BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Khát” nhân lực chất lượng cao ngành Y tế

Kỳ 1: Trạm y tế xã - Thiếu nhân lực, thừa thiết bị 

Cập nhật ngày: 27/11/2023 - 09:19

BTN - Theo ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế, tại 94 trạm y tế xã, phường, thị trấn chỉ có 32 bác sĩ, con số này chưa đáp ứng nhu cầu định biên 1 bác sĩ/trạm

Người dân đưa trẻ đến tiêm phòng vaccine tại Trạm Y tế phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh.

Sau thời gian dài chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đối mặt với tình trạng “khát” nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao ngành Y tế. Một trong những dẫn chứng rõ nét nhất là khi hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện công lập lần lượt nghỉ việc, cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn do biến động nhân sự, trong khi nhu cầu đào tạo, tuyển dụng chưa thể đáp ứng so với yêu cầu của xã hội.

Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, ngành Y tế lại gặp nhiều khó khăn vì phải đối mặt với tình trạng “chảy máu” nhân lực, thiếu thuốc, vật tư y tế, đặc biệt tại cơ sở y tế công lập, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

Người dân không “mặn mà” với Trạm y tế?

Ông Nguyễn Tấn Lực (ngụ xã Tân Phong, huyện Tân Biên) cho biết, đã rất lâu gia đình không đến trạm y tế để khám bệnh, chỉ đến khi có thông báo tiêm vaccine miễn phí cho trẻ em, vì nhà có một cháu trai gần 3 tuổi.

Ông cho biết thêm, trạm y tế không có bác sĩ, cũng không đủ thuốc. Hơn nữa, từ nhà ông đến Trung tâm Y tế huyện không xa, thay vì ghé trạm, đi thêm một đoạn là tới trung tâm; hoặc có thể về bệnh viện tỉnh khám bệnh.

Tương tự, chị Cao Thị Kim Ngân (phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) cho biết, mặc dù nhà ở khu vực trung tâm, gần với các trạm y tế nhưng chị vẫn ưu tiên chọn bệnh viện lớn hay cơ sở y tế tư nhân để chăm sóc sức khoẻ của mình và gia đình. Việc đến khám bệnh hay sơ cấp cứu tại trạm y tế không còn là lựa chọn của gia đình chị nhiều năm qua.

Nhân viên y tế phường Hiệp Ninh cho trẻ uống vitamin A.

Chị Ngân bày tỏ: “Ngày nay, người dân rất quan tâm đến vấn đề sức khoẻ, nên khi lựa chọn cơ sở y tế, hầu hết đều chọn nơi có bác sĩ giỏi, đầy đủ thuốc, trang thiết bị hiện đại, hơn hết là thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Đó là điều kiện để thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh”.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống đường giao thông thuận lợi đã rút ngắn khoảng cách từ địa phương này đến địa phương khác. “Đôi khi, tôi quên mất cái tên trạm y tế! Khi có bệnh, tôi lại nghĩ ngay phòng khám tư nhân và bệnh viện tuyến tỉnh, cao hơn là các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Bởi vì, suy cho cùng, những nơi đó có bác sĩ chuyên khoa, thiết bị y tế hiện đại, thuốc đầy đủ, trong khi khoảng cách từ nhà đến bệnh viện không bao xa”- chị Trần Lê Thuý Hằng (phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) chia sẻ.

Có thể nói, hiện nay, yêu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân đang thay đổi, đòi hỏi chuẩn mực chăm sóc sức khoẻ cao hơn- kể cả về số lượng, chất lượng và dịch vụ.

Thiếu nhân lực, nhiều trạm không có bác sĩ

Theo Sở Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng lượt khám, chữa bệnh tại 94 trạm y tế tuyến xã chỉ có hơn 65.476 lượt, trong đó có 240 bệnh nhân điều trị nội trú, với 57 ngày điều trị, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.

Trên thực tế, mặc dù Sở Y tế tổ chức nhiều đợt xét tuyển bác sĩ, viên chức y tế hằng năm, nhưng chỉ tiêu tuyển dụng vẫn không đủ so với nhu cầu thực tế. Hiện các bệnh viện công thiếu 145 bác sĩ.

Sự thiếu hụt này dẫn đến việc không đủ bác sĩ để bố trí tại các trạm y tế, khó đầu tư trang thiết bị hiện đại, vì không có cán bộ chuyên môn phù hợp vận hành, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy khả năng khám, chẩn đoán và điều trị bệnh của y tế cơ sở.

Đơn cử tại huyện Tân Biên, 10/10 trạm y tế xã được xây dựng theo công trình cấp IV, bảo đảm bố trí các phòng theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Cụ thể, Trạm y tế xã Trà Vong và Thạnh Tây được xây mới và đưa vào sử dụng năm 2018, 3 trạm y tế các xã biên giới (Hoà Hiệp, Tân Bình và Tân Lập) cơ bản có đầy đủ trang thiết bị, còn lại các trạm y tế xuống cấp do xây dựng từ năm 2010 đến nay.

Tuy nhiên, chỉ có Trạm Y tế xã Tân Lập có bác sĩ. Các trạm y tế còn lại đều thực hiện luân phiên bác sĩ xuống trạm từ 1-2 ngày trong tuần để hỗ trợ về chuyên môn, tạo điều kiện cho người dân được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở.

Để bảo đảm vừa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, vừa triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn, 5/10 trạm y tế có chức danh nữ hộ sinh, còn lại phân công hộ sinh tăng cường hỗ trợ và phụ trách chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại các trạm thiếu chức danh hộ sinh.

Theo UBND huyện Tân Biên, tổng nhân lực hiện có tại 10 trạm y tế xã, thị trấn là 48/78 biên chế, thiếu 30 biên chế. Trong đó, mỗi trạm y tế có từ 3-5 người, bố trí các chức danh theo quy định tại Thông tư số 07/2021/TT-BYT như: bác sĩ/y sĩ, điều dưỡng, dược, y tế công cộng, hộ sinh…

Thiếu nhân lực do không tuyển dụng được, đơn vị gặp khó khăn trong việc phân công bố trí vị trí việc làm. Đây là một trong những thách thức lớn trong việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và phòng, chống dịch bệnh.

Qua khảo sát, phần lớn các trạm y tế xã trên toàn tỉnh đã được đầu tư khang trang từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị, nhưng lại thiếu bác sĩ để bổ nhiệm vị trí trưởng trạm. Cụ thể, huyện Tân Châu thiếu 14 bác sĩ; huyện Châu Thành thiếu 17 bác sĩ, hiện địa phương này chỉ có 2/15 trạm y tế có bác sĩ làm việc...

Theo ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế, tại 94 trạm y tế xã, phường, thị trấn chỉ có 32 bác sĩ, con số này chưa đáp ứng nhu cầu định biên 1 bác sĩ/trạm. Cùng với tổ chức thi tuyển, ngành Y tế triển khai hàng loạt chính sách, quyết định từ cấp trung ương đến địa phương nhằm đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế các tuyến.

Xét về nhu cầu vị trí việc làm, tỉnh cần có 618 bác sĩ (thiếu 65 bác sĩ), 1.100 điều dưỡng (thiếu 400 người) và 130 chuyên môn y tế khác; nhu cầu đến năm 2025 cần từ 830-850 bác sĩ.

Tâm Giang - Ngọc Bích

(Còn tiếp)