi bộ phận ưu tú ấy có lý luận, có hệ tư tưởng dẫn đường nó thành lập tổ chức tiền phong gọi là đảng chính trị. Như vậy, đảng chính trị là nhân tố không thể thiếu của nhà nước. Nó tham gia vào mọi hoạt động của nhà nước với tư cách là người lãnh đạo nhà nước, là người thực thi quyền lực chính trị. Nhưng vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là đảng chính trị ấy là đảng nào? Đảng ấy đại diện cho xu thế chính trị nào? Đảng ấy lãnh đạo nhà nước đưa xã hội tiến lên theo hướng nào?

Thực tế lịch sử cho thấy, không phải đảng chính trị nào ra đời cũng phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử và một lòng một dạ lo cho dân, cho nước. Có những đảng chính trị chạy theo lợi ích hạn hẹp, sẵn sàng bán rẻ danh dự, bán rẻ Tổ quốc để thoả mãn nhu cầu quyền lực thấp hèn. Cũng từ thực tế lịch sử cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa lãnh đạo nhân dân đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc và các thế lực thù địch vừa xây dựng đất nước, đưa nước ta từ một nước nghèo nàn, lạc hậu trở thành một quốc gia được thế giới tôn trọng, nhân dân được sống và làm việc trong một môi trường ngày càng dân chủ, bình đẳng, văn minh hơn, cuộc sống được cải thiện về mọi mặt. Đảng Cộng sản Việt Nam và chỉ duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Từ sự phân tích trên đây, theo tôi nên giữ Điều 4 Hiến pháp nói về Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ yếu là nhằm khẳng định thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Bản chất giai cấp của nhà nước quy định chức năng bảo vệ, duy trì trật tự xã hội, đảm bảo xã hội vận động phát triển, cho nên nhà nước cần lập ra một bộ máy công cụ đặc biệt là công an và quân đội. Phi chính trị hoá quân đội là ý tưởng ấu trĩ về chính trị. Chính trị là tất cả những hoạt động liên quan đến nhà nước. Liên quan chặt chẽ giữa chính trị và công cụ thực hiện đường lối chính trị là vấn đề mang tính tất yếu khách quan. Hình thức thể hiện mối liên hệ giữa chính trị với quân đội có thể có khác nhau, có nơi đậm, có nơi nhạt nhưng phi chính trị là tuyệt đối không thể. Bởi vì không thể duy trì trật tự xã hội, bảo vệ Tổ quốc mà không có công cụ bạo lực. Bất kỳ nhà nước nào cũng cần đến công cụ bạo lực để thực hiện chức năng vốn có của mình.

Bài học của sự sụp đổ Đông Âu và Liên Xô vẫn còn nguyên giá trị. Công cụ bạo lực sắc bén của giai cấp thống trị bị đặt ra ngoài chính trị là khởi nguồn đi đến sự sụp đổ của một mẫu hình CNXH đầu tiên trên thế giới. Đảng ta trước năm 1986 cũng đã mắc phải những khuyết điểm, đã có thời kỳ ta học tập, áp dụng nguyên mẫu của Liên Xô, bỏ thể chế chính trị viên, chính uỷ trong quân đội. Sự thay đổi chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô là sự thức tỉnh kịp thời. Chế độ chính uỷ, chính trị viên được tái lập. Vai trò của chính uỷ, chính trị viên không ngừng được củng cố và phát triển. Việc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội chính quy hiện đại, hội nhập với quốc tế không thể không gắn với chính trị. Do đó, cần tỉnh táo trước âm mưu của các thế lực thù địch, với đường lối đấu tranh từng bước, âm mưu diễn biến hoà bình.

Việc lợi dụng đóng góp sửa đổi Hiến pháp để bày tỏ, truyền bá quan điểm trái với lý luận khoa học, chứa đựng âm mưu thay đổi chế độ ở Việt Nam là bài học mà các thế lực thù địch kiên trì thực hiện hàng chục năm qua. Vấn đề hiện nay là phải kiên định lập trường; vạch mặt, chỉ rõ âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, đồng thời tuyên truyền vận động để nhân dân nhận thấy sửa đổi Hiến pháp là cần thiết. Sửa đổi Hiến pháp phục vụ sự phát triển đất nước. Sửa đổi Hiến pháp không thể rời xa nguyên tắc cơ bản mang tính sống còn.

Từ lý luận khoa học đến thực tiễn lịch sử chỉ ra rằng không thể có nhà nước hoàn thiện nếu nhà nước đó không có đảng chính trị tiến bộ lãnh đạo. Ở Việt Nam hiện nay, đảng chính trị đảm nhận nhiệm vụ lịch sử ấy không thể khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Quan điểm loại bỏ Điều 4 khỏi Hiến pháp, phi chính trị hoá quân đội có thể là ấu trĩ về chính trị hoặc là một mưu đồ đen tối muốn xoá bỏ thể chế chính trị XHCN ở Việt Nam. Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn thể hiện sự vững vàng về chính trị, kiên định về quan điểm để chứng minh rằng chân lý tốt đẹp mà cả loài người hướng đến không phải là chế độ người bóc lột người.

Võ Hoàng Khải