Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỳ 1: Những tư tưởng chính yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết
Thứ hai: 16:25 ngày 02/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể khẳng định rằng, đại đoàn kết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh bởi Người thấu hiểu rằng đoàn kết thì thắng mà chia rẽ thì chết.

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh tư liệu)

Trong bài nói chuyện tại hội nghị đại biểu Mặt trận Liên - Việt toàn quốc ngày 10.1.1955, Người giải thích: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây”. 

Tư tưởng về đại đoàn kết tiếp tục được Hồ Chí Minh cụ thể hoá trong các cụm từ như: “đại đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết dân tộc”, “toàn dân tộc ta đoàn kết”. Tuy cách diễn đạt có thể khác nhau, nhưng nội hàm của các khái niệm trên đều thống nhất khi khẳng định lực lượng của khối đại đoàn kết là của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy, những nội dung cốt lõi trong nội dung đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đoàn kết mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài, đoàn kết tôn giáo vì mục tiêu chung là vì lợi ích cao nhất của Tổ quốc và nhân dân.

Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước Việt Nam bị người Pháp đô hộ. Khi ở tuổi thiếu thời, Người đã chứng kiến các cuộc khởi nghĩa, các phong trào yêu nước nổ ra nhưng cuối cùng đều thất bại. Một trong những nguyên nhân thất bại của các phong trào yêu nước chính là các phong trào ấy đã không quy tụ và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc.

Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, dù rất kính trọng và trân trọng các bậc tiền bối, các sĩ phu yêu nước nhưng Người không muốn đi theo con đường của các vị. Có hai chí sĩ yêu nước nổi tiếng đầu thế kỷ XX đều có mối quan hệ thân thiết với gia đình Người, đó là cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh. Khi ấy, cả hai cụ đều muốn Nguyễn Tất Thành đi theo con đường của mình.

Khi ở Pháp, Nguyễn Tất Thành rất thân thiết với bác Phan Chu Trinh của mình, Người đã cùng với cụ và luật sư Phan Văn Trường gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị Versaille ngày 18.6.1919. Thế nhưng cuối cùng chính Nguyễn Tất Thành cũng đã không tán thành đường lối của cụ Phan Chu Trinh.

Đối với Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng có “ý nghĩa chiến lược cơ bản, nhất quán và xuyên suốt” tiến trình cách mạng Việt Nam. Theo Người, muốn cách mạng thành công thì phải tập hợp được sức mạnh vĩ đại của các tầng lớp nhân dân, cần có những phương pháp tập hợp lực lượng phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng khác nhau, với từng đối tượng khác nhau.

Ngay sau khi về lãnh đạo cách mạng sau 30 năm ở nước ngoài, ngày 1.2.1942, Người đã viết bài “Nên học sử ta” đăng trên báo “Việt Nam độc lập”, trong đó có đoạn: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây - Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do”.

Trong “Lời kêu gọi” trong buổi lễ mừng Quốc khánh 2.9.1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của đại đoàn kết: “… Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân ta từ Bắc đến Nam đấu tranh để thực hiện hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”.

Ngày 19.4.1946, trong “Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số Miền Nam” tại Pleiku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tất cả các dân tộc ở Việt Nam đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Sở dĩ trước kia các dân tộc xa cách nhau vì thiếu dây liên lạc và vì có kẻ chia rẽ.

Ngày nay nước Việt Nam là của chung tất cả mọi người: “Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non…”. Tư tưởng này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại rất nhiều lần, trong nhiều bài viết, bài nói khác nhau.

Ngày 30.5.1946, nói chuyện với đồng bào Hà Nội trong cuộc mít tinh tiễn Người đi thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách của chính quyền Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã một lần nữa khẳng định lại tư tưởng nhất quán này và nhấn mạnh việc nước là việc chung nên “mỗi một người con Rồng cháu Tiên, bất kỳ già, trẻ, gái, trai, giàu nghèo, quý tiện đều phải gánh một phần”.

Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng với những tư duy mới, đặc sắc về đoàn kết, Người còn là một nhà thực hành lớn. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ nét trong “Sách lược vắn tắt”, “Chương trình tóm tắt của Đảng”.

Khi về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp tất cả các giới đồng bào không phân biệt chính kiến, dân tộc, tôn giáo… miễn là đều có chung mục đích đánh đuổi thực dân, phát xít xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Bằng tư tưởng và đường lối đại đoàn kết dân tộc đúng đắn, các tầng lớp nhân dân đã gạt bỏ những bất đồng, dị biệt để cùng mưu cầu lợi ích tối cao cho dân tộc. Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng vĩ đại của toàn dân bởi đã thu hút được đại bộ phận các tầng lớp nhân dân tham gia từ các vị đại quan của triều đình, các nhân sĩ, trí thức, các đại điền chủ đến những người lao động bình dân.

Khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, ngoài chia để trị, người Pháp còn lợi dụng và chia rẽ các tôn giáo nhằm làm cho đồng bào các dân tộc tôn giáo mất đoàn kết, thù hằn lẫn nhau. Ngay sau khi ra mắt Chính phủ lâm thời, sáng 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, tại cuộc họp này Người đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, trong đó có nhiệm vụ rất quan trọng là xoá bỏ phân biệt đối xử về tôn giáo: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”.

Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam được thành lập ngày 2.3.1946 sau cuộc bầu cử Quốc hội khoá I ngày 6.1.1946 đã quy tụ rất nhiều những trí thức, nhiều vị bộ trưởng với các xu hướng chính trị khác nhau.

Vì đại đoàn kết dân tộc, các nhà lãnh đạo Việt Minh - những người có công lao to lớn trong đấu tranh giành độc lập đã tự rút lui để nhường ghế cho người của các đảng phái khác, cho các nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng. Việt Minh chỉ còn nắm 3 ghế đó là Chủ tịch nước, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Tài chính. Chức vụ Bộ trưởng Nội vụ đã được dành để mời một nhân sĩ nổi tiếng ngoài Đảng là Huỳnh Thúc Kháng (tiến sĩ Nho học năm Giáp Thìn 1904, nguyên Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ).

Bộ trưởng Quốc phòng là một thanh niên 34 tuổi, Phan Anh, cử nhân luật và văn chương, nguyên Bộ trưởng Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đã có rất nhiều các nhân sĩ, trí thức, quan lại nổi tiếng của triều đình tham gia kháng chiến.

Cựu Thượng thư triều đình Bảo Đại là Bùi Bằng Đoàn đã được mời làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (tức Chủ tịch Quốc hội), cụ Phan Kế Toại, Khâm sai đại thần Bắc Bộ của Chính phủ Trần Trọng Kim được mời làm Bộ trưởng và Phó Thủ tướng; Phạm Khắc Hoè (Đổng lý Ngự tiền đức vua Bảo Đại); Tham tri Đặng Văn Hướng; Vi Văn Định (cựu Tổng đốc Thái Bình); Hồ Đắc Điềm (cựu Tổng đốc Hà Đông).

Linh mục Phạm Bá Trực đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội (tức Phó Chủ tịch Quốc hội). Nhiều vị xuất thân từ hoàng tộc nhà Nguyễn đã từ bỏ địa vị, danh vọng của mình cùng tham gia cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc…

Có thể khẳng định rằng, đại đoàn kết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh bởi Người thấu hiểu rằng đoàn kết thì thắng mà chia rẽ thì chết. Lời kết thúc buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. 

Hồng Phúc

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục