Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện ông Phó Giám đốc bị buộc thôi việc !
Kỳ 1: Khi viên chức Nhà nước “hợp tác” với doanh nghiệp tư nhân.
Chủ nhật: 07:09 ngày 15/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tháng 10.2016, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ra quyết định kỷ luật ông Đặng Thanh Việt– lúc đó đang là Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) với hình thức buộc thôi việc. Lý do ra quyết định kỷ luật buộc ông Việt thôi việc dựa trên cơ sở kết quả xác minh đơn tố cáo viên chức này có hành vi giả mạo chữ ký, làm giả hồ sơ để chuyển đổi giấy phép kinh doanh, chiếm giữ hồ sơ pháp lý công ty, có dấu hiệu lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Đỗ Thị Xuân Hồng.

Văn phòng đại diện Công ty Việt Dương tại TP Tây Ninh (ảnh chụp lúc 9 giờ 30 ngày 13.1.2017).

Được biết, cũng xuất phát từ đơn tố cáo của bà Hồng, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tây Ninh đã tiến hành xác minh và có văn bản thông báo đến Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) về hành vi giả mạo chữ ký để Sở KH&ĐT xử lý theo quy định.

 “RAO MỜI” ĐỐI TÁC GÓP VỐN 70 TỶ ĐỒNG

Theo đơn tố cáo và bản tường trình gửi các cơ quan chức năng tỉnh, năm 2013, bà Đỗ Thị Xuân Hồng (ngụ ấp Hoá Nhựt, xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) là Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân thức ăn chăn nuôi Thành Lợi (Bình Dương), năm 2013, công ty của bà mở rộng phân xưởng sản xuất viên gỗ nén (dùng làm chất đốt lò hơi, lò nhiệt điện). Muốn tiêu thụ, xuất khẩu được sản phẩm này, nguyên liệu sản xuất phải là gỗ khai thác từ rừng trồng.

Vào tháng 4.2014, ông Việt cùng ông Ngô Tấn Đức đến văn phòng doanh nghiệp Thành Lợi mời bà Hồng tham gia góp vốn vào Công ty TNHH Việt Dương để cùng thực hiện dự án trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng. Lúc này, ông Việt đưa cho bà Hồng xem quyết định giao đất của UBND tỉnh và công văn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thống nhất chủ trương cho Công ty Việt Dương tiếp tục trồng rừng bán ngập với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà).

Để thực hiện dự án trồng rừng trên diện tích 3.460 ha cần có vốn 100 tỷ đồng, trong khi Công ty Việt Dương chỉ có 30 tỷ đồng, nên cần có đối tác góp vốn thêm 70 tỷ đồng nữa. Thấy dự án phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nên bà Hồng đồng ý góp vốn 70% (tương đương 70 tỷ đồng) với điều kiện bà phải là người trực tiếp điều hành dự án. Quá trình tiến hành các bước tiếp theo để hợp tác thực hiện dự án, ông Đức thường xuyên đến doanh nghiệp bà Hồng trao đổi công việc, còn ông Việt trao đổi với bà Hồng qua e-mail, tin nhắn, thi thoảng ông Việt mới đến gặp trực tiếp.

Ngày 10.6.2014, khi tiến hành ký hợp đồng góp vốn, ông Việt đi cùng ông Đặng Thanh Tùng. Ông Việt giới thiệu với bà Hồng, ông Tùng là anh ruột của mình, là Giám đốc Công ty Việt Dương, nhưng hầu hết các giao dịch của công ty đều do ông Việt thực hiện.

Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, hợp đồng góp vốn giữa Công ty Việt Dương (do ông Tùng ký) với bà Hồng vào ngày 10.6.2014 thể hiện Công ty Việt Dương góp 30% (30 tỷ đồng), bà Hồng góp 70% (70 tỷ đồng). Các bên thống nhất sau khi góp vốn, bà Hồng sẽ tham gia vào Công ty Việt Dương (sẽ đổi thành Công ty TNHH hai thành viên Việt Dương) thay ông Tùng làm đại diện pháp luật với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty.

Sau khi thay đổi thành viên công ty, đợt 1 hai bên góp 14% tổng mức vốn góp của dự án. Cụ thể, ông Tùng góp 4,2 tỷ đồng, bà Hồng góp 9,8 tỷ đồng. Sau khi hai bên ký hợp đồng góp vốn, ngày 17.6.2014, Sở KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên trở lên (thay đổi lần thứ 11, được chuyển từ Công ty TNHH MTV Việt Dương) với tên gọi mới là Công ty TNHH Việt Dương TN, trụ sở chính tại số 5/9, ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, điện thoại số 0938287788. Vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó ông Tùng góp 30 tỷ đồng, bà Hồng góp 70 tỷ đồng.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 11 này, bà Hồng là người đại diện theo pháp luật, với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như trên, bà Hồng nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ góp vốn của mình như đã cam kết trong hợp đồng. Tính đến ngày 10.11.2015, bà Hồng đã góp vào công ty 10 tỷ 580 triệu đồng.

Tham gia TRIỂN KHAI DỰ ÁN CỦA DOANH NGHIỆP

Bà Hồng cho biết, quá trình thực hiện dự án, ông Tùng chỉ xuất hiện 4 lần trong hai năm hợp tác. Cụ thể là, ngoài lần tiếp xúc đầu tiên, ông Tùng có mặt khi ký hợp đồng góp vốn, ký biên bản giao nhận tiền góp vốn (2 lần) và chứng kiến bà Hồng ký hợp đồng với Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà. Những phần việc khác trong thời gian còn lại, bà Hồng trao đổi trực tiếp với ông Việt hoặc thông qua ông Đức. Để thực hiện dự án hiệu quả, bà Hồng mời ông Việt đi Thái Lan tìm hiểu cây giống (cây gáo vàng, thường gọi là cây thiên ngân, cây tỷ phú).

Mặc dù trách nhiệm của ông Việt, do Sở TN&MT giao, không liên quan gì đến việc “trồng rừng” nhưng viên chức này lại “có mặt” thường xuyên tại những địa điểm liên quan đến dự án của Công ty Việt Dương. Tại biên bản làm việc với cơ quan có thẩm quyền, bà Hồng cho biết, bà thường xuyên ở Tây Ninh làm việc khoảng 4 – 5 ngày/tuần, nhưng ông Việt không giới thiệu cho bà biết địa chỉ làm việc của Công ty Việt Dương.

Đến đầu tháng 11.2015, bà Hồng mới biết địa chỉ văn phòng làm việc của Công ty Việt Dương. Từ đó, bà Hồng thường xuyên ở văn phòng công ty làm việc, nên mới thấy ông Việt đến văn phòng. Khi bà Hồng đến làm việc với Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà vào ngày 11.11.2015 và ngày 21.11.2015 để ký hợp đồng trồng rừng, ông Việt cũng xuất hiện đi bên cạnh ông Tùng và các nhân viên khác của Công ty Việt Dương.

Ông Huỳnh Tấn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Tân Châu) cho biết, ngày 14.1.2016, khi UBND xã triển khai dự án trồng rừng tại khu đất bán ngập hồ Dầu Tiếng, lúc này ngoài sự có mặt của ông Đoàn Văn Hùng– Chủ tịch UBND xã Suối Dây, còn có sự tham dự của ông Việt, ông Đức, ông Dương Văn Hiền- nhân viên Công ty Việt Dương.

Ông Hiệp cũng cho biết, trước đó, ông Hùng, ông Tùng, ông Việt cũng đến văn phòng làm việc của ông để trao đổi công việc liên quan đến dự án trồng rừng bán ngập của Công ty Việt Dương. Về sự việc ông Việt tham dự cuộc họp triển khai dự án trồng rừng tại xã Tân Thành, ông Lê Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Dây cũng xác nhận, sau khi ông Hùng, đại diện UBND xã Suối Dây tham dự cuộc họp, vài ngày sau ông Việt mang biên bản soạn sẵn cho riêng UBND xã Suối Dây yêu cầu ký xác nhận nhưng lãnh đạo UBND xã Suối Dây không đồng ý ký tên với lý do đã ký tên trong biên bản họp tại UBND xã Tân Thành rồi.

Đơn tố cáo của bà Hồng, công văn của Công an tỉnh và kết luận tố cáo của Sở TN&MT.

Ông Nguyễn Hưng Thái Dương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Châu xác nhận, vào ngày 31.12.2015, ông Đức, ông Hiền đến làm việc với UBND Thị trấn đề nghị hỗ trợ Công ty Việt Dương triển khai dự án trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng. Tiếp đó, ngày 6.1.2016, ông Đức, ông Hiền, ông Nguyễn Anh Thái (Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà) đến làm việc với UBND Thị trấn. Sau đó, lúc 15 giờ ngày 19.1.2016, ông Việt tự giới thiệu là đại diện Công ty Việt Dương, cùng ông Bùi Xuân Đại (Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà) đến làm việc với UBND Thị trấn. Ông Dương cũng cho biết, trước đó vào ngày 25.11.2015, UBND huyện Tân Châu triển khai dự án trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng, ông Việt cũng có tham dự họp nhưng không có phát biểu ý kiến.

Quá trình mới thực hiện dự án, ngoài ông Ngô Tấn Đức thường xuyên được ông Việt giao nhiệm vụ làm việc với bà Hồng, còn có ông Hiền đã nỗ lực tích cực xúc tiến việc thực hiện dự án, đồng thời là người “quản gia” của Văn phòng đại diện Công ty Việt Dương tại số 62, Lê Duẩn, phường 3, thành phố Tây Ninh.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Hiền bức xúc: “Làm việc với ông Việt đã lâu, nhưng thấy ông Việt làm việc không rõ ràng nên tôi đã nghỉ làm”. Khi làm việc với cơ quan chức năng, ông Hiền cho biết, ông là người trông coi, quản lý việc xây dựng trụ sở văn phòng đại diện và sau này cũng là người làm việc thường trực ở văn phòng. Mọi chi phí xây dựng do ông Việt chi trả. Khi có việc, ông Việt mới đến giải quyết, chỉ đạo, giao việc cho ông Hiền rồi đi. Còn ông Tùng chỉ có mặt duy nhất một lần tại văn phòng.

Ông Hiền cho biết, ông làm việc từ tháng 7.2014 đến tháng 3.2015, tiền lương ông Hiền do ông Việt trả trực tiếp bằng tiền mặt (2 triệu đồng/tháng). Theo ông Hiền, lý do ông chấp nhận tiền lương thấp như thế là vì ông Việt hứa hẹn, khi dự án thành công, sẽ “cho” ông Hiền vài chục ha đất dự án để ông sản xuất. Ông Hiền yêu cầu ông Việt viết giấy cam kết nhưng ông Việt không viết. Tháng 3.2015, thấy ông Việt làm việc không rõ ràng, có nhiều khuất tất nên ông Hiền nghỉ việc.

ĐỨC TIẾN

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục