BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kiến trúc đình Gia Lộc

Cập nhật ngày: 19/07/2011 - 09:56

5 nóc đình Gia Lộc.

Đình Gia Lộc từng được biết đến qua bài viết “Không gian xanh ôm lấy đình làng” (Báo Tây Ninh số ra ngày 8.6.2011) viết về cây rừng trong khuôn viên đình Gia Lộc. Có quan niệm cho rằng chính ngôi đình trung này đã lưu giữ “hồn rừng”. Tác giả Huỳnh Minh từng chép trong sách “Tây Ninh xưa” rằng: “Cây cối chung quanh đình, nếu có kẻ nào ngang nhiên đến đốn, lập tức bị cảnh cáo ngay, bằng cách khiến cho họ kẹt cứng lưỡi cưa, lưỡi búa không thể nào cốt ngả cây cho được. Do đó, họ phải vỡ mật kinh hồn… từ đó về sau, không còn một ai dám nghinh ngang xâm phạm…”.

Ngoại trừ yếu tố huyền thoại kể trên, hoặc giá trị nổi bật của môi trường sinh thái, thì ngay ở kiến trúc đình Gia Lộc cũng đã có nhiều nét đặc sắc, mà các ngôi đình khác, kể cả những di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia cũng ít có ngôi nào sánh được. Như ở mặt tiền đình. Có thể nói đấy là một mặt tiền nhẹ nhõm và thanh thoát, do đã được kế thừa những đường nét mới của kiến trúc phương Tây thời thuộc địa mà đặc trưng là những vòm cong bán nguyệt, rất gần gũi với lối kiến trúc những công trình trăm năm trên đất Sài Gòn xưa như Trường THPT Lê Hồng Phong hoặc chợ Bến Thành. Dù vậy, hình ảnh mặt tiền ấy vẫn gần gũi thân quen với người dân Nam bộ, bởi 5 lớp mái ngói ống rêu phong thấp thoáng men xanh diềm mái. Trong đó, ba lớp mái đứng cách nhau một khoảng đều gợi lên một cổng tam quan. Hai lớp còn lại thấp hơn, liên kết toàn bộ vào một chỉnh thể thống nhất. Gian chính được nhấn mạnh thêm bằng một lớp mái “chồng diêm”. Tất cả cho thấy một tổ hợp chính, phụ rõ ràng theo quan niệm Nho gia với thứ bậc quân, thần phân biệt. Mà cái cấu trúc tạo nên mặt tiền này cũng thật gọn gàng. Nó chỉ gồm hàng trụ cột mặt trước, với những công - xon đưa ra sau, trước đỡ các lớp mái xoè rộng ra bốn phía.

Về mặt quy mô, có thể đình Gia Lộc còn thua kém đình Hiệp Ninh về diện tích nhưng với lối cấu trúc liên tục hai lớp tiền đình và chính đình đã cho một không gian thờ chính rộng hơn, để người ta có thể bày biện rất nhiều bàn thờ: Tiền hiền, Hậu hiền, Tả ban, Hữu ban… cũng như bàn thờ của ba tôn giáo: Phật giáo, Công giáo và Cao Đài giáo. Cái không gian ấy chạy suốt 5 gian đình với 7 nhịp nhà, có kích thước rộng dài là 17,6 x 24,8 mét, tức là hơn 400m2, luôn cho ta một cảm giác sâu rộng hơn nhờ sự cộng hưởng của 24 cây cột gỗ tròn bóng lưỡng có thể soi gương, cùng những ánh son vàng trên các ngai thờ lung linh đèn nến.

Khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi viết bài “Đình Gia Lộc” trong sách “Tây Ninh xưa”, ông Huỳnh Minh đã như thốt lên: “Đình cổ kính năm nóc khang trang lộng lẫy. Những cột đình làm bằng cây danh mộc!”. Thì hôm nay (rằm tháng 3 âm lịch năm Tân Mão, 2011) vẫn còn nguyên với 5 nóc đình xưa. Lần lượt từ trước ra sau là các lớp nhà (mỗi lớp là một nóc nhà riêng biệt, lợp ngói móc, riêng lớp đầu tiên lợp ngói ống) như sau: lớp mặt tiền, lớp tiền đình, lớp chính đình, lớp hậu đình và lớp nhà phụ sau cùng làm bếp nấu và nơi sửa soạn các món đồ ăn dâng cúng. Tiền đình và chính đình gồm toàn những cột to đường kính 35-40cm, là danh mộc và thường xuyên được chăm lo bởi các thế hệ hậu duệ Thành hoàng và Ban Hội đình nên cột nào cột nấy đều nguyên vẹn và được sơn phủ thêm màu véc-ni đen bóng. Ngay cả ở ba hàng, 12 cây cột của gian hậu đình thôi, cũng còn đáng kính nể nữa là! Nhất là khi nền đình đã được thay bằng gạch men bóng, để những hàng cột đen huyền như được cao thêm bởi cái bóng của chính mình.

Lễ cúng kỳ yên đình Gia Lộc.

Đình Gia Lộc xứng đáng là một trong những danh lam, cổ tự trên đất Tây Ninh. Chỉ còn một nỗi phân vân: cả sách của Huỳnh Minh, lẫn tư liệu Bảo tàng cũng chưa xác định rõ được tuổi tác đình Gia Lộc. Ông Huỳnh Minh cũng chỉ nói chung chung rằng “ngôi đình đã có trên một thế kỷ nay”; và thêm một chi tiết năm 1948 đình bị đốt mà không cháy. Tuy nhiên, nếu so sánh với đình Hiệp Ninh (1901) về mặt kiến trúc thì ngôi đình Gia Lộc có phong cách mới mẻ hơn. Và ngay cả mái ngói, thì ngôi đình Hiệp Ninh cũng được lợp từ ngói âm dương- loại ngói xa xưa nhất thường thấy trong kiến trúc đình chùa miếu miền Nam. Vậy chỉ có thể dự đoán rằng ngôi đình Gia Lộc, dù có thể đã có từ thế kỷ 19, nhưng được xây dựng đàng hoàng to tát như ngày nay ta thấy, chắc phải là từ những năm đầu thế kỷ 20, khi mà kiến trúc đã chịu ảnh hưởng ít nhiều từ kiến trúc Pháp thời thuộc địa.

TRẦN VŨ

 

 


 
Liên kết hữu ích