BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kiện toàn Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, xã mới sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính 

Cập nhật ngày: 21/02/2020 - 09:18

BTNO - Ngày 20.2, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo hướng dẫn việc kiện toàn Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021.

Tại điểm cầu Tây Ninh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham dự.

Theo dự thảo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc sắp xếp, thành lập UB.MTTQ cấp huyện, cấp xã phải được thực hiện đồng bộ với việc sắp xếp, sáp nhập của đơn vị hành chính cùng cấp.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Cụ thể, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp hiệp y thống nhất với cấp ủy Đảng ở cấp thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam mới (trên cơ sở sáp nhập của các đơn vị cùng cấp) để quyết định thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam lâm thời. Lập và chỉ định danh sách Ủy viên Ủy ban và Ban Thường trực của Ủy ban MTTQ Việt Nam, đồng thời quyết định giải thể Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, xã thuộc diện phải sáp nhập đơn vị hành chính.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, xã lâm thời gồm các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập. Nhân sự, số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã mới sau khi thành lập không vượt quá số lượng theo quy định tại Thông tri số 28/TT-MTTW- BTT ngày 06/02/2018 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX. Đối với các đơn vị đặc thù do các xã sáp nhập có nhiều ấp; huyện sáp nhập có nhiều đơn vị cấp xã thì được phép tăng thêm số lượng Ủy viên Ủy ban nhưng không vượt quá 30% so với quy định của Thông tri 28.

Cũng theo hướng dẫn, sau khi sáp nhập, các tổ chức thành viên ở những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới thì các tổ chức thành viên mới đó sẽ là thành viên của MTTQ Việt Nam; đồng thời hiệp thương người đứng đầu của tổ chức thành viên đó tham gia Ủy ban MTTQ cùng cấp; đối với những tổ chức thành viên mà không sáp nhập sau khi sáp nhập đơn vị hành chính thì đương nhiên là thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp.

Về số lượng Ủy viên Ban Thường trực của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã mới, cấp huyện gồm Chủ tịch, từ 1 đến 2 Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực; cấp xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực. Số lượng, nhân sự cụ thể do Ban Thường vụ cấp tỉnh chỉ đạo cấp ủy địa phương phân công, sắp xếp, quyết định.

Đối với việc tổ chức Đại hội MTTQ cấp huyện, cấp xã ở các đơn vị hành chính mới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp thống nhất với cấp ủy Đảng của đơn vị hành chính mới chỉ đạo tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam để hiệp thương cử Ủy ban và các chức danh trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ khóa mới.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp phối hợp cùng cấp ủy ở cấp thành lập đơn vị hành chính mới, căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để quy định thời hạn tổ chức Đại hội nhưng không quá 3 tháng kể từ khi Ủy ban lâm thời được thành lập. Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, sau khi sáp nhập lại mà giữ nguyên tên thì việc tính khóa của Đại hội sẽ tiếp tục kế thừa; nếu đơn vị hành chính thay đổi tên thì việc tính khóa Đại hội sẽ bắt đầu tính là Khóa I, (nhiệm kỳ… ).

Tại hội nghị, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã cùng thảo luận, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn vướng mắc của địa phương, một số địa phương băn khoăn, có những nơi 4 xã nhập thành 1, nếu quy định số lượng cứng đối với Ủy viên Ban Thường trực của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã mới thì khó bảo đảm thực hiện nhiệm vụ vận động, tập hợp nhân dân. Đồng thời, cần xem xét, đối với những trường hợp trong diện dôi dư do việc sáp nhập cũng như những trường hợp có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi theo quy định... thì cần được bố trí công việc phù hợp, giải quyết chế độ, chính sách.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị Ban Soạn thảo cần tiếp tục chỉnh sửa để khi Hướng dẫn được ban hành sẽ phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương và đảm bảo điều kiện cho Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã sau khi sáp nhập hoạt động hiệu quả, đảm bảo nhân sự để triển khai các chương trình hành động của Mặt trận tới địa bàn khu dân cư.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng lưu ý Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố cần căn cứ văn bản của cấp ủy cùng cấp và các văn bản liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã, các quy định về công tác cán bộ của địa phương và hướng dẫn sắp tới của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để xây dựng hướng dẫn chi tiết việc thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam của đơn vị hành chính mới.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh cũng cần phối hợp cấp ủy cấp huyện, xem xét bố trí công việc phù hợp, giải quyết chế độ, chính sách đối với những đồng chí trong diện dôi dư do việc sáp nhập và những đồng chí có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi theo quy định của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và các quy định hiện hành.

MTTQ