Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý đảng viên vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng đảng viên bị khai trừ, bị xoá tên, đưa ra khỏi Đảng có chiều hướng gia tăng.
2 chiến sĩ trẻ tiêu biểu được kết nạp vào Đảng tại “mặt trận” phòng, chống dịch Covid-19.
Điều quan trọng nhất vẫn là lý tưởng, ý chí phấn đấu
So với nhiệm kỳ 2010-2015, giai đoạn 2015-2020, toàn Đảng bộ tỉnh có 424 đảng viên bị xoá tên (tăng 37%) và 238 đảng viên xin ra khỏi Đảng (tăng 98%).
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tình hình đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng (xoá tên, xin ra) trong nhiệm kỳ 2015-2020 có xu hướng gia tăng theo từng năm. Người bị đưa ra khỏi Đảng hầu hết có tuổi đời từ 18 đến 40 tuổi (chiếm 72%); thành phần chủ yếu là người làm thuê, lao động tự do, buôn bán, nông dân, vệ sĩ, nội trợ và chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an… (chiếm 78%).
Nơi đảng viên bỏ sinh hoạt chủ yếu là ở các chi bộ ấp, khu phố (chiếm 86,42%). Về trình độ, có 444/662 đảng viên bị xoá tên, đưa ra khỏi Đảng chưa qua đào tạo hoặc có trình độ sơ cấp về chuyên môn, nghiệp vụ và 614/662 chưa qua đào tạo về chính trị. Đảng viên bị xoá tên do tự ý bỏ sinh hoạt Đảng chiếm 89%, đảng viên xin ra khỏi Đảng do hoàn cảnh gia đình khó khăn chiếm 72% và theo vợ hoặc chồng ra nước ngoài định cư lâu dài, tự nguyện làm đơn xin ra khỏi Đảng theo quy định chiếm 27%.
Trong giai đoạn này, Đảng bộ Thành phố có 134 đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng. Trong số 78 đảng viên bị xoá tên, có 75 người bỏ sinh hoạt. Ngoài ra, có 1 đảng viên tự ý trả thẻ đảng viên và 2 đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không hoàn thành nhiệm vụ đảng viên.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đảng viên bị xoá tên hoặc xin ra khỏi Đảng: hoàn cảnh gia đình, sức khoẻ… nhưng điều quan trọng nhất vẫn là lý tưởng, ý chí phấn đấu của đảng viên đó. Bên cạnh việc bồi dưỡng, tuyên truyền của tổ chức Đảng, bản thân đảng viên phải tự rèn luyện, mài giũa, nuôi dưỡng lý tưởng. Ngược lại, một khi đảng viên đã không còn thiết tha, không còn tính Đảng thì rất khó vận động, thay đổi”- ông Dương Nguyễn Nhật Linh- Phó trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ nhận định.
Toàn huyện Gò Dầu có 48 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện uỷ, 155 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở với hơn 3.000 đảng viên. Những năm qua, địa phương có nhiều giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng.
Theo ông Nguyễn Văn Thiệu- Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ, ngày 20.4.2016, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã triển khai Đề án 03-ĐA/HU về giải pháp quản lý, giáo dục, phân công công tác cho đảng viên là bộ đội xuất ngũ về địa phương. Sau đó, ngày 17.5.2018, Huyện uỷ tiếp tục ban hành Kế hoạch số 70/KH-HU về giải pháp kéo giảm tỷ lệ đảng viên bị xử lý kỷ luật, xoá tên, xin ra khỏi Đảng trên địa bàn huyện.
Qua triển khai, quán triệt các đề án, kế hoạch, các cấp uỷ Đảng, cán bộ, đảng viên tiếp tục nâng cao nhận thức, không ngừng đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ, giải pháp. Tuy nhiên, đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng trên địa bàn huyện còn chiếm tỷ lệ cao, có xu hướng tăng dần theo từng năm. Tính trong nhiệm kỳ 2015-2020, Gò Dầu có 116 đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng. Trong đó có nhiều trường hợp bỏ sinh hoạt.
“Huyện uỷ đã chỉ đạo các cơ sở Đảng không được cứng nhắc mà phải “mềm hoá” trong sinh hoạt ở chi bộ. Các chi bộ tạo điều kiện để những đảng viên làm việc trong các công ty theo những ca khác nhau có thể tham gia sinh hoạt. Tổ chức sinh hoạt vào thứ bảy, chủ nhật hoặc vào buổi tối; nhưng nhiều trường hợp vẫn không cố gắng thu xếp sinh hoạt nên đành phải xoá tên”- ông Nguyễn Văn Thiệu- Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ nói.
Tìm nguyên nhân để kéo giảm
Trước thực trạng trên, một trong những nguyên nhân đầu tiên được Tỉnh uỷ chỉ ra, đó là do công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên ở một số nơi còn thiếu thường xuyên, chưa toàn diện. Trong sinh hoạt chi bộ thường kỳ, đa số ít sinh hoạt chuyên đề quản lý đảng viên để tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế tình trạng đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt Đảng hoặc xin ra khỏi Đảng.
Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên cũng được đặt ra. Một số tổ chức chính trị xã hội lựa chọn, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng chưa bảo đảm về chất lượng; việc gọi đảng viên nhập ngũ, công tác kết nạp Đảng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian tại ngũ ở quân đội, công an còn chạy theo chỉ tiêu.
Công tác tổ chức, sinh hoạt Đảng chưa nghiêm, chưa thực chất; công tác quản lý đảng viên, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên chưa chặt chẽ… Việc thực hiện cơ chế chính sách đối với đảng viên là nguyên nhân chính.
Địa phương chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực nông thôn, đảng viên là hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an. Đặc biệt, đảng viên bị tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí, phai nhạt lý tưởng, không còn thiết tha với Đảng.
Ngày 19.9.2021, Tỉnh uỷ ban hành Đề án 03 về kéo giảm tình trạng đảng viên bị xoá tên và xin ra khỏi Đảng trong Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 với mục tiêu: cấp tỉnh phấn đấu đến năm 2025 kéo giảm ít nhất 50% số đảng viên bị xoá tên và xin ra khỏi Đảng so với nhiệm kỳ 2015-2020.
Tỉnh uỷ đặt ra chỉ tiêu cụ thể đối với từng Đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ: Thành phố giảm 66 đảng viên; Gò Dầu giảm 54 đảng viên; Châu Thành giảm 32 đảng viên; Trảng Bàng giảm 31 đảng viên; Dương Minh Châu giảm 26 đảng viên; Tân Biên giảm 26 đảng viên; Hoà Thành giảm 40 đảng viên; Tân Châu giảm 26 đảng viên; Bến Cầu giảm 21 đảng viên; Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh giảm 8 đảng viên; Bộ đội Biên phòng giảm 1 đảng viên.
Ngọc Diêu
(còn tiếp)