Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát huy vai trò của đảng viên tôn giáo, dân tộc trong phòng chống dịch
Kỳ 1: Sức khoẻ đồng bào là trên hết
Thứ hai: 20:46 ngày 27/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, các đảng viên- trong đó có những đảng viên là người dân tộc thiểu số, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tiên phong vào tâm dịch, góp sức mình trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Ênha Sina trao quà hỗ trợ cho bà con trong khu phong tỏa khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh.

Người kết nối

“Ngày 22.7.2021, một giáo viên công tác tại trường học trên địa bàn phường IV bị nhiễm bệnh, lây sang một em bé mới vài tháng tuổi. Đó là hai ca F0 đầu tiên trong cộng đồng người Chăm ở phường 1”. Ênha Sina - cô gái người Chăm ở khu phố 2, phường 1, TP.Tây Ninh kể.

Ênha Sina sinh năm 1987, là đảng viên, Trưởng khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh trở thành phiên dịch viên cùng đội ngũ y tế đi truy vết F1 có tiếp xúc gần với các ca F0. Thời gian đó rơi vào ngày Tết Roya Haji của cộng đồng người Chăm, nên việc gặp mặt, trao đổi, tiếp xúc giữa bà con nhiều hơn ngày thường.

“Việc xác định đúng tên, tuổi của bà con người Chăm là cả vấn đề. Mặt khác, bà con chưa hiểu hết về sự nguy hiểm của dịch bệnh nên việc hợp tác để truy vết cũng gặp trở ngại”- Ênha Sina giải thích.

Với sự hỗ trợ của Ênha Sina, 25 trường hợp F1 nhanh chóng được xác định và đưa đi cách ly tập trung. Ngay sau đó, 183 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu được phong toả. Vốn sống bằng lao động làm thuê, làm bữa nào ăn bữa đó, bà con người Chăm thật sự lâm vào cảnh khốn khó, rồi trách cứ nhau sao làm cho dịch bệnh lây lan. Ênha Sina ra sức tuyên truyền, vận động người dân cố gắng thực hiện 5K để phòng, chống dịch. Không thể một sớm một chiều có thể thay đổi ngay cách nghĩ của bà con về dịch bệnh, nhưng những lời nói của Ênha Sina và qua các ca bệnh xảy ra trong cộng đồng, bà con bắt đầu tìm hiểu và có sự đề phòng, cảnh giác với dịch bệnh.

Hiểu rõ tập quán sinh hoạt, lối sống của cộng đồng, Ênha Sina bắt đầu tìm lương thực cho bà con, vừa kiếm chỗ cung cấp thức ăn cho đàn bò các hộ đang chăn nuôi, bởi, đó là tài sản lớn nhất của mỗi hộ người Chăm. Tận dụng tất cả các mối quan hệ, Ênha Sina vận động bạn bè hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho bà con; kể cả chi phí giúp một người dân được đi chạy thận định kỳ. Ngoài số rơm do phường hỗ trợ, Ênha Sina nhờ người đi cắt thêm cỏ cung cấp cho các hộ chăn nuôi. 

Tưởng chừng như mọi việc sẽ ổn khi hết thời hạn cách ly, nhưng sau khi test đợt cuối, có thêm hai ca nhiễm. Khu phố tiếp tục cách ly đến gần một tháng.

Sau khi được giải toả, Ênha Sina không ở lại nhà mà tá túc tại văn phòng khu phố để bà con “muốn tìm là thấy ngay”, thuận tiện giải quyết các công việc liên quan hồ sơ cho người dân được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Lần giở từng trang sổ tay, Ênha Sina nói, từng ngày nhận quà gì em đều ghi vào hết, rõ ràng, rành mạch, công khai, chia đủ cho tất cả các hộ trong khu phong toả để bà con yên tâm ở nhà chống dịch.

Có khi bà con chưa hiểu, phản ứng quá, Ênha Sina cũng buồn, rồi nỗi buồn cũng qua khi cô gái được người thân động viên “ráng làm đi con, để giúp bà con mình”.

Từ “vùng đỏ”, nay khu phố 2 chuyển sang “vàng” do còn một khu phong toả với hơn 10 nhân khẩu chưa đủ điều kiện giải toả. Đến nay, trên địa bàn phường 1 ghi nhận 53 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó, khu phố 2 có số ca bệnh nhiều nhất phường (30 ca, trong đó có 25 ca là người dân tộc, không có ca tử vong).

Dù chưa thể “xanh” được như các khu phố khác trên địa bàn, nhưng rõ ràng, nhận thức của bà con người dân tộc Chăm ở khu phố 2 có chuyển biến đáng kể. Ông Phạm Văn Hải - Phó Bí thư Đảng uỷ phường 1, thành phố Tây Ninh, chia sẻ, nếu không có sự lăn xả của Ênha Sina, chắc chắn công tác truy vết, tuyên truyền về dịch bệnh, chăm lo an sinh xã hội cho bà con sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Thị Hồng Oanh chuẩn bị giáo án cho tiết dạy online.

Cô giáo xung phong vào tâm dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh thực hiện chiến lược khoanh vùng nhanh, phong toả hẹp, truy vết thần tốc, xét nghiệm rộng và nhanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, lực lượng y tế quá mỏng để có thể đảm nhận khối lượng công việc quá nhiều này.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề ra chủ trương vận động kêu gọi sự tình nguyện của đoàn viên, thanh niên, giáo viên trẻ tham gia vào lực lượng lấy mẫu, xét nghiệm. Ngay khi biết Sở Giáo dục và Đào tạo kêu gọi giáo viên tình nguyện tham gia chống dịch, Thị Hồng Oanh (sinh năm 1987), người dân tộc Khmer, giáo viên Trường THCS Tân Phong, xã Tân Phong, huyện Tân Biên đăng ký ngay.

Tham gia đội tình nguyện hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, Oanh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tại tâm dịch huyện Dương Minh Châu và các địa bàn thuộc huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng. Oanh chẳng thể nào quên lần lấy mẫu ở thị xã Trảng Bàng, đội liên tiếp nhận kết quả dương tính. Oanh nhớ mãi trường hợp test dương đầu tiên mà Oanh lấy mẫu vào tháng 7.2021.

Trước khi đội rời đi, Oanh còn dặn với theo, “chú ráng uống thuốc cho mau hết bệnh”. Vậy mà, sau đó, nghe tin bệnh nhân không qua khỏi, Oanh rất buồn, lại càng quyết tâm cùng đồng đội chiến đấu để chiến thắng “kẻ thù giấu mặt” này.

Thị Hồng Oanh lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên.

Sau này, Oanh được chuyển về hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của huyện Tân Biên, nhất là thực hiện các đợt xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Hết đợt xét nghiệm, lại hỗ trợ công tác nhập liệu để đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine, đi chợ giùm người dân trong thời gian giãn cách, phong toả. “Việc nào Oanh cũng hăng hái, xung phong đi đầu”, bà Trương Thị Kim Xanh - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tân Phong cho biết.

Năm học mới 2021-2022 là năm học đặc biệt trong thời gian hơn 9 năm bám lớp, Oanh chuẩn bị giáo án để dạy trực tuyến cho học trò theo phương châm của Bộ Giáo dục và Đào tạo “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Việc dạy và học online đều mới mẻ với cô và trò, “có khi tụi nhỏ không chịu mở camera nên cô trò khó giao lưu, mà em lại chủ nhiệm lớp cuối cấp nên lo lắm!”, Oanh trải lòng.

Nhìn những màu xanh bắt đầu lan rộng khắp bản đồ phân vùng dịch bệnh của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Oanh cảm thấy vui, tự hào vì có công sức của mình trong đó. Ngày cô trò được gặp nhau trong lớp học thân quen chắc chắn không còn xa nữa…

Tố Tuấn - Xuân Vũ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục