Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các cơ quan chức năng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa đồng loạt ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị.
Nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, gây mất mỹ quan đô thị đã bị xử phạt. Hộ dân ở số nhà 23 phố Phủ Doãn kinh doanh hàng quà sáng đã bị phạt sáu triệu đồng vì hành vi vứt rác bừa bãi ra vỉa hè theo Nghị định số 155/2016/NÐ-CP của Chính phủ, Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ðáng chú ý, đây là người đầu tiên ở quận Hoàn Kiếm bị xử phạt và ở mức khá cao kể từ khi Nghị định này có hiệu lực ngày 1-2-2017. Cũng mới đây, các tổ công tác đặc biệt của phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) xử phạt hai trường hợp đi vệ sinh không đúng nơi quy định, mỗi người hai triệu đồng. Chỉ trong vòng bốn ngày (từ 25 đến 28-2), lực lượng chức năng của phường đã xử phạt hơn 60 triệu đồng với các lỗi xả rác, nước thải, để rác bẩn trên hè phố… với 21 trường hợp vi phạm. Hành động kiên quyết của các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố được người dân đồng tình, ủng hộ. Hầu hết những người vi phạm đã nhận lỗi và nghiêm chỉnh chấp hành.
Lâu nay, câu chuyện người dân ở các khu đô thị lớn vứt rác, xả thải bừa bãi ra môi trường, nhất là ở những nơi tụ tập đông người hay trong các dịp lễ hội đã trở thành vấn nạn. Nó không chỉ làm xấu đi hình ảnh thủ đô thanh lịch, điểm đến của du khách trong nước và quốc tế mà còn làm ô nhiễm không gian sống của người dân, thể hiện sự bừa bãi, lỏng lẻo kỷ cương, phép nước. Ở nhiều nước văn minh, việc bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu, điển hình là Xin-ga-po, nước cùng khu vực Ðông - Nam Á với chúng ta.
Người xả rác bừa bãi sẽ bị phạt tới một nghìn đô-la Xin-ga-po (tương đương với 16 triệu đồng Việt Nam) cho lần vi phạm đầu tiên. Mức phạt sẽ tăng từ hai đến năm lần nếu tái phạm, kèm theo các hình phạt bổ sung như lao động công ích, dọn dẹp môi trường. Thậm chí, các phương tiện truyền thông được mời đến giám sát và ghi hình sự kiện. Tuy việc lao động công ích không vất vả nhưng những ánh mắt, thái độ lên án của cộng đồng đã tác động mạnh đến lòng tự trọng của người vi phạm khiến họ phải xấu hổ và không dám tái phạm. Ðây là biện pháp mà chúng ta cần tham khảo trong quản lý và bảo vệ môi trường đô thị.
Trước đây, Nghị định số 73/2010/NÐ-CP ngày 12-7-2010 chỉ quy định mức phạt từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng với hành vi xả rác nơi công cộng, được coi là "nhẹ" cho nên người vi phạm vẫn "nhờn". Nay, theo Nghị định số 155/2016/NÐ-CP thì mức phạt với hành vi này là từ năm đến bảy triệu đồng; cùng với đó, hành vi vứt rác thải sinh hoạt, phóng uế ở các khu chung cư, khu dịch vụ thương mại cũng phải chịu mức phạt từ một đến ba triệu đồng.
Có thể nói, mức phạt cao gấp nhiều lần của Nghị định mới đã bảo đảm tính răn đe cao. Ðiều mà dư luận mong muốn là các cơ quan chức năng cần kiên trì và kiên quyết trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột, "ra quân" theo phong trào, để rồi đến khi "thu quân" thì mọi việc lại đâu hoàn đấy.
Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp bổ sung như buộc người vi phạm lao động công ích dọn dẹp môi trường, tính vào tiêu chuẩn thi đua với người đang làm việc tại cơ quan đơn vị hoặc đánh giá tiêu chuẩn gia đình văn hóa với các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể. Cùng với việc xử phạt, cần có biện pháp khen thưởng, vinh danh với những người có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường đô thị; đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường cho các em học sinh.
Hy vọng với những biện pháp đồng bộ đó, ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ môi trường của người dân sẽ được nâng cao về thực chất và thủ đô của chúng ta sẽ sớm đạt tiêu chí "xanh, sạch, đẹp" như dư luận mong đợi.
Nguồn Báo Nhân dân