Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kiến nghị Quốc hội vấn đề cháy rừng và chập điện trong nhà dân
Thứ ba: 15:32 ngày 12/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau đợt giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Huỳnh Thanh Phương đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đối với công tác PCCC trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tuy nhiên, hiện nay có 2 vấn đề lớn mà theo ông Huỳnh Thanh Phương, đoàn ĐBQH cần trao đổi và trình ra Quốc hội. Thứ nhất là an toàn về điện liên quan đến công tác PCCC chiếm tỷ lệ cao; thứ hai là tình trạng cháy rừng nhưng khó xác định được nguyên nhân nên chưa thể xử lý trách nhiệm.

Nguy cơ cháy do chập điện từ nhà dân

Trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2018, Tây Ninh đã xảy ra 123 vụ cháy, trong đó 25% vụ cháy liên quan đến điện.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh làm việc với UBND tỉnh.

Theo Công ty điện lực Tây Ninh, hiện nay, công tác PCCC của đơn vị được triển khai thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, công ty đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) tại công ty cũng như ngành điện lực các huyện; thành lập 10 đội PCCC cơ sở. Hằng năm, công ty đều phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH lập kế hoạch tổ chức huấn luyện nghiệp vụ và thực tập các phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho toàn bộ thành viên của đội PCCC&CNCH cơ sở.

Đối với an toàn đường dây điện, công ty giao trách nhiệm cho nhân viên phụ trách từng khu vực, có tổ chức kiểm tra định kỳ thường xuyên mỗi tháng. Nếu phát hiện ra lỗi kỹ thuật, nhân viên sẽ nhắc nhở người dân để kịp thời khắc phục, hoặc xảy ra những lỗi gây nguy hiểm sẽ tiến hành ngắt điện cục bộ để sửa chữa.  

Với những cách làm đó, trong toàn công ty không xảy ra vụ cháy nổ nào. Trong các con số cháy liên quan đến điện ghi nhận ở trên, hầu hết là những trường hợp cháy nổ không thuộc phạm vi quản lý của ngành.

“Ngành điện lực chỉ quản lý và chịu trách nhiệm về điện trên đường dây cung cấp điện cho khách hàng đến đồng hồ điện. Từ đồng hồ vào nhà người dân hay công ty, thuộc quản lý của người dân và đơn vị đó. Đa số các trường hợp cháy nổ do điện đều xảy ra trong nhà dân, phía sau đồng hồ điện. Nguyên nhân là do nhiều hộ dân, khi thiết kế đường dây điện sử dụng trong gia đình không quan tâm nhiều đến tải trọng của đường dây điện.

Khi gia đình có điều kiện kinh tế, đã trang bị thêm nhiều thiết bị điện mới, khiến cho tải trọng đường dây điện không chịu nổi, dễ dẫn đến cháy, nổ. Ngành điện chủ yếu tuyên truyền nhắc nhở người dân, chứ không có thẩm quyền để xử lý đối với những trường hợp này”, một đại diện của Công ty điện lực Tây Ninh cho biết.

Với bất cập này, theo ngành Điện lực, cần có sự phối hợp và vào cuộc của ngành Xây dựng, tổ chức kiểm tra, thẩm định đối với những công trình xây dựng nhà ở trong dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng kiến nghị với đoàn ĐBQH một số vấn đề liên quan đến PCCC.

Ông Trần Tương Quốc- Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện nay, theo Nghị định 46 của Chính phủ về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, chỉ những nhà 7 tầng trở lên mới phải thẩm định tính chất an toàn, ảnh hưởng đến cộng đồng.

Tuy nhiên, ông Quốc cho rằng điều này gây ra nhiều bất cập. Vì nếu để người dân tự thiết kế mà không có sự giám sát của ngành chức năng sẽ rất phức tạp, không thể nào kiểm soát được sự an toàn, trong đó có an toàn về điện. Do đó, thông qua giám sát của đoàn ĐBQH tỉnh, ông Quốc cũng kiến nghị, cần quy định giám sát, thẩm định hồ sơ đối với những nhà dân xây từ 3 tầng trở lên. 

Nhiều vụ cháy rừng chưa tìm được nguyên nhân

Trong 5 năm qua, công tác PCCC&CNCH luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện theo Chỉ thị 47 của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Quyết định số 1635 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện theo Chỉ thị 47…

UBND tỉnh đã ban hành 22 văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố tăng cường thực hiện công tác PCCC&CNCH, trọng tâm là chỉ đạo công tác PCCC mùa khô, trong dịp tết Nguyên đán hàng năm…

Kiểm tra công tác PCCC tại Công ty mía đường Thành Thành Công.

Tỉnh cũng đã hướng dẫn, xây dựng và phê duyệt trên 1.600 phương án chữa cháy và CNCH, tổ chức thực tập 406 phương án chữa cháy và CNCH tại các cơ sở có nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Cùng với đó, tỉnh tổ chức tổng kiểm tra, rà soát lại hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị và khu dân cư, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX); khảo sát các điểm lấy nước từ nguồn nước thiên nhiên và các hồ nước nhân tạo trong các doanh nghiệp, cơ sở phục vụ công tác chữa cháy tại chỗ. Qua khảo sát, xây dựng 1 điểm lấy nước chữa cháy tại chỗ và cải tạo, sửa chữa 28 trụ nước chữa cháy.

Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Tiểu dự án “Trang bị phương tiện chữa cháy và CNCH cho lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH công an tỉnh giai đoạn 2018-2020” với tổng kinh phí 42,6 tỷ đồng tạo điều kiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC làm việc hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, hiện nay, để công tác PCCC đạt hiệu quả, bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý rất cần ý thức của người dân, chủ doanh nghiệp.

Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức rà soát và phát hiện 87 cơ sở chưa thực hiện đầy đủ thủ tục thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo đúng quy định đã đưa vào sử dụng. Nguyên nhân là do, một số người chưa nắm hết được các quy định của pháp luật; kinh phí xử phạt nhỏ hơn nhiều so với kinh phí lắp đặt thiết bị, hệ thống PCCC nên chủ cơ sở cố tình không lắp đặt.

Theo đại diện Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, tại các KCN, KCX còn có tình trạng một số công ty sau thời gian xây dựng đã tiến hành cơi nới, mở rộng diện tích khác với hiện trạng ban đầu. Thậm chí, xây dựng ngay trên khu vực dành cho việc đi lại chữa cháy khi có sự cố. Điều này cho thấy ý thức của người dân, doanh nghiệp chưa cao, chưa thấy được hết nguy hiểm do cháy nổ gây ra.

Ngoài ra, theo đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế, để công tác PCCC tại các KCN, KCX được đảm bảo, tỉnh cần báo cáo với trung ương thực trạng PCCC đối với hoá chất, dầu, nhớt… Những phương tiện PCCC sử dụng nước để chữa cháy như hiện nay là không thể giải quyết được.

Diễn tập phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn hóa chất tại một công ty trong KCN- Ảnh minh hoạ

Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, một vấn đề rất đáng quan tâm khác, đó là thực trạng cháy rừng thời gian qua nhưng không tìm được nguyên nhân.  Trong 5 năm qua đã có 33 vụ cháy rừng xảy ra. Tuy nhiên, đến nay vẫn chỉ mới đưa ra xử lý 1 vụ, còn lại không thể xử lý được.

“Nếu không tìm được nguyên nhân, không thể xử lý thì rừng sẽ tiếp tục cháy, gây thiệt hại tài nguyên của quốc gia”, ông Huỳnh Thanh Phương lo lắng.

Giải pháp và kiến nghị

Tại buổi làm việc với đoàn ĐBQH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho rằng, có hai nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến công tác PCCC của địa phương. Đó là, sự chưa thống nhất giữa Nghị định 79 của Chính phủ năm 2014 và Chỉ thị số 20 của Chính phủ năm 2017. Theo Nghị định 79 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC yêu cầu kiểm tra 4 lần/năm.

Nhưng theo Chỉ thị số 20 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp lại quy định kiểm tra không quá 1 lần/năm. Do đó, công tác kiểm tra an toàn về PCCC không được thường xuyên, dẫn đến việc không được chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với những nguy cơ không đảm bảo an toàn PCCC.

Một bất cập nữa là Nghị định 83 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC nhưng chưa quy định cụ thể danh mục dụng cụ, phương tiện CNCH trang bị cho các loại hình cơ sở và chưa có quy định chế tài, xử phạt vi phạm hành chính về CNCH. Do đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH không có căn cứ để yêu cầu chủ cơ sở trang bị, cũng như không thể xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở không có trang bị dụng cụ, phương tiện CNCH.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, một nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến tình trạng PCCC hiện nay diễn ra còn phức tạp là do người dân, các tổ chức, doanh nghiệp còn thiếu kiến thức về PCCC; thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Do đó, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, bổ sung kiến thức pháp luật về PCCC cho người dân, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

N.D

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục