Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Trần Văn Giàu với việc nghiên cứu, đúc kết tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỳ 1: Trần Văn Giàu với Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh
Thứ hai: 06:59 ngày 26/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trần Văn Giàu là người tiếp thu tư tưởng Nguyễn Ái Quốc không phải bằng cách tiếp xúc trực tiếp, bởi năm 1933 Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô thì sau đó Trần Văn Giàu đã bị trục xuất khỏi nước Pháp bởi là "phần tử nguy hiểm cho nước Pháp".

Sinh thời, Giáo sư Trần Văn Giàu đã từng nói đại ý rằng người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, thế nhưng mỗi người đều có thể học được ở Hồ Chí Minh một điều gì đó.

Lịch sử đã từng ghi nhận, có những người đã nghiên cứu, đã viết về Hồ Chí Minh, về tư tưởng Hồ Chí Minh rất sớm, rất hay, rất hệ thống đó là: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Giàu. Khác với các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp là những học trò gần gũi, thân thiết và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Văn Giàu không có nhiều điều kiện gần gũi Hồ Chí Minh bằng các ông, song Giáo sư Trần Văn Giàu- bằng tài năng lỗi lạc và phẩm cách đặc biệt đã viết về Hồ Chí Minh, về tư tưởng Hồ Chí Minh một cách rất hệ thống và có những kiến giải rất sâu sắc rất đáng để chúng ta cùng xem xét, tìm đọc lại và học tập, làm theo trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Vợ chồng Giáo sư Trần Văn Giàu.

Khi còn trẻ, Trần Văn Giàu chịu ảnh hưởng sâu sắc của các nhà yêu nước theo tư tưởng dân tộc nổi tiếng lúc đương thời như Nguyễn An Ninh, Phan Châu Trinh. Khi sang Pháp du học vào năm 17 tuổi, ở nước Pháp, mặc dù lúc bấy giờ tuy Nguyễn Ái Quốc đã nổi tiếng “như cồn” song ông vẫn “không có duyên lắm với đồng chí Nguyễn Ái Quốc” như sau này ông kể lại.

Vì vậy, mặc dù có đọc “Bản án chế độ thực dân Pháp” từ năm 1927, tức khi chưa sang Pháp, “nhưng Nguyễn Ái Quốc thì tôi không được biết, và tôi cũng không hiểu thâm ý của Nguyễn Ái Quốc là gì, công việc liên hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh ra sao, Nguyễn Ái Quốc khác với Phan Bội Châu như thế nào. Tôi chỉ biết đó là những người yêu nước mà thôi (1)”.

Gia đình bên vợ của Trần Văn Giàu có hân hạnh tiếp đãi cụ Nguyễn Sinh Sắc- thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh- từ năm 1926 đến năm 1927 khi cụ Nguyễn Sinh Sắc rời Sài Gòn đi lục tỉnh kiếm sống bằng nghề làm thuốc nhưng Trần Văn Giàu vẫn chỉ biết Nguyễn Ái Quốc là một người yêu nước chống Tây.

Có lẽ vì vậy mà mãi một năm sau, năm 1928 ông mới đọc xong “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Có một số bài viết gần đây cho rằng ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp do thấm nhuần sau khi đọc “Bản án chế độ thực dân Pháp”, nhưng thực ra việc ông theo Đảng Cộng sản Pháp là do ông thấy ở nước Pháp có những người tốt, những người bênh vực dân tộc các thuộc địa.

Vì lẽ ấy, Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng ông gia nhập đội ngũ những người Cộng sản hơi khác người. Theo ông, đáng lẽ ra là người Việt Nam phải hiểu “Bản án chế độ thực dân Pháp” và Nguyễn Ái Quốc trước rồi mới từ đó mà đi tới chủ nghĩa Mác-Lênin, mới đi tới Đảng Cộng sản Pháp, nhưng ông lại vào Đảng Cộng sản Pháp trước, đọc sách báo Cộng sản và do đó mới đọc “Bản án chế độ thực dân Pháp” và hiểu được sách này.

Giáo sư cũng cho biết đây có lẽ là điều bất lợi cho ông bởi khi ấy Đảng Cộng sản Pháp theo đường lối Quốc tế cộng sản, một đường lối cứng rắn, không chỉ với đế quốc mà còn với cả các đồng minh của Đảng Cộng sản, như Đảng xã hội.

Lúc bấy giờ đường lối của Nguyễn Ái Quốc là đường lối liên hiệp các lực lượng dân tộc để chống đế quốc chủ nghĩa, nhưng ở Việt Nam, những người Cộng sản theo đường lối Quốc tế Cộng sản và chỉ liên hiệp có điều kiện với các lực lượng quốc gia.

Có lẽ vì vậy mà lúc ấy ở Pháp, Giáo sư Trần Văn Giàu và một số người khác vừa ủng hộ khởi nghĩa Yên Bái của lãnh tụ Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học nhưng cũng đồng thời chống lại chủ nghĩa quốc gia của những người khởi nghĩa Yên Bái mà Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng “là quốc gia hẹp hòi; nghĩa là không đúng tinh thần của quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp (2)”.

Hiểu những điều Trần Văn Giàu viết về giai đoạn này mới hiểu được những phân hoá nội bộ, những luồng tư tưởng, những đấu tranh kịch liệt trong nội bộ của những người Cộng sản Việt Nam khi ấy, tất nhiên, họ đấu tranh với nhau nhưng đều vì lợi ích chung là lợi ích quốc gia, dân tộc.

Khi đã đi học Trường đại học Phương Đông, Giáo sư Trần Văn Giàu và một số người khác vẫn theo đường lối quá tả của Quốc tế Cộng sản khi ấy và vì vậy Giáo sư cho rằng “tôi cũng như các đồng chí khác đều không hiểu Nguyễn Ái Quốc, kể cả những người phụ trách Đông Phương của Quốc tế Cộng sản lúc bấy giờ (3)”.

Trần Văn Giàu là người tiếp thu tư tưởng Nguyễn Ái Quốc không phải bằng cách tiếp xúc trực tiếp, bởi năm 1933 Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô thì sau đó Trần Văn Giàu đã bị trục xuất khỏi nước Pháp.

Khi Trần Văn Giàu bị giam ở Khám lớn Sài Gòn, ông đã đọc một bài báo có tên tác giả là Line (một bút danh của Nguyễn Ái Quốc). Bài báo này phê bình Đảng Cộng sản Đông Dương làm Mặt trận Dân chủ là có xu hướng “hữu”, theo tác giả phải làm “Mặt trận dân tộc dân chủ” mới được. Vì vậy, Trần Văn Giàu tán thành ý kiến của Line, sau này ông mới biết Line chính là Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 7.1945, những nhà cách mạng ở Nam bộ phái người ra Bắc đem chương trình của Việt Minh về, lúc ấy, Trần Văn Giàu mới biết đến Việt Minh và sau đó nhận được giấy mời tham gia Hội nghị Tân Trào. Hà Huy Giáp và Ung Văn Khiêm là hai đại biểu đại diện đi ra Bắc. Sau khi đoàn đại biểu dự Hội nghị Tân Trào trở về, từ thông báo của Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu mới biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc bởi trước đó ông vẫn nghĩ rằng Nguyễn Ái Quốc đã mất hoặc chưa về Việt Nam.

Cuối năm 1945, Trần Văn Giàu ở chiến trường Sài Gòn ra Bắc và được Cụ Hồ mời ở lại dùng cơm. Bữa cơm ấy thật đạm bạc và sau này Giáo sư ghi lại rằng quá đạm bạc bởi cơm đủ hai lưng bát, cà pháo thì đủ, cá chỉ vài khứa mỏng, canh trong vắt. Hôm sau tới bữa ăn, Giáo sư Trần Văn Giàu ra nhà bạn học là Đỗ Đình Thiện- một nhà giàu ở phố Hàng Gai.

Hôm sau, tới bữa không thấy, Cụ Hồ hỏi thư ký Vũ Đình Huỳnh. Hôm sau, lại được ngồi ăn cơm cùng Cụ Hồ, trong bữa ăn, Cụ Hồ hỏi ông: “Ở Phủ Chủ tịch, chú chê cà muối hả? Lúc này đồng bào đang đói, chú không chịu chia cái khổ với đồng bào được à? (4)”. Giáo sư Trần Văn Giàu cho biết nghe Cụ Hồ nói, ông xấu hổ một chút. Về kỷ niệm này, sau này Giáo sư có kể lại cho tác giả Chiến Dũng ghi lại với tựa đề “Hai lần Cụ Hồ “chỉnh” tôi” đăng trên Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 3.2.2007, mở đầu đợt vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh (5).

Năm 1948, khi Trần Văn Giàu đang hoạt động ở Campuchia, ông được gọi về nước và được chỉ định làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin thuộc Bộ Nội vụ do cụ Phan Kế Toại làm Giám đốc vào năm 1950 (có tài liệu viết năm 1949). Từ đây, ông mới có dịp gần gũi Cụ Hồ nhiều hơn bởi được tham gia nhiều cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Có nhiều vấn đề Trần Văn Giàu phải hỏi lại Cụ Hồ, theo ông không phải ở Phủ Chủ tịch mà ở cái chòi nơi Cụ Hồ ở. Tuy vậy, vì để giữ bí mật nên việc gặp cũng không thường lắm.

Có hai câu chuyện mà Giáo sư Trần Văn Giàu gọi là có tính chất gia đình và tính chất công việc kỷ niệm sâu sắc với Cụ Hồ. Sau Hiệp định Genève, hai vợ chồng ông được mời đi Câu lạc bộ Ba Đình. Gặp Bác Hồ, ông giới thiệu vợ và Cụ Hồ hỏi “rất tự nhiên”: “Cháu đâu?”.

Cụ bà Trần Văn Giàu trả lời: “Con nó chết rồi ạ”, và Cụ Hồ lấy làm tiếc. Nhân dịp này, Giáo sư Trần Văn Giàu đã giới thiệu với Bác Hồ: “Cụ Nguyễn Sinh Sắc rời Sài Gòn đi lục tỉnh, nhà đầu tiên ông cụ ghé là nhà ông già bà này (tức nhà bà Trần Văn Giàu-NV). Gia đình được hân hạnh nấu cơm cho cụ Sắc và đưa xuống sâu hơn nữa về miền Tây (6)”.

Nghe rồi, Cụ Hồ nói: “Khi nào hoà bình lập lại, tôi sẽ vào Nam thăm đồng bào, và sẽ lần theo bước chân ông Sắc để cám ơn đồng bào và gia đình đã có công bảo vệ ông cụ Sắc (7)”. Kỷ niệm thứ hai với Bác Hồ, theo ông là về việc chung. Đó là lần Bác bệnh nặng, gặp Giáo sư Trần Văn Giàu, ông Vũ Kỳ- thư ký riêng của Bác thông báo Bác đau và rất yếu nhưng có hôm Bác hỏi ông Vũ Kỳ: “Chú Giàu bây giờ làm gì?”. Ông Vũ Kỳ trả lời Bác: “Bây giờ anh ấy làm giáo sư ở đại học”. Sau khi Bác mất, Giáo sư được lệnh của Ban Tổ chức lễ tang lên đứng bên giường Bác.

Vũ Trung Kiên

(còn tiếp)

 (1) Nguyễn Phan Quang: Giáo sư Trần Văn Giàu- Nghe Thầy kể chuyện, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2011, tr. 60

(2) Nguyễn Phan Quang: Giáo sư Trần Văn Giàu- Nghe Thầy kể chuyện, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2011, tr. 62

(3) Nguyễn Phan Quang: Giáo sư Trần Văn Giàu -Nghe Thầy kể chuyện, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2011, tr. 62

(4) Nguyễn Phan Quang: Giáo sư Trần Văn Giàu- Nghe Thầy kể chuyện, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2011, tr. 65

(5) http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2007/2/84729/

(6) Nguyễn Phan Quang: Giáo sư Trần Văn Giàu- Nghe Thầy kể chuyện, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2011, tr. 67

(7) Nguyễn Phan Quang: Giáo sư Trần Văn Giàu- Nghe Thầy kể chuyện, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2011, tr. 67

Tin cùng chuyên mục