BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh- 47 năm vượt đau thương phát triển kinh tế - xã hội

Kỳ 1: Đất thép nở hoa 

Cập nhật ngày: 30/04/2022 - 23:35

BTNO - Trải qua những năm tháng chiến tranh, Tây Ninh bị tàn phá nặng nề. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, nỗ lực không ngừng để khôi phục kinh tế, xây dựng quê hương. Ngày nay, vùng đất chiến khu năm xưa đã thay đổi mạnh mẽ, khắp nơi đều mang dấu ấn của sự phát triển, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.

Những ngày tháng không quên

47 năm sống trong hoà bình, tuy tuổi đã cao, song những kỷ niệm hào hùng về hành trình chống Mỹ cứu nước vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những người lính giải phóng năm xưa. 

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Huỳnh Văn Đèo- hội viên Hội Cựu chiến binh xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu vào những ngày tháng tư lịch sử. Ông Đèo tâm sự: năm 1962, tròn 15 tuổi, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Quân đoàn 3. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, dù phải đối mặt với mưa bom, bão đạn của kẻ thù nhưng ông và đồng đội không hề nao núng hay sợ hãi, bởi tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” luôn rực cháy. Với sự dũng cảm, mưu trí và lòng yêu nước, ông cùng đơn vị giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần thắng lợi vào cuộc chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Ông Đèo chia sẻ: “Tròn 15 tuổi tôi xung phong ra chiến trường. Với người lính lúc bấy giờ, không màng đến sống chết, chỉ nghĩ rằng thanh niên lên đường giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là nghĩa vụ rất cao cả. Tôi và các đồng đội luôn tâm niệm phải sống, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, giành lại hoà bình, độc lập cho dân tộc”.

Mặc bộ quân phục màu xanh người lính, khuôn mặt ông Đèo đã nhăn nheo, đen sạm đi phần nhiều không chỉ vì tuổi tác mà còn bởi những năm tháng xông pha nơi chiến trường đầy ác liệt. Những Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương kháng chiến hạng Nhì được ông lưu giữ cẩn thận trong những chiếc hộp. 

Vừa mở từng chiếc hộp, ông Đèo vừa tâm sự: “Trong một trận cùng đồng đội chống địch càn quét, tôi bị thương và mất sức khoẻ, năm 1979 tôi xuất ngũ trở về quê ngoại tại xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu. Dù xuất ngũ, tôi luôn nghĩ phải giữ phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, tích cực cùng địa phương khắc phục hậu quả của chiến tranh, phát triển kinh tế xã hội”.

Có lẽ vì thế mà người lính 75 tuổi đời, 50 tuổi Đảng luôn sống có trách nhiệm với gia đình, địa phương, con cháu ngoan hiền, thành đạt, được mọi người xung quanh kính trọng. Ông cũng tích cực tham gia vào các hoạt động ở địa phương như tự nguyện hiến đất làm đường, vận động người dân đóng góp làm đường giao thông; tham gia vào ban hoà giải; tích cực tham gia công tác an sinh xã hội. 

Bình minh trên hồ Dầu Tiếng.

Đất thép nở hoa

Hoà bình trên quê hương đã 47 năm. Hôm nay về lại chiến khu xưa, nhiều người thật khó nhận ra mảnh đất một thời hoang tàn vì bom cày, đạn xới do chiến tranh nay đã thay da, đổi thịt và ngày càng phát triển.

Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, vùng đất của huyện căn cứ Dương Minh Châu trở thành “thủ đô” kháng chiến, tập trung các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Tại đây, Xứ uỷ Nam bộ (sau đó là Trung ương Cục miền Nam), Bộ tư lệnh Nam bộ, Bộ chỉ huy Phân liên khu miền Đông, Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đứng chân để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chiến khu Dương Minh Châu còn là nơi thành lập hoặc dừng chân của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực Miền như Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Trung đoàn 311, Trung đoàn 16, trung đoàn 304... Đồng thời chiến khu cũng là vùng đất khốc liệt hứng chịu nhiều đau thương, mất mát bởi các trận càn và đạn bom chiến tranh.

Người dân Dương Minh Châu yêu nước, một lòng theo Đảng, vừa xây dựng căn cứ, vừa sản xuất, chiến đấu, đào phá đường, chống giặc. Những cái tên như đội thiếu niên diệt Mỹ xã Cầu Khởi, đội thiếu niên diệt Mỹ xã Bến Củi, đội du kích xã Chà Là (ngày đó mang tên anh hùng Phạm Văn Cội), Đại đội C31, những địa danh Suối Ông Hùng, Bàu Gòn, Bàu Trẹt, Bàu Tre, Bàu Sen, Đồng Rùm,Tà Dơ, rồi những căn cứ trên núi Bà Đen như Suối Môn của xã Phan, Suối Già Nai của xã Suối Đá… gắn liền với những chiến công vang dội, là niềm tự hào về một thời “Gian lao mà anh dũng” của quân và dân Dương Minh Châu không chỉ trong quá khứ, trong hiện tại mà cả trong tương lai.

47 năm sau ngày đất nước giải phóng, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, các xã, thị trấn của huyện Dương Minh Châu đã có sự chuyển mình vượt bậc. Năm 2015, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu  được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, trường học... được đầu tư đồng bộ, đời sống của người dân ngày một phát triển. Đến nay, xã không còn hộ nghèo, người dân trên địa bàn xã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Ông Nguyễn Văn Cường - Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Phước An, xã Phước Ninh cho biết: Trước đây, bà con ở đây sống bằng nghề làm nông, chủ yếu trồng lúa, mì, thu nhập không ổn định.

Trong quá trình phát triển, địa phương quyết định chuyển đổi cây trồng, bà con cũng mạnh dạn chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, mít, xoài, bưởi, góp phần tăng thu nhập.

Bà Lâm Thị Có - Giám đốc hợp tác xã (HTX) Sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh cho biết: “Những năm đầu mới thành lập, việc tìm đầu ra cũng như nguồn nguyên liệu đầu vào để hỗ trợ thành viên HTX thực sự là một bài toán khó.

Lúc đó, có sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, Đảng uỷ, UBND huyện Dương Minh Châu, xã Phước Ninh, với quyết tâm xây dựng HTX phát triển ổn định, chúng tôi đã tìm được đầu ra ổn định cho nông sản”.

47 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, từ những trận địa, chiến hào trên mảnh đất Tây Ninh anh hùng ngày nào, nay căng tràn màu xanh của ruộng vườn, cây trái. 

Người nông dân đã biết làm giàu ngay từ mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Nhà cửa khang trang, to đẹp mọc lên ngày càng nhiều. Truyền thống lịch sử anh hùng đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho người dân xây dựng cuộc sống mới ngày càng phồn vinh, góp phần phát triển quê hương Tây Ninh giàu đẹp.  

Vũ Nguyệt

(còn nữa)