Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện ông Phó Giám đốc bị buộc thôi việc !
Kỳ 2: Bị tố “lật lọng, tráo trở” với các đối tác làm ăn
Thứ hai: 14:27 ngày 16/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Là đảng viên, viên chức Nhà nước, giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (PTQĐ) Tây Ninh, ông Đặng Thanh Việt chẳng những không tận tâm với chức trách, nhiệm vụ được giao, mà còn có những việc làm trái với quy định, đứng phía sau công ty của gia đình để hoạt động kinh doanh.

Điều đáng nói hơn nữa là những việc làm này không trong sáng, có nhiều khuất tất, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, cá nhân, có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần phải được cơ quan chức năng làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh.

Trong số báo kỳ trước, Báo Tây Ninh đã thông tin, trước sự “rao mời” của ông Đặng Thanh Việt về dự án trồng rừng đất bán ngập hồ Dầu Tiếng, thấy phù hợp nhu cầu phát triển sản xuất của công ty, nên bà Đỗ Thị Xuân Hồng (DNTN ở Bình Dương) đã đồng ý góp vốn 70% (tương đương 70 tỷ đồng), để cùng Công ty TNHH Việt Dương TN (Công ty Việt Dương) tiến hành các bước thực hiện dự án. Nhằm chứng minh sự mời gọi hợp tác “làm ăn” của mình là đúng đắn, nghiêm túc, Công ty Việt Dương đã tiến hành các thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp, do đó ngày 17.6.2014, Sở KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH Việt Dương TN là công ty hai thành viên trở lên, trong đó bà Hồng góp 70 tỷ đồng, ông Đặng Thanh Tùng góp 30 tỷ đồng, bà Hồng là người đại diện theo pháp luật, với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty.

Tráo trở tỷ lệ góp vốn, thay đổi tên công ty

Theo tài liệu Báo Tây Ninh thu thập được, ngay sau khi được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với nội dung đúng như những gì hai bên đã trao đổi ban đầu, ngày 21.6.2014, bà Đỗ Thị Xuân Hồng tiến hành góp 800 triệu đồng vào Công ty Việt Dương thông qua tài khoản 06008653… của ông Tùng tại Ngân hàng Sacombank chi nhánh Hóc Môn. Tiếp đến, ngày 16.7.2014, bà Hồng chuyển tiếp vào tài khoản trên số tiền 3 tỷ đồng và được lập biên bản với nội dung bà Hồng thống nhất với ông Tùng số tiền hai lần góp vốn tổng cộng là 3,8 tỷ đồng được sử dụng vào mục đích đầu tư chi phí về đất ban đầu như: khảo sát, đo vẽ theo phương án mà Công ty Việt Dương hợp tác trồng rừng bán ngập với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà) thể hiện trong văn bản thống nhất chủ trương của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Biên bản nêu rõ: “kèm theo biên bản này là uỷ nhiệm chi hoặc giấy chuyển tiền trị giá 3 tỷ đồng”. Thấy công việc tiến triển tốt, bà Hồng tiếp tục việc góp vốn vào công ty với mong muốn dự án tiến triển nhanh chóng và sớm mang lại hiệu quả. Tính đến ngày 6.5.2015, bà Hồng đã góp vốn vào Công ty Việt Dương 10 tỷ đồng, vượt 200 triệu đồng so với yêu cầu góp vốn đợt 1 là 9 tỷ 800 triệu đồng.

Sau đó, ngày 1.11.2015, bà Hồng ký với ông Tùng biên bản thoả thuận hợp tác kinh doanh với nội dung bà đã thanh toán cho ông Tùng để nhận dự án trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng. Bà Hồng được giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty và thanh toán theo phương thức chuyển khoản vào tài khoản số 06008653…. Đến ngày 11.11.2015, bà Hồng đã thanh toán 10 tỷ 380 triệu đồng. Theo biên bản, Công ty Việt Dương giao cho bà Hồng quyền chủ động thực hiện toàn bộ diện tích đất dự án trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng, trực tiếp ký hợp đồng hợp tác trồng rừng với Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà và thay mặt Công ty Việt Dương ký kết hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện dự án trồng rừng theo chủ trương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khi thực hiện dự án, lợi nhuận sẽ được phân chia theo tỷ lệ bà Hồng 85%, ông Tùng 15%.

Trong việc hợp tác làm ăn này, ông Việt giải thích với bà Hồng rằng, ông Tùng là anh ruột, Công ty Việt Dương trước đây là do cha ông Việt thành lập, sau khi mất để lại cho anh em ông, mặc dù theo giấy đăng ký doanh nghiệp lần thứ 10, ông Tùng làm giám đốc nhưng tất cả mọi giao dịch đều do ông Việt quyết định và điều hành. Quá trình hợp tác làm ăn, bà Hồng tin tưởng đối tác nên vẫn để cho ông Tùng giữ con dấu Công ty Việt Dương; vì thế bà hết sức bất ngờ khi Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Tây Ninh cấp giấy đăng ký doanh nghiệp (thay đổi lần thứ 12, ngày 8.1.2015), bỗng nhiên ông Tùng trở thành thành viên góp vốn 70%, làm Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, phía bà Hồng chỉ còn góp vốn 30%, và bà “được làm” giám đốc công ty. Rõ ràng đây là hành vi tráo trở, lật lọng trong việc hợp tác làm ăn mà bà Hồng không thể tưởng tượng ra được.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 29.7.2015, Sở KH&ĐT lại cấp giấy đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 13, lúc này tên Công TNHH Việt Dương TN thành Công ty TNHH Việt Dương Tây Ninh. Tất nhiên với việc “công ty của mình” thay đổi xoành xoạch như thế, bà Hồng gặp không ít khó khăn trong việc hợp tác với Công ty Dầu Tiếng – Phước Hoà để triển khai dự án.

Các chứng từ chuyển tiền vào tài khoản ông Tùng để thực hiện dự án.

Nợ tiền hợp đồng lo thủ tục xin dự án… rồi bỏ trốn

Hợp đồng ký giữa ông Bùi Xuân Đại, Phó Giám đốc Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà và bà Đỗ Thị Xuân Hồng, Giám đốc Công ty Việt Dương vào ngày 21.11.2015 về việc hợp tác trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng thể hiện: Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà giao cho Công ty Việt Dương thực hiện phương án trồng rừng trên diện tích theo quyết định giao đất của UBND tỉnh (3.460 ha) tại vùng lòng hồ Dầu Tiếng khu vực tỉnh Tây Ninh từ cao trình 24,4m trở xuống thuộc địa bàn các xã Tân Hoà, Suối Ngô, Tân Thành, Suối Dây, Tân Hưng, Tân Phú, Thạnh Đông, thị trấn Tân Châu (huyện Tân Châu); xã Suối Đá, Phước Minh (huyện Dương Minh Châu). Thời hạn hợp tác trồng rừng là 50 năm, kể từ tháng 11.2015. Tổng mức đầu tư trồng rừng khoảng 126 tỷ đồng.

Việc Công ty Việt Dương “giành” được dự án trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng hiện nay còn “dính dấp” đến hai nhân vật là ông Nguyễn Văn Tĩnh (sinh năm 1935) và bà Tống Thị Toàn ở tận… tỉnh Thanh Hoá. Ông Tĩnh bức xúc cho biết, ông Đặng Thanh Việt đã “xí gạt” ông, không trả tiền công làm thủ tục xin dự án cho ông cụ tuổi hơn 80 này một cách trắng trợn.

Ông Tĩnh cho biết, vào năm 2013, ông Tĩnh, bà Toàn có ký với Công ty Việt Dương một hợp đồng dịch vụ với nội dung làm các thủ tục xin dự án trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng cho Công ty Việt Dương. Thời điểm ký hợp đồng dịch vụ do ông Đặng Thanh Hùng (một người anh em khác của ông Việt, ông Tùng) làm giám đốc nhưng người thường xuyên liên hệ làm việc với ông xưng tên là “Tuấn”. Lúc đầu trao đổi, “ông Tuấn” nói là Công ty Việt Dương sẽ nhờ một người tên là Ngô Tấn Đức– nhân viên Công ty Việt Dương ra Hà Nội gặp ông Tĩnh. Bởi vì, Tuấn biết ông Tĩnh là người có kinh nghiệm trong việc làm các thủ tục xin dự án. Ông Tĩnh đã nhận hồ sơ từ “ông Tuấn” và thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định để Bộ NN&PTNT chấp thuận chủ trương cho Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà được hợp tác trồng rừng bán ngập với Công ty Việt Dương.

Cũng từ tài liệu Báo thu thập được, hợp đồng dịch vụ giữa ông Tĩnh, bà Toàn và ông Giám đốc Đặng Thanh Hùng ký ngày 6.8.2013 tại tỉnh Thanh Hoá (đóng dấu đỏ của Công ty TNHH MTV Việt Dương), ghi rõ ông Tĩnh, bà Toàn “bằng kiến thức, kinh nghiệm và năng lực của mình, chúng tôi có thể giúp Công ty Việt Dương xúc tiến các thủ tục xin cơ quan cấp Trung ương giao đất cho công ty thực hiện dự án”, với chi phí trọn gói là 5 tỷ đồng.

Thế nhưng, sau khi Bộ NN&PTNT có văn bản thống nhất cho Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà hợp tác trồng rừng bán ngập với Công ty Việt Dương, thì nhân vật “ông Tuấn” tránh mặt, thậm chí không nghe điện thoại của ông Tĩnh. Tức giận vì bị “ông Tuấn xí gạt”, rồi trốn tránh có ý định quỵt tiền công, nên ông Tĩnh và bà Toàn đã phải cất công nhiều lần vào Tây Ninh tìm đến Công ty Việt Dương nhưng chỉ gặp được ông Ngô Tấn Đức và ông Dương Văn Hiền, còn “ông Tuấn” thì mất dạng. Ông Đức, ông Hiền nói rằng “ông Tuấn” đã nghỉ việc. Ông Tĩnh, bà Toàn đề nghị gặp giám đốc Công ty Việt Dương nhưng không được gặp. Hết tiền ăn ở nơi xứ lạ quê người, ông Tĩnh, bà Toàn đành ngậm ngùi quay trở về Thanh Hoá.

Lộ mặt viên chức, chức vụ phó giám đốc

Cuối cùng, sau nhiều lần dò hỏi, ông Tĩnh biết được “ông Tuấn” chính là ông Đặng Thanh Việt, còn ông Hùng ký tên trong hợp đồng dịch vụ với mình là anh ruột của ông Việt. Ông Tĩnh càng phẫn nộ hơn khi biết được ông Việt, người đã xưng tên giả để “xí gạt” mình là một viên chức Nhà nước, thời điểm đó, ông Việt đương chức là Phó Giám đốc Trung tâm PTQĐ. Sau đó, ông Tĩnh vào Tây Ninh đến phòng làm việc của ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở TN & MT kể lại toàn bộ sự việc và yêu cầu ông Xuân gọi ông Việt đến để ông nhận diện. Khi ông Xuân gọi ông Việt đến văn phòng, ông Tĩnh liền mắng cho một trận về hành vi “xí gạt” không trả tiền công làm thủ tục xin dự án cho ông. Lúc này, ông Việt không thể nào chối cãi, phải thừa nhận mình đúng là “ông Tuấn” và giải thích “Tuấn” là tên gọi “từ nhỏ” của ông (?!).

Rời Tây Ninh trở về Thanh Hoá, ông Tĩnh làm đơn tố cáo hành vi “quỵt tiền công lo thủ tục xin dự án” của ông Việt gửi các cơ quan chức năng có liên quan. Ngày 9.3.2016, ông Tĩnh nhận được văn bản của VKSND tỉnh với nội dung: ông Tĩnh “tố cáo ông Đặng Thanh Việt đang công tác tại Trung tâm PTQĐ, chức vụ Phó Giám đốc có hành vi dùng tên giả thực hiện giao dịch qua hợp đồng với ông Tĩnh, bà Toàn sau đó không thanh toán chi phí thực hiện công việc cho ông bà. Qua xem xét nhận thấy đơn tố cáo không thể hiện rõ nội dung vụ việc nên không xác định được cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh cũng làm đơn gửi đến Bộ NN&PTNT phản ánh trường hợp ông Việt, Công ty Việt Dương, Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà. Ngày 21.12.2015, Công ty Dầu - Tiếng Phước Hoà có báo cáo gửi Bộ NN&PTNT khẳng định công ty “không có liên quan tiền bạc” với ông Tĩnh, đề nghị ông Tĩnh liên hệ Công ty Việt Dương để được giải quyết. Sau đó, Thanh tra Bộ NN&PTNT có văn bản gửi ông Tĩnh nêu rõ: “việc ông Tĩnh tố cáo ông Việt có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Cảnh sát Điều tra, còn việc tranh chấp nghĩa vụ dân sự, tiền thù lao, dịch vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án”.

Ngày 31.5.2016, ông Tĩnh nhận được giấy báo tin của TAND tỉnh Tây Ninh cho biết, yêu cầu giải quyết tranh chấp vi phạm nghĩa vụ dân sự thanh toán tiền thù lao, dịch vụ 5 tỷ đồng không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh, vì ông Việt trú tại huyện Châu Thành nên TAND tỉnh chuyển hồ sơ cho TAND huyện Châu Thành. Đối với hành vi tố cáo ông Việt có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, TAND tỉnh cho biết không thuộc thẩm quyền nên đề nghị ông Tĩnh liên hệ với cơ quan Cảnh sát Điều tra có thẩm quyền để được xem xét.

Về phía TAND huyện Châu Thành, ngày 30.6.2016, toà huyện này có văn bản gửi ông Tĩnh cho biết hình thức đơn kiện của ông không đúng quy định, nội dung khởi kiện không xác định rõ ông Tĩnh kiện ông Đặng Thanh Việt hay kiện Công ty Việt Dương.

ĐỨC TIẾN

(Còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục