Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản, tạo đà cho sản phẩm vươn xa

Kỳ 1: Chuyển biến từ nhận thức 

Cập nhật ngày: 20/03/2021 - 02:14

BTN - Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, nâng cao giá trị hàng hoá đang được các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm. Từ thực tiễn đó, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm là yêu cầu cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thu hoạch dưa lưới. Ảnh: Lê Văn Hải

Tư duy mới

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tây Ninh là tỉnh có lợi thế và tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp, toàn tỉnh có hơn 4.739 ha cây ăn trái; riêng trong năm 2020 nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi khoảng 1.670 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái như bưởi, xoài, nhãn, sầu riêng…

Những năm gần đây, tỉnh thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung vào chuỗi giá trị liên kết giữa hộ nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tạo tính bền vững cho sản phẩm nông nghiệp.

Thay đổi tư duy trong sản xuất là điều kiện tất yếu trong trồng trọt hiện nay. Thời gian qua, nhiều nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong trồng trọt như xây dựng nhà màng, nhà lưới, xử lý ra trái nghịch vụ, sản xuất rải vụ, bao trái ngừa sâu bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt... góp phần tăng năng suất cây trồng.

Tại xã Phan, huyện Dương Minh Châu, anh Nguyễn Thanh Hoàng gắn bó với cây xoài tứ quý hơn 15 năm vì năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao. Ðể đáp ứng yêu cầu của thị trường, năm 2020, anh Hoàng cho “mắc mùng” toàn bộ 3 công xoài của gia đình, đồng thời đầu tư hệ thống tưới nước tự động và hạn chế đến 80% thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất.

“Người tiêu dùng hiện nay rất chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, do đó, tôi quyết định làm nhà lưới để trồng xoài. Tuy mẫu mã của trái xoài không đẹp mắt nhưng bảo đảm an toàn. Ðầu năm 2021, tôi mở cửa vườn xoài cho khách trong và ngoài tỉnh tham quan, được du khách hoan nghênh”- anh Hoàng chia sẻ.

Gắn bó với nghề trồng hoa màu từ lâu, nhưng mới đây, anh Ngô Văn Quảng (ngụ ấp Chánh, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu), thành viên HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Gò Dầu quyết định phá bỏ diện tích trồng hoa màu, đầu tư trên 500 triệu đồng xây dựng hơn 2.000m2 nhà màng để trồng dưa lưới.

Anh Quảng cho biết, những năm gần đây, giá cả hoa màu bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thương lái, có vụ thu hoạch xong, tổng kết chi phí lại thì lỗ. Anh Quảng quyết định chuyển sang trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao theo định hướng của HTX. Anh Quảng từng bước cải thiện quy trình sản xuất để bảo đảm chất lượng, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất, hướng tới đăng ký sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc và vùng trồng cho sản phẩm dưa lưới.

Thu hoạch dưa lưới. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông

Thành công bước đầu

Việc nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chăn nuôi bước đầu có kết quả khả quan về giá trị kinh tế và thương hiệu của nông sản tỉnh nhà. Ðơn cử như mô hình trồng dưa lưới của anh Quảng, sau một năm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiện gia đình anh Quảng có thể làm được 4 vụ dưa lưới mỗi năm. Toàn bộ sản phẩm dưa lưới được thương lái đến tận vườn thu mua, bảo đảm chất lượng, an toàn.

Tại HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh (xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu), từ năm 2019, HTX này đã thực hiện các thủ tục để đăng ký nhãn hiệu ổi ruột đỏ, khô cá lóc, măng chua điền trúc… từng bước nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như nuôi trồng cá lóc, hoa màu theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt nhằm tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Ðể thực hiện được điều này, thời gian qua, thành viên của HTX đã thay đổi phương thức sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, chuyên canh cây trồng, vật nuôi. Bà Lâm Thị Có- Phó Giám đốc HTX Phước Ninh cho biết, đơn vị đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hoa màu (rau muống, rau cải, húng quế…) và cá lóc đen, cá diêu hồng cho cửa hàng Bách Hoá Xanh với số lượng lớn.

Ông Trần Trung Kiên- Tổ trưởng Tổ hợp tác na, mãng cầu Suối Ðá (huyện Dương Minh Châu) cho biết, thời gian qua, sản phẩm trái mãng cầu ta của tổ hợp tác trồng theo tiêu chuẩn VietGAP được nhiều người tin tưởng, đón nhận. Muốn xây dựng được thương hiệu mãng cầu Suối Ðá, theo ông Kiên, người sản xuất phải xoá bỏ tư duy làm theo kinh nghiệm, theo phương pháp thủ công và chuyển sang sản xuất theo quy trình có kiểm tra, giám sát, sử dụng các loại máy móc, thiết bị hỗ trợ, từ đó tạo sự tin tưởng của người dân đối với sản phẩm trái mãng cầu của tổ hợp tác.

Thành viên HTX Phước Ninh chuẩn bị nông sản để cung cấp cho cửa hàng Bách Hoá Xanh Tây Ninh.

Thời gian qua, Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với các địa phương hướng dẫn tổ chức, cá nhân làm hồ sơ, biểu mẫu trong việc xây dựng và bảo hộ các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Nhiều tổ chức, cá nhân được cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý như mãng cầu Bà Ðen, muối tôm Tây Ninh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, xoài tứ quý Thạnh Bắc, nhãn Hoà Thành, bánh kẹp dừa Út Hồng… và hàng trăm doanh nghiệp được tư vấn, hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Có thể khẳng định, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản giúp nâng cao giá trị kinh tế, tăng sức cạnh tranh, tạo dựng uy tín đối với người tiêu dùng, từng bước tạo đà cho sản xuất phát triển, vươn xa.

Vũ Nguyệt

(còn tiếp)