Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Có được những thành công ấy là nhờ trong những thời khắc quan trọng của lịch sử, Đảng đã đề ra những quyết sách phù hợp, đáp ứng mong mỏi và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3.2.1930. Trong 95 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập, thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập quốc tế với nhiều thành quả lớn lao.
Có được những thành công ấy là nhờ trong những thời khắc quan trọng của lịch sử, Đảng đã đề ra những quyết sách phù hợp, đáp ứng mong mỏi và lợi ích chính đáng của nhân dân. Kết quả ấy đã được Đảng đúc kết lại trong các bài học trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Tranh vẽ “Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì cuộc họp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3.2.1930”.
Ngày 1.9.1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan. Ngày 3.9.1939, Anh, Pháp tuyên chiến với Đức, Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Phát xít Đức lần lượt đánh chiếm các nước châu Âu. Tháng 6.1940, Đức tấn công Pháp, Chính phủ Pháp đầu hàng. Tháng 6.1941, Đức tấn công Liên Xô. Từ đây, tính chất chiến tranh thay đổi, Liên Xô trở thành trụ cột của các lực lượng chống phát xít.
Ngày 22.9.1940, phát xít Nhật đánh chiếm Lạng Sơn. Ngày 23.9.1940, tại Hà Nội, thực dân Pháp ký hiệp định đầu hàng phát xít Nhật. Từ đó, nhân dân ta chịu cảnh một cổ hai tròng, mâu thuẫn giữa dân tộc ta với bọn thực dân, phát xít Pháp - Nhật trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp các Hội nghị Trung ương 6, 7 và 8. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 8 của Đảng (tháng 5.1941) quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam. Tại hội nghị này, Đảng đã quyết nghị đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu do đánh giá và xác định đúng mâu thuẫn đòi hỏi phải giải quyết cấp bách khi ấy là mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân, phát xít Pháp - Nhật. Hội nghị Trung ương 8 cũng quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, để đoàn kết, tập hợp các lực lượng cách mạng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chính yếu là giải phóng dân tộc. Hội nghị xác định cần chuẩn bị mọi mặt và xúc tiến khởi nghĩa vũ trang, xem đây là nhiệm vụ trung tâm trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, xây dựng căn cứ địa cách mạng, duy trì lực lượng vũ trang, thành lập các đội du kích… Đường lối do Hội nghị Trung ương 8 thông qua thay đổi căn bản so với mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng mà Đảng Cộng sản Đông Dương trước đó đã đề ra. Đối với sự thay đổi chiến lược quan trọng này, Giáo sư Trần Văn Giàu đã đánh giá, đó là sự chuyển hướng đường lối cách mạng Việt Nam quay về hướng dân tộc chủ nghĩa đã bắt đầu từ khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Sự chuyển hướng này bao gồm cả chiến lược, chiến thuật và tổ chức đấu tranh. Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Văn Giàu, sự chuyển hướng chỉ thật sự rõ kể từ khi Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương 8 và quyết định thành lập Mặt tận Việt Minh thì “mới thật có một bước ngoặt đầy đủ của đường lối. Từ nay tất cả các hoạt động đều nhằm vào một mục tiêu chính: giành độc lập dân tộc, rút khẩu hiệu cách mạng điền địa, và rút tất cả những gì có thể gây trở ngại cho sự tập hợp các lực lượng dân tộc. Không tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương mà lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); không tổ chức công hội mà tổ chức công nhân cứu quốc, không tổ chức nông hội mà tổ chức nông dân cứu quốc; đó không phải chỉ là đổi tên; từ nay các cuộc đấu tranh kinh tế, xã hội đều phải kể đến lợi ích dân tộc tối cao, phải điều chỉnh chừng mực thế nào để vừa quyền lợi giai cấp của công nông được bênh vực, vừa quyền lợi của tư sản dân tộc và của thân sĩ, địa chủ yêu nước cũng không phải bị thiệt thòi cho phép họ gia nhập hàng ngũ giải phóng dân tộc của Việt Minh. Không đặt nhiệm vụ lập chính phủ công nông như trước, mà lập chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà (1)”. Những quyết sách đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của toàn dân ấy đã thúc đẩy mạnh mẽ cao trào giải phóng dân tộc để Việt Nam đã giành lại được đất nước sau hơn 80 năm bị ngoại xâm đô hộ.
Ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách- đó là nạn đói, nạn dốt, ngân quỹ trống rỗng, nền độc lập chưa được các nước công nhận...; thù trong, giặc ngoài, Hồ Chủ tịch cùng Chính phủ và Trung ương Đảng ta đã kịp thời đề ra những quyết sách đúng đắn: diệt giặc dốt, giặc đói; huy động tổng thể sức mạnh của nhân dân chống xâm lược. Ngày 6.1.1946, trước họng súng của quân thù, cử tri cả nước đã tham gia bầu cử Quốc hội khoá đầu tiên và sau đó là sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định đầy đủ cơ sở pháp lý của chính quyền dân chủ nhân dân. Những quyết sách đúng đắn đó đã bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức bước vào giai đoạn cách mạng mới với kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.
Năm 1959, trước tình hình phong trào cách mạng miền Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) đã ra Nghị quyết về con đường tiến lên của cách mạng miền Nam. Đây được xem là một nghị quyết đặc biệt quan trọng, tháo gỡ những bế tắc của con đường cách mạng miền Nam, đề ra hướng đi phù hợp cho con đường cách mạng ở miền Nam. Nghị quyết đã thúc đẩy phong trào cách mạng chuyển từ thế thụ động sang thế chủ động tấn công, tạo nên bước tiến nhảy vọt cho cách mạng miền Nam. Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960 đã đề ra đường lối thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở 2 miền Nam - Bắc của Đảng: “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hoà bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; đồng thời, đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới(2)”. Đại hội cũng đã hoạch định nhiệm vụ chiến lược: “Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại có 2 nhiệm vụ chiến lược: Một là, tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc. Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện hoà bình, thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước(3)”. Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra mục tiêu chiến lược: “Nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc và cách mạng ở miền Nam thuộc 2 chiến lược khác nhau, mỗi nhiệm vụ nhằm giải quyết yêu cầu cụ thể của mỗi miền trong hoàn cảnh đất nước tạm bị chia cắt. 2 nhiệm vụ đó lại nhằm giải quyết mâu thuẫn chung của cả nước giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng, thực hiện mục tiêu chung trước mắt là hoà bình và thống nhất Tổ quốc(4)”. Những quyết sách đúng đắn này chính là những định hướng chỉ đường để dân tộc Việt Nam tiến hành chiến tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vào 30.4.1975.
Sau năm 1975, cơ chế quản lý kinh tế bộc lộ những bất cập, quan hệ sản xuất có dấu hiệu của sự khủng hoảng. Một số lĩnh vực bộc lộ những khó khăn, yếu kém. Từ năm 1979, tổng sản phẩm xã hội, thu nhập quốc dân đều giảm. Tính chung lại, trong kế hoạch 1976 - 1980, bình quân một năm tổng sản phẩm xã hội chỉ tăng 1,4%, thu nhập quốc dân tăng 0,4%. Trong khi đó dân số tăng với tốc độ bình quân 2,24%. Năm 1980, kết thúc kế hoạch 5 năm nhưng tất cả 15 chỉ tiêu chủ yếu đều không đạt kế hoạch, thậm chí một số sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp quan trọng bình quân đầu người không giữ được mức của năm 1976. Trước những tình hình khó khăn ấy, cộng với những sai lầm trong lưu thông hàng hoá “ngăn sông, cấm chợ” đã dẫn tới lạm phát tăng phi mã, đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn, đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội.
Trước tình hình khó khăn của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định điều chỉnh một số nhiệm vụ lãnh đạo, đặt cơ sở cho quá trình đổi mới đất nước. Ngày 13.1.1981, Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị 100-CT/TW “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” chính thức quyết định chủ trương thực hiện chế độ khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động (thường gọi là Khoán 100). Đây chính là chỉ thị mở màn cho đổi mới toàn diện trong nông nghiệp để sau đó, ngày 5.4.1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW “về đổi mới quản lý nông nghiệp” (thường gọi là Khoán 10). Sau đó, gần như tất cả các hội nghị Trung ương của khoá VI đều là những hội nghị của đổi mới với việc mỗi hội nghị lại có những chủ trương mới về đổi mới. Đặc biệt, những quyết sách về đổi mới toàn diện đất nước được thông qua tại Đại hội VI của Đảng đặt nền móng cho sự đổi mới toàn diện đất nước. Những thành quả mà đất nước đạt được hôm nay có nguyên nhân từ những quyết sách đặc biệt từ Đại hội VI của Đảng năm 1986.
HỒNG PHÚC
(còn tiếp)
(1) GS Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh - Chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 24-25
(2)http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-iii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-iii-1453
(3)http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-iii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-iii-1453
(4)http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-iii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-iii-1453