Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hoà giải ở cơ sở góp phần quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự; duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định tình hình an ninh trật tự (ANTT), nâng cao ý thức chấp hành, hạn chế đơn thư khiếu kiện.
Phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân.
Tỷ lệ hoà giải thành cao
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác hoà giải, coi đây là một trong những yếu tố bảo đảm cho phát triển kinh tế, ổn định tình hình xã hội. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm: “Cải cách tư pháp phải kế thừa truyền thống pháp lý dân tộc, những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đồng thời cũng đề ra nhiệm vụ “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài…”. Đặc biệt, ngày 20.6.2013, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Hoà giải ở cơ sở, đây là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần làm cho công tác hoà giải ở cơ sở phát huy được hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp ở cơ sở.
Toàn tỉnh hiện có 513 tổ hoà giải với 3.688 hoà giải viên. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các tổ hoà giải ở cơ sở thụ lý 168 vụ tranh chấp, đã đưa ra hoà giải 156 vụ. Trong đó có 137 vụ hoà giải thành; 19 vụ hoà giải không thành hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; 12 vụ đang tiến hành hoà giải.
Bà Đào Thị Anh Tuyết- Phó Trưởng Phòng Xây dựng và Phổ biến pháp luật, Sở Tư pháp cho biết, tỷ lệ hoà giải thành ở cơ sở trong 6 tháng đầu năm 2022 tại địa phương khá cao, cho thấy các cấp, ngành đặc biệt quan tâm công tác hoà giải ở cơ sở.
Để nâng cao hiệu quả công tác này, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) các cấp có văn bản chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho công tác hoà giải ở cơ sở. Đặc biệt, quan tâm bố trí đủ nguồn kinh phí chi thù lao vụ, việc hòa giải cho hoà giải viên; huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho công tác hoà giải ở cơ sở.
Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, tiếp tục kiện toàn đội ngũ tập huấn viên ở 2 cấp tỉnh và huyện (gồm 4 tập huấn viên cấp tỉnh, 44 tập huấn viên cấp huyện), tăng cường thực hiện chỉ đạo điểm việc thực hiện Đề án tại 8 phường, xã (gồm xã Thạnh Tân và Bình Minh - TP. Tây Ninh, xã Trường Hoà và phường Hiệp Tân - thị xã Hoà Thành, xã Thanh Phước và Phước Thạnh - huyện Gò Dầu, xã Tân Hội và Tân Thành - huyện Tân Châu).
Ngoài ra, Sở Tư pháp phối hợp UBND huyện Châu Thành tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên và hòa giải viên. Sở Tư pháp cử 2 tập huấn viên cấp tỉnh tham dự hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hoà giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức; biên soạn và phát hành bài giảng điện tử nghiệp vụ công tác hoà giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên và hoà giải viên trên toàn tỉnh.
“Sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật là hết sức cần thiết, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm thực hiện tốt các mặt công tác này, trong đó cần phát huy vai trò của cơ quan chuyên môn và cơ quan Tư pháp các cấp trong việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai toàn diện các mặt công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật” - Phó trưởng Phòng Xây dựng và Phổ biến pháp luật chia sẻ.
Nhiều cách làm hay
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các tổ hòa giải của xã An Bình (huyện Châu Thành) đã tiếp nhận và hoà giải thành 4 đơn, chủ yếu là tranh chấp đất đai, mâu thuẫn lối xóm… Toàn xã có 4 tổ hoà giải với 26 hòa giải viên. Các tổ hoà giải được cơ cấu đầy đủ thành phần như trưởng ấp, trưởng ban Mặt trận, thành viên Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… Đây là những người có uy tín, đủ năng lực và hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm sống, thái độ công tâm, khách quan vì lợi ích cộng đồng và tích cực, trách nhiệm trong công tác hoà giải.
Theo một lãnh đạo xã An Bình, thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với MTTQ cùng cấp tổ chức phổ biến sâu rộng Luật Hoà giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho đội ngũ hoà giải viên và người dân.
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở để hiểu rõ mục đích, ý nghĩa to lớn, thiết thực của công tác này nhằm hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến phức tạp, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, củng cố, nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở gắn với triển khai thực hiện đề án Năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022.
Các đội tham gia phần thi tự giới thiệu trong hội thi hoà giải viên giỏi cấp tỉnh lần thứ IV năm 2022 do Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức.
Xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu) có 10 tổ hoà giải, với 55 hoà giải viên, đa phần là những người có uy tín, kinh nghiệm, có khả năng vận động, thuyết phục, tương đối am hiểu pháp luật trong cộng đồng dân cư. UBND xã luôn tạo điều kiện cho hòa giải viên tham gia các lớp tập huấn do huyện tổ chức, nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ.
Ông Võ Đông Sơ- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Đức cho biết, để công tác hoà giải ở cơ sở đạt hiệu quả cao, UBND xã đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tế tại địa bàn cơ sở. Chẳng hạn như xây dựng mô hình hoà giải ở cơ sở có sự liên kết giữa tổ hoà giải và hội viên Hội Luật gia cơ sở để hướng dẫn việc áp dụng pháp luật; phân tích hậu quả pháp lý bất lợi nếu các bên không lựa chọn việc hoà giải mà chọn khiếu nại, tố cáo hay khởi kiện. Gắn hoạt động hoà giải ở cơ sở với phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Đối với vụ việc tranh chấp đột xuất sẽ chủ động hoà giải ngay, không cần mở cuộc hoà giải.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” gắn với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương. Tăng cường hiệu quả hoạt động, phát huy tính chủ động, sáng tạo của bộ phận Tư pháp trong việc đề xuất, tham mưu UBND xã cùng cấp quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở.
Thực hiện tốt cơ chế phối hợp quản lý nhà nước về hoà giải ở cơ sở theo hướng dẫn tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18.11.2014 của Chính phủ và Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hoà giải ở cơ sở; đẩy mạnh lồng ghép việc thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động do MTTQ phát động; kết hợp chặt chẽ công tác hoà giải ở cơ sở với hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
“Nhờ thực hiện tốt công tác hoà giải ở cơ sở mà số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn xã hạn chế nhiều. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xã đã nhận và giải quyết thành công 2 đơn, chủ yếu về tranh chấp đất đai, dân sự” - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Đức chia sẻ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước tiếp nhận hơn 60.100 vụ việc hoà giải, trung bình tỷ lệ hoà giải thành đạt 74,4%, góp phần quan trọng trong ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành cao như Vĩnh Long 94,8%; Bến Tre - 92,7%; Long An 91,2%; Tây Ninh 87,8%…).
Thiên Di