Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy
Kỳ 1: Nhà nước quản lý dân cư trên môi trường điện tử
Thứ sáu: 19:52 ngày 17/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bỏ sổ hộ khẩu giấy, thay vào đó là cách thức quản lý mới trên môi trường điện tử như sổ hộ khẩu điện tử sẽ tạo ra nhiều tiện ích trong thực hiện các TTHC, giao dịch dân sự.

Từ ngày 1.1.2023, sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng trong các giao dịch, thủ tục hành chính.

Từ ngày 1.1.2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đã không còn giá trị sử dụng trong các giao dịch, thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định tại Điều 38, Luật Cư trú. Người dân cần cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và khẩn trương làm CCCD gắn chip điện tử để bảo đảm quyền lợi, tạo thuận lợi khi thực hiện các TTHC có liên quan đến sổ hộ khẩu.

Sổ hộ khẩu ra đời vào tháng 6.1964 và trải qua nhiều lần bổ sung, điều chỉnh. Đến tháng 11.2014, Quốc hội khoá XIII ban hành Luật Căn cước công dân, là tiền đề cho công cụ quản lý dân cư điện tử thay cho sổ hộ khẩu. Đến tháng 11.2020, Quốc hội khoá XIV thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), chính thức bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1.1.2023.

Thay vì quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, Nhà nước sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân trên môi trường điện tử, bỏ hình thức quản lý thông tin cư trú bằng sổ giấy để chuyển sang quản lý hoàn toàn bằng phần mềm công nghệ thông tin hiện đại. 

Các quy định về khai báo thông tin cư trú không thay đổi, người dân vẫn cần làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú như trước đây. Theo đó, khi đi đăng ký thường trú, tạm trú, người dân sẽ được cập nhật thông tin lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú thay vì sổ giấy.

Đến thời điểm này, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã số hoá được gần 100 triệu công dân Việt Nam và đã cấp mã định danh cho toàn bộ người dân Việt Nam. Bộ Công an đã cấp được 78 triệu CCCD có gắn chip cho người dân.

Đây là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. Hệ thống định danh và xác thực điện tử cũng được hoàn thiện, làm căn cứ quan trọng cho việc loại bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong các giao dịch giữa cơ quan quản lý Nhà nước và người dân.

Quét mã QR để truy cập bộ thủ tục hành chính.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy, thay vào đó là cách thức quản lý mới trên môi trường điện tử như sổ hộ khẩu điện tử sẽ tạo ra nhiều tiện ích trong thực hiện các TTHC, giao dịch dân sự. Trong lĩnh vực đăng ký cư trú, công dân có thể nộp hồ sơ đăng ký cư trú trên cổng dịch vụ công trực tuyến mà không cần phải trực tiếp tới cơ quan đăng ký cư trú.

Trước đây, để đăng ký thường trú tại nơi mới, công dân phải thực hiện 3 thủ tục gồm cắt giấy chuyển hộ khẩu, đăng ký thường trú mới và xoá đăng ký thường trú thì hiện nay chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký thường trú. Công dân có thể nhận kết quả giải quyết đăng ký cư trú bằng nhiều hình thức khác nhau như e-mail, SMS, cổng dịch vụ công…

Việc sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư thông qua cập nhật, kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ mang lại những lợi ích thiết thực trong việc đơn giản hoá TTHC, giảm giấy tờ, chi phí. Nếu như trước đây, công dân có nhu cầu giải quyết TTHC phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, thẻ CCCD, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe...

Hiện nay, mọi người không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực, chỉ mang theo thẻ CCCD gắn chip hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Việc kết nối, chia sẻ những thông tin cơ bản về công dân (họ, chữ đệm và tên, ngày sinh, nơi sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú…) và thông qua việc sử dụng số định danh cá nhân sẽ giúp cho các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành có thể sử dụng và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để Luật Cư trú năm 2020 thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21.12.2022 liên quan đến việc cải cách hành chính, bỏ sổ hộ khẩu giấy. 

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định có liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công đã điều chỉnh nhiều lĩnh vực như: giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở… nêu rõ, từ ngày 1.1.2023, thông tin có trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ được khai thác qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng 7 phương thức.

Sử dụng thông tin công dân thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện TTHC, giao dịch dân sự sẽ thông qua sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú; sử dụng thiết bị đọc mã QR trên thẻ CCCD có gắn chip; sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD; người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện các TTHC, giao dịch dân sự; sử dụng ứng dụng VneID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ việc giải quyết TTHC, giao dịch dân sự; sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú; sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người dân tìm hiểu về các thủ tục hành chính.

Đại diện Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết, theo quy định tại Điều 14, Nghị định 104/2022/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. 

Thông tin về cư trú của công dân tại thời điểm làm thủ tục được cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết, ghi nhận và lưu giữ trong hồ sơ TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh.

Trong trường hợp người dân chưa có thẻ CCCD gắn chip sẽ sử dụng các giấy tờ khác để thay thế như giấy xác định nơi cư trú của công dân, giấy thông báo số định danh cá nhân. 

Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức này, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú. 

Việc yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú được nêu cụ thể trong quyết định công bố TTHC của bộ, cơ quan, địa phương hoặc các văn bản thông báo dịch vụ của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Khi quản lý dân cư trên môi trường điện tử, người dân sẽ được cập nhật, khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết các TTHC sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các loại giấy tờ, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. 

Thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nguồn để cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân.

Bà Trần Thị Hạnh, ngụ phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành cho biết: “Tôi thấy Nhà nước bỏ sổ hộ khẩu giấy rất hợp lý, thuận tiện cho người dân. Hồi trước muốn làm bất cứ thủ tục gì, bà con phải mang theo nhiều loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy chứng minh… vừa bất tiện mà cũng dễ thất lạc”.

“Sổ hộ khẩu giấy đã theo gia đình tôi rất nhiều năm nhưng giờ Nhà nước cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho dân thì bà con rất mừng. Giờ nghe nói đi làm thủ tục hành chính chỉ cần mang theo CCCD có gắn chip là xong nên người dân cũng rất mong đợi”- ông Nguyễn Thanh Hùng, ngụ phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh phấn khởi nói.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, hướng tới phát triển chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, mô hình phổ biến của nhiều quốc gia hiện nay. Việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy và thực hiện quản lý cư trú trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Tổng nhân khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh: 1.332.064

Nhân khẩu thường trú trong độ tuổi cấp CCCD: 1.092.184

Tính đến ngày 6.2.2023, cơ quan chức năng đã tổ chức cấp CCCD cho 1.174.337 trường hợp; trả thẻ CCCD cho 1.016.867 trường hợp và cấp định danh cho 196.772 trường hợp.

Phương Thảo

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục