BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kiên quyết xử lý nghiêm việc làm, cấp bằng lái xe giả

Cập nhật ngày: 23/11/2010 - 09:31

Chiều 23.11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng. Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhận được 20 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn là biện pháp giảm tải ùn tắc giao thông, các công trình giao thông chậm tiến độ, kết cấu hạ tầng đường giao thông…

Theo giải trình của Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, số vụ tai nạn giao thông trong 2 năm gần đây đã giảm đáng kể. So với năm 2007, năm 2008 giảm trên 1.800 vụ tai nạn giao thông. Trong năm 2009 và 10 tháng đầu năm 2010, số vụ tai nạn giao thông tiếp tục giảm. 

Khi lưu lượng xe đưa vào lưu thông ngày một tăng thì an toàn giao thông vẫn luôn là vấn đề nóng hổi, thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

70% nguyên nhân gây ra tai nạn là do người tham gia giao thông

Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (đoàn Nghệ An) cho rằng, hiện nay có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Trong đó phải nói đến việc quản lý, cấp, phát bằng lái xe chưa được chặt chẽ. Nhiều người không cần phải học hành, luyện tập gì mà chỉ cần dùng tiền là có thể mua được bằng lái. Điều này dẫn đến người lái xe không cần kỹ năng, tay lái thực sự nhưng vẫn tham gia giao thông và gây ra tai nạn. Trách nhiệm của Bộ GTVT đối với việc quản lý các cơ sở đào tạo và cấp bằng lái xe như thế nào? Đặc biệt là xử lý việc cấp bằng lái xe giả ra sao?

Bằng lái xe giả được cơ quan chức năng phát hiện

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: 70% nguyên nhân gây ra tai nạn là do người tham gia giao thông. Hiện nay, bằng lái xe giả xuất hiện nhiều và chất lượng lái xe của người điều khiển phương tiện giao thông còn hạn chế. Bằng lái xe giả xuất hiện nhiều là do sự trục lợi của một số cơ sở, đơn vị, cá nhân cấp, làm giả bằng lái.

Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, các cơ sở đào tạo lái xe tuy đã được nâng cấp, đầu tư mới nhưng một số cơ sở đào tạo, chương trình, chất lượng đào tạo còn yếu kém. Nhiều nơi đào tạo chưa có hệ thống và người học chỉ lấy lệ.

Để các cơ sở đào tạo, cấp bằng lái xe hoạt động hiệu quả hơn, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ liên kết với Bộ Giáo dục-Đào tạo để triển khai chương trình đào tạo, cấp bằng lái xe quy củ hơn; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm, đưa ra pháp luật xử lý những cơ sở, đơn vị và cá nhân làm và cấp, phát bằng lái xe giả.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng về việc xử lý các nhà thầu để xảy ra tai nạn giao thông trong xây dựng công trình.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định trách nhiệm của các đơn vị trong thực thi các công trình giao thông. Nếu công trình giao thông không đảm bảo, để xảy ra tai nạn thì chủ thầu xây dựng và các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Để hạn chế tai nạn giao thông trong xây dựng công trình, Bộ GTVT đã có Nghị định hướng dẫn các nhà thầu đảm bảo an toàn giao thông khi lập dự án xây, trong đó có ghi rõ khoản kinh phí dành riêng cho đảm bảo an toàn giao thông.

Đại biểu Phạm Phương Thảo (đoàn TP HCM) đưa ra thực trạng là từ tháng 7.2010 đến nay, tại TP HCM xuất hiện nhiều “hố tử thần”. Điều này đã khiến cho người dân thành phố hết sức hoang mang, nếu các “hố tử thần” này xuất hiện nhiều sẽ gây tai nạn cho người đi đường. Đại biểu mong muốn Bộ trưởng nói rõ hơn về phương hướng khắc phục tình trạng trên ở TP HCM.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: Hiện nay, TP HCM xuất hiện nhiều “hố tử thần” là do sự xuống cấp của hệ thống cấp thoát nước ngầm, triều cường diễn ra liên tục tại TP đã khiến cho một số công trình thoát nước bị hư hỏng. Bên cạnh đó, một số người dân, đơn vị thi công chưa có ý thức bảo vệ đường sá, đào đường thiếu tính khoa học.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, hiện nay, Bộ GTVT không làm chủ đầu tư, đảm nhận một công trình nào ở nội đô thành phố mà chỉ đảm nhận những công trình lớn như Quốc lộ 50, đường cao tốc Sài Gòn-Long Thành-Dầu Giây… Việc quản lý công trình nội đô TP HCM là do các đơn vị đầu tư tại thành phố phải chịu trách nhiệm.

Một vụ tai nạn giao thông

Bộ GTVT chỉ có trách nhiệm trong việc đảm bảo kết cấu an toàn giao thông đường tại thành phố. Vì vậy, Bộ sẽ làm việc với Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan để phân cấp rõ trách nhiệm trong quản lý kết cấu an toàn giao thông cũng như cử đoàn công tác vào TP HCM để giám sát, kiểm tra hệ thống an toàn giao thông mặt đường.

Giải phóng mặt bằng chậm khiến công trình giao thông không kịp tiến độ

Đại biểu Lê Bội Lĩnh (đoàn An Giang) yêu cầu Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết nguyên nhân vì sao lại có nhiều công trình giao thông chậm tiến độ so với thời gian đề ra.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Nguyên nhân khiến cho các dự án, công trình giao thông chậm so với tiến độ đề ra là do quá trình đấu thầu, chọn nhà thầu chưa được khẩn trương, thời gian còn kéo dài. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của nhà thầu còn có hạn đã kéo theo các dự án bị chậm theo. Ngoài ra, nguyên nhân chính khiến cho việc triển khai thực hiện dự án giao thông chậm so với tiến độ đề ra là do công tác giải phóng mặt bằng chậm.

Đại biểu Lê Bội Lĩnh thắc mắc về việc Quốc lộ 91 là tuyến giao thông huyết mạch của Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hiện nay, Quốc lộ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, gây nên ách tắc giao thông. Biện pháp của Bộ GTVT đối với việc nâng cấp Quốc lộ này?

Trước hiện tượng xuống cấp của Quốc lộ 91, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Nguyên nhân dẫn đến Quốc lộ 91 bị xuống cấp, sạt lở không phải do chất lượng của con đường mà là do sự biến động của dòng chảy kênh rạch, các con sông ở Đồng bằng sông Cửu Long nên đã khoét thành hố sâu dọc quanh Quốc lộ. 

Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị giao thông kiểm tra, xử lý sạt lở tại Quốc lộ 91. Tuy nhiên, việc xử lý này chỉ là tạm thời, tình thế chứ chưa triệt để. Để cải tạo nâng cấp Quốc lộ này, Bộ GTVT đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và địa phương đưa ra biện pháp xử lý sạt lở. Trước tiên, Bộ GTVT sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu sự biến động dòng chảy của các con sông để đề ra phương án cụ thể.

(Theo VOV)