Đọc báo in
Tải ứng dụng
Kỳ 1: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”
2024-10-05 00:01:48

Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường tranh đấu, bền bỉ lao động, sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời.

Đánh giá về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của ngày tiếp quản Thủ đô 10.10.1954, một tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương đã viết: “Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử.

Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường tranh đấu, bền bỉ lao động, sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10.10.1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước”.

Trang trí đường phố chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô 10.10.1954

Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố trước quốc dân và toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Thế nhưng, nền độc lập non trẻ của nhân dân Việt Nam lại một lần nữa bị đe doạ nghiêm trọng: ngày 23.9.1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Nam bộ và ngày 19.12.1946, cả dân tộc Việt Nam lại bước vào cuộc trường chinh gian khổ chiến đấu vì nền độc tự do của Tổ quốc và danh dự của dân tộc.

Hơn 80 năm đô hộ Việt Nam, thế nhưng khi bị quân đội phát xít Nhật đảo chính, người Pháp không những không “bảo hộ” được người dân Việt Nam mà còn câu kết với quân đội phát xít Nhật để bóc lột dân Việt Nam. Kể từ ngày 9.3.1945, phát xít Nhật đảo chính người Pháp ở Đông Dương, vì vậy, chúng ta lấy lại đất nước ta từ tay phát xít Nhật chứ không phải thực dân Pháp. Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khẳng định điều chân lý hiển nhiên ấy: “Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật. Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng. Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ. Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Đội thanh niên hành quân tiếp quản Thủ đô tại vị trí nay là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Sau ngày tuyên bố độc lập, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc vào ngày 6.1.1946 để bầu ra Nghị viện Nhân dân (Quốc hội) bao gồm đại biểu khắp Bắc Trung Nam. Thế nhưng, người Pháp vẫn chưa từ bỏ dã tâm quay trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa. Ngày 23.9.1945, tiếng súng kháng chiến ở Nam bộ vang lên. Để cứu vãn nền hoà bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tiếp ký với người Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946 và Tạm ước ngày 14.9.1946.

Thế nhưng tất cả những nhân nhượng của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã không được đáp lại. Người Pháp đã gây hấn, bắt bớ, tước vũ khí của các lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tại Hội nghị Đà Lạt từ ngày 19.4 đến ngày 11.5.1946, khi Phó đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Võ Nguyên Giáp đóng sập cánh cửa giận dữ bước ra khỏi phòng họp đã báo hiệu mây đen bao phủ trên bầu trời quan hệ Pháp - Việt.

Hành động đóng sầm cánh cửa của Võ Nguyên Giáp cũng là tuyên bố dứt khoát từ phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, rằng hai bên sẽ phải dùng tới súng đạn để nói chuyện với nhau. Khi Hồ Chủ tịch đang trên đường sang Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp thì chính những người Pháp thực dân ở Việt Nam đã “đẻ” ra cái gọi là Nam Kỳ Quốc. Âm mưu chia rẽ người Việt, chia rẽ nước Việt Nam đã hoàn toàn bộc lộ không giấu giếm.

Nhân dân chào đón đoàn quân về tiếp quản trên phố Hàng Đào, ngày 10.10.1954

Đêm 19.12.1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả dân tộc Việt Nam bước vào một cuộc chiến đấu mới với quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng ấy, cả dân tộc Việt Nam lại bước vào những tháng ngày gian khổ chống quân thù xâm lược.

Ngày 19.9.1954, trên đường về lại Thủ đô Hà Nội sau 9 năm xa cách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân tại Đền Hùng. Tại đây, Người đã có buổi nói chuyện với các chiến sĩ xuất sắc thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong tại sân Đền Giếng thuộc quần thể Đền Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Hồng Phúc

(Còn tiếp)

Tin liên quan