BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kinh phí công đoàn cần minh bạch, rõ ràng

Cập nhật ngày: 05/10/2011 - 11:35

Nâng cao vị thế công đoàn để bảo vệ quyền lợi của công nhân

Chiều 5.10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cho ý kiến về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án luật này, Uỷ ban Pháp luật tán thành phải sửa đổi Luật Công đoàn từ năm 1990 cũng như quan điểm chỉ đạo xây dựng luật nêu trong Tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, Uỷ ban Pháp luật cho rằng, dự thảo luật cần thể hiện rõ hơn các quan điểm của Đảng về đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn “để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc của của công nhân tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người sử dụng lao động”, lấy việc “xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội làm mục tiêu hoạt động”.

Uỷ ban Pháp luật cũng cho rằng về cơ bản, nội dung của dự án luật đã bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, một số quy định tại dự thảo luật còn nhắc đến những vấn đề đã quy định tại Hiến pháp và các luật khác. Một số quy định của dự thảo luật còn chưa phù hợp với pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, giữa dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cùng trình Quốc hội cho ý kiến còn nhiều quy định chưa được 2 cơ quan soạn thảo thống nhất.

Về địa lý pháp lý của công đoàn, Uỷ ban Pháp luật nhận thấy, quy định của dự thảo luật tại Điều 1 cũng như Điều 11 còn lẫn lộn giữa tổ chức với chức năng công đoàn, hơn nữa chưa xác định đúng vị trí pháp lý của tổ chức công đoàn theo quy định tại Điều 10 của Hiến pháp năm 1992.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, đội ngũ công nhân không thuần túy là người làm công ăn lương mà trong đó có một bộ phận vừa làm công ăn lương vừa là chủ doanh nghiệp (cổ đông trong doanh nghiệp cổ phần). Vì vậy, Luật nên xác định mục tiêu bảo vệ người lao động tập trung vào khu vực nào (công lập và ngoài công lập) hay nhóm người lao động quyền lợi dễ bị tổn thương.

Đa số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quan điểm của Uỷ ban Pháp luật về địa vị pháp lý của công đoàn. Đóng góp ý kiến về vấn này, đại biểu Trương Thị Mai và nhiều đại biểu khác nhấn mạnh chức năng của công đoàn trong sự hội nhập là chức năng đại diện cho người lao động để đại diện cho quan hệ lao động.

Khẳng định vai trò của công đoàn trong đời sống xã hội, đại biểu Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc một số câu chữ cần phải cẩn trọng, còn chưa hợp lý về mặt pháp lý.

Góp ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, địa vị pháp lý không phải tự nhiên mà có. Luật đưa ra yêu cầu phải xác lập được vai trò, vị trí của công đoàn trong điều kiện cơ chế thị trường, trong đó xác lập vai trò của Đảng.

Về quyền và trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ lợi ích của người lao động, Uỷ ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu quy định tại khoản 7 Điều 12 của dự thảo luật; giữa Điều 1, Điều 11 khoản 7 Điều 12.

Đại biểu Uỷ ban Thường vụ Quốc  hội có ý  kiến, người lao động tham gia công đoàn được quyền lợi, trách nhiệm gì thì trong luật quy định chưa rõ trong khi quyền của tổ chức công đoàn lại rất nổi.

Ngoài ra, Uỷ ban Pháp luật đề nghị làm rõ tính khả thi của quy định quyền và trách nhiệm của công đoàn trong việc “Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định pháp luật”.

Thực tế cho thấy, chưa có một cuộc đình công nào do công đoàn đứng ra tổ chức, hầu hết các cuộc đình công là tự phát. Các ý kiến đề nghị làm rõ nguyên nhân của tình trạng này để từ đó tìm ra giải pháp hữu hiệu để quy định có tính khả thi.

Về cơ chế bảo vệ quyền lợi cán bộ công đoàn, theo các đại biểu cần cân nhắc kỹ. Theo Uỷ ban pháp luật việc ký, gia hạn, chấm dứt các hợp đồng lao động là quyền của người lao động và sử dụng lao động. Việc quy định này là trái với quy định của Bộ luật Lao động. Mặt khác, nếu đặt trong tổng thể các mối quan hệ lao động khác cũng không thống nhất.

Giải trình về quy định này, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nêu một thực tế hiện nay, cán bộ công đoàn cơ sở thường được ký hợp đồng ngắn (1-2 năm), khi được tín nhiệm vào ban chấp hành cơ sở, hoạt động bảo vệ quyền lợi người lao động thường bị chủ tìm lý do chuyển đi làm việc khác cho đến khi chấm dứt hợp đồng. Vì thế quy định trên nhằm ràng buộc để bảo đảm quyền lao động của cán bộ công đoàn cơ sở.

Tán thành quy định định về tài chính công đoàn của dự thảo luật nhưng các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lý giải kinh phí công đoàn đóng bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động, đặc biệt là phương thức quản lý cần có sự minh bạch phải quy định rõ trong luật.

Trước đây, ở nước ta chủ yếu doanh nghiệp nhà nước nhưng hiện nay cơ chế thị trường có yếu tố nước ngoài thì vấn đề này cần phải thận trọng, phải tính toán cho phù hợp để đảm bảo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác. Vì hiện nay kinh phí này doanh nghiệp nước ngoài chỉ thu 1%.

(Theo VOV)