BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm

Kỳ 1: Phấn khởi chờ chính sách tiền lương mới 

Cập nhật ngày: 19/05/2024 - 07:28

BTN - Theo Nghị quyết số 27, việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới trong lần cải cách này được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm lương mới không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Chỉ còn hơn một tháng nữa, cả nước thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Đây là chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội và được toàn xã hội quan tâm. Theo Nghị quyết số 27, việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới trong lần cải cách này được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm lương mới không thấp hơn tiền lương hiện hưởng; thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và chức vụ lãnh đạo, cùng nhiều nội dung cải cách quan trọng khác.  

Công chức UBND xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa

Vui mừng, nhưng còn những băn khoăn

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, mới đây tại hội nghị thông tin báo chí về chính sách tiền lương, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hằng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%. Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP, được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương lần này đó là lương viên chức ngành Giáo dục và Y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác. Khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để bảo đảm tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của CBCCVC, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.

Đón nhận thông tin này, vui mừng, phấn khởi là tâm trạng chung của đội ngũ CBCCVC trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Một giáo viên Trường tiểu học thị trấn Dương Minh Châu chia sẻ: “Hiện nay, thu nhập của giáo viên nhìn chung còn thấp. Giáo viên mới tốt nghiệp đại học về công tác tại trường đang được nhận mức lương hơn 5,2 triệu đồng/tháng (lương theo hệ số 2,34 + phụ cấp ưu đãi); còn đối với tôi- một giáo viên có thâm niên 25 năm công tác đang nhận mức lương 13,5 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, giáo viên khá chật vật mới đáp ứng nhu cầu cuộc sống- nhất là nhiều người còn phải phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi con. Việc Nhà nước thực hiện cải cách tiền lương, nâng mức thu nhập của CBCCVC, trong đó có đội ngũ giáo viên, là thông tin rất đáng mừng và được mong chờ từ lâu”.

Việc thực hiện cải cách tiền lương, nâng mức thu nhập của CBCCVC trong đó có đội ngũ giáo viên là thông tin rất đáng mừng và được mong chờ từ lâu.

Giáo viên này cho biết thêm, theo Nghị quyết số 27, chính sách tiền lương mới sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức). Do đó, những người vui mừng hơn cả là đội ngũ giáo viên mới ra trường, giáo viên trẻ có thâm niên công tác từ 13 năm trở lại. “Bởi vì thâm niên công tác ít thì tỷ lệ phần trăm thâm niên nghề trong tính lương sẽ thấp; trong khi đó, khung lương mới có hệ số lương cao, nếu bỏ phụ cấp thâm niên nghề thì lương mới vẫn cao hơn khá nhiều so mức cũ. Còn đối với giáo viên công tác lâu năm, chẳng hạn những người có thâm niên 31 năm thì đón nhận ở mức độ bình thường. Bởi vì họ đang được hưởng tỷ lệ phần trăm thâm niên nghề cao, thậm chí nhiều người đã vượt khung. Khi áp dụng bảng lương mới, bỏ phụ cấp thâm niên nghề thì lương mới sẽ bằng hoặc không cao hơn bao nhiêu so với mức cũ”.

Đối với công chức cấp xã, theo chia sẻ của một công chức UBND phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh, đội ngũ CBCC cấp xã mong chờ thời điểm ngày 1.7 để được hưởng lương theo chính sách tiền lương mới. Tuy nhiên, công chức này cũng bày tỏ băn khoăn: “Việc trả lương mới theo vị trí việc làm và bãi bỏ phụ cấp thâm niên sẽ dẫn tới sự “cào bằng” thu nhập của người mới vào công tác và người công tác lâu năm ở cùng một vị trí việc làm, trong khi khối lượng công việc và áp lực công việc ngày càng lớn. Mặt khác, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan tính đến nay vẫn chưa công bố cụ thể các bảng lương mới, cách tính lương theo vị trí việc làm. Các thông tin chúng tôi nắm được chủ yếu do tự tìm hiểu và chưa thực sự đầy đủ. Chúng tôi mong các bộ, ngành Trung ương sớm công khai bảng lương theo vị trí việc làm”.

Bộ Nội vụ trả lời cử tri Tây Ninh về chính sách tiền lương mới

Tại kỳ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, cử tri Tây Ninh kiến nghị: Gần đây, Đề án Cải cách chính sách tiền lương có so sánh mức lương mới theo tối thiểu vùng so với mức lương ngạch bậc hiện hưởng để làm cơ sở, tuy nhiên, Đề án chỉ lấy mức lương theo hệ số, không có phụ cấp công vụ 25% để làm so sánh là chưa thật sự khách quan và phản ánh đúng mức tăng/giảm thu nhập trước và sau khi cải cách. Mặt khác, việc bỏ ngạch, bậc mà thay bằng số tiền nếu như không bám sát tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương thì sẽ dễ có khuynh hướng “bình mới, rượu cũ”.

Xây dựng 5 bảng lương, gồm:

+ 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

+ 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

+ 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).

+ 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an. 

+ 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

(Giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

Nội dung này đã được Bộ Nội vụ trả lời như sau: “Tại khoản 2 Mục I Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến chính sách tiền lương hiện hành còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có việc quy định mức lương cơ sở và hệ số ngạch, bậc lương. Tại tiết c điểm 3.1 Mục II Nghị quyết số 27-NQ/TW đã nêu khi cải cách tiền lương sẽ: “Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới”. Đồng thời, tại khoản 3 mục III Nghị quyết số 27-NQ/TW đã nêu: “Thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng”. Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu trên, khi xây dựng mức lương mới bằng tiền (thay cho mức lương cơ sở và hệ số ngạch, bậc lương) và khi so sánh tiền lương mới với lương cũ đều có tính đến các khoản phụ cấp (trong đó có phụ cấp công vụ 25% hiện nay), bảo đảm phản ánh đúng mức tăng/giảm tiền lương (gồm lương cơ bản và phụ cấp) như ý kiến cử tri nêu”.

Đối với vấn đề thứ 2 cử tri Tây Ninh kiến nghị về việc kiểm soát thị trường giá cả khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của cử tri. Trong quá trình chuẩn bị cho thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW thực hiện từ ngày 1.7.2024, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát lạm phát, giá cả thị trường nhằm bảo đảm giá trị thực của tiền lương mới khi cải cách tiền lương.

Nội dung này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024 bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công; không tăng giá vào thời điểm tăng lương.

Một số nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW

+ Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

+ Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

+ Thiết kế bảng lương mới: bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới; 
mở rộng quan hệ tiền lương. 

Phương Thuý

(Còn tiếp)