Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sau hơn 2 giờ được các bác sĩ trên đảo Đá Lớn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) tận tình cứu chữa, sức khỏe ngư dân Khoa đã hồi phục và trở về tàu cá KH 96345TS tiếp tục mưu sinh.
Trước đó, tối 25.10, Tàu KH 96345 TS đưa ngư dân Trần Ngọc Khoa vào đảo Đá Lớn cấp cứu. Anh Khoa bị giảm áp sau 10 giờ lặn liên tục dưới biển để khai thác hải sản.
Ngư dân Trần Ngọc Khoa, sinh năm 1983, trú tại xã Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Anh Khoa làm việc trên tàu cá KH 96345TS, do ông Lê Quang Suốt làm chủ tàu.
Bác sĩ đảo Đá Lớn cấp cứu ngư dân Khoa- Ảnh Đức Chiến
Qua thăm khám, bác sĩ tại đảo Đá Lớn kết luận: ngư dân Khoa bị tụt huyết áp, khó tiếp xúc, da niêm mạc tím nhợt, khó thở; chân tay co cứng, toàn thân đau mỏi khó cử động, đau tức mắt; mạch nhanh, nhỏ, khó bắt.
Kíp y, bác sĩ đã dùng thuốc trợ sức, cải thiện tuần hoàn cho bệnh nhân Khoa. Sau hơn 2 giờ cấp cứu, bệnh nhân đã tỉnh táo, bác sĩ đảo Đá Lớn cấp thuốc và đưa bệnh nhân trở về tàu khai thác hải sản.
Thông tin cho ngư dân lặn trên biển
Giảm áp được xem là một căn bệnh cấp tính, nguy hiểm, thường gặp ở ngư dân hoặc thợ lặn. Bệnh nhân có thể bị nạn khi đối đầu với cá dữ, bị đá đè, thiếu hụt khí thở… khi đang lao động dưới nước. Giảm áp có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng tàn phế suốt đời.
Bệnh xuất hiện do nạn nhân lặn xuống quá sâu nhưng lại ngoi lên quá nhanh gây ra biến đổi đột ngột về sự hoà tan khí trong máu. Hậu quả của tình trạng trên hình thành các bóng khí trong máu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng nạn nhân.
Bệnh nhân bị giảm áp nhẹ thường có biểu hiện ngứa da và đau khớp ngay sau khi lên bờ; các ban xuất huyết trên da nổi vằn tím đỏ rất điển hình và dễ phát hiện; khớp đau thường là đau ở khớp cổ tay, khuỷu, gối, háng, cổ chân làm suy giảm vận động, gia tăng căng thẳng, lo âu.
Những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người, liệt hai chi dưới; có thể chảy máu phổi, nhồi máu cơ tim, sốc và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Hoa Bàng Vuông