Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tháng bảy tri ân, tháng bảy nghĩa tình
Kỳ 1: Từ Tua Hai Đồng khởi đến giải phóng Tây Ninh
Thứ bảy: 17:10 ngày 27/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tháng bảy về, hàng triệu trái tim trên đất nước hình chữ S lại lặng mình tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho hòa bình, độc lập và tri ân những người trở về sau bom đạn, khói lửa của chiến tranh với một phần máu xương để lại nơi chiến trường, bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, cho Nhân dân.

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam Việt Nam ngày nay là địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ.

Mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ

Cách đây 64 năm, vào ngày 26.1.1960 trận tấn công tiêu diệt địch tại Tua Hai của lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ đã diễn ra và giành thắng lợi to lớn. Chiến thắng Tua Hai là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh; quân và dân đồng loạt nổi dậy tiến công, bóc gỡ hơn 50% số đồn, bót địch, giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng về cơ bản 19 xã trong tổng số 49 xã của tỉnh, diệt và làm tan rã hầu hết tề xã, ấp và trên 70% lực lượng bảo an, dân vệ.

Cùng với cuộc nổi dậy ở Mỏ Cày (Bến Tre), trận đánh Tua Hai (Tây Ninh) là tiếng kèn hiệu lệnh cho một cao trào đồng khởi trên toàn miền Nam.

Tạo điều kiện hình thành các đơn vị vũ trang địa phương, từ đó cung cấp quân số cho lực lượng quân chủ lực của tỉnh, của Miền; đồng thời, mở rộng vùng giải phóng, khôi phục lại các cơ sở Đảng, đưa cách mạng miền Nam vượt qua chặng đường thử thách nghiêm trọng nhất, từ thoái trào và thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công địch để giành thắng lợi.

Cũng trong năm 1960, ngày 20.12, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam chính thức ra đời tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), quy tụ và đoàn kết Nhân dân bước vào kháng chiến chống xâm lược Mỹ.

Liên đội 7 truy kích địch trên đỉnh núi Bà Đen ngày 7.1.1975 (nguồn Đảng bộ tỉnh Tây Ninh)

Mùa xuân năm 1975 trên đất Tây Ninh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân đứng lên khởi nghĩa, giải phóng miền Nam. Với khí thế vô cùng sôi nổi, chỉ trong vòng 20 ngày (từ ngày 4-24.4.1975), trên 3.000 thanh niên, trung niên tình nguyện lên đường tham gia lực lượng vũ trang. Nhân dân hết lòng ủng hộ bộ đội, tổ chức đón rước, bố trí bảo vệ địa bàn đứng chân của bộ đội, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để bộ đội giành chiến thắng.

17 giờ ngày 26.4.1975, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Sau khi các huyện Gò Dầu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Châu Thành cơ bản giải phóng vào ngày 29.4.1975 thì tại Thị xã Tây Ninh, vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 30.4, Tỉnh trưởng Bùi Đức Tài tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho các địa phương trong tỉnh hạ vũ khí đầu hàng quân cách mạng. Đúng 11 giờ ngày 30.4.1975, thị xã Tây Ninh được hoàn toàn giải phóng; thị xã được tiếp quản hoàn toàn, trung tâm Tòa Thánh được bảo vệ trọn vẹn.

Trong lúc lực lượng vũ trang tiến công giải phóng Thị xã, công nhân, nhân viên các nhà máy điện, nhà máy nước, bệnh viện, bưu điện... đã bảo vệ tại chỗ toàn bộ máy móc và các tài sản khác. Nhờ đó, khi Thị xã Tây Ninh được giải phóng, các cơ sở phục vụ sinh hoạt công cộng đều hoạt động bình thường. Đó cũng là một thắng lợi lớn của chiến dịch, là kết quả tốt đẹp của sự kết hợp giữa tiến công vũ trang và nổi dậy của quần chúng tại chỗ.

Cờ giải phóng tung bay trên đỉnh núi Bà Đen ngày 7.1.1975 (nguồn Đảng bộ tỉnh Tây Ninh)

Máu đào nhuộm đất quê hương

Bằng sức mạnh tổng hợp được phát huy cao độ, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân Tây Ninh để giải phóng quê hương dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành một cách xuất sắc.

Tây Ninh quán triệt sâu sắc những chỉ đạo của Trung ương, hạn chế đến mức thấp nhất sự đổ máu và bảo vệ được toàn vẹn đền Thánh, chợ Long Hoa và các công trình trọng yếu khác, tự lực giải phóng tỉnh nhà, vô hiệu hoá lực lượng nguỵ quân đóng trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực trên giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến ấy, hàng ngàn người con Tây Ninh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung đã ngã xuống, hay để lại một phần máu xương mình nơi lòng đất mẹ, mang lại hòa bình, độc lập, thống nhất cho nước nhà. Biết bao hy sinh, gian khổ, biết bao chiến công hiển hách của quân và dân cả nước đã đi vào huyền thoại gắn với những tên đất, tên người.

Niềm vui ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất chưa lâu, vết thương chiến tranh chưa kịp hàn gắn thì tình hình trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia nảy sinh những diễn biến phức tạp.

Từ tháng 5 đến tháng 12.1975, Tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đã gây ra 17 cuộc xung đột vũ trang qua biên giới Tây Ninh ở các điểm Lò Gò, Tà Nông, Chàng Riệc. Đêm 24 rạng sáng 25.9.1977, tập đoàn phản động Pol Pot huy động lực lượng quân đội lớn đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu, Tân Biên và lan rộng ở hầu hết 18 xã thuộc 4 huyện biên giới của Tây Ninh. Chúng đốt phá, cướp bóc, tàn sát người dân Tây Ninh dã man, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của.

Bia chứng tích tội ác của Tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, nơi 11 thầy cô giáo bị thảm sát (ảnh Đại Dương)

Chỉ trong một đêm, ở xã Tân Lập của huyện Tân Biên, đã có 592 người bị giết hại; trong đó, có 11 thầy cô giáo của một trường tiểu học bị chúng sát hại tập thể, 22 người khác bị trói chung với nhau và chịu chết cháy trong một ngôi chùa, 20 gia đình bị chúng giết hại không còn một ai.

Ở huyện Bến Cầu có 230 người bị tàn sát dã man; Châu Thành có 87 người bị chúng giết chết. Không chỉ tấn công tàn sát dân ta trên địa bàn biên giới, quân Pol Pot còn sử dụng pháo tầm xa bắn vào những nơi đông dân cư với ý đồ dọn đường cho lực lượng bộ binh đánh thọc sâu vào thị xã Tây Ninh.

Trước những hành động dã man của Pol Pot, cùng với cả nước, quân và dân Tây Ninh buộc phải chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam thiêng liêng của Tổ quốc. Đến ngày 7.1.1979, lực lượng vũ trang Tây Ninh cùng với Quân khu 7 và các Quân đoàn của Bộ phối hợp với lực lượng vũ trang Campuchia đánh đổ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pol Pot.

Hàng ngàn người con của Tây Ninh, của dân tộc Việt Nam đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.

Để giành được những thắng lợi to lớn đó, quân dân Tây Ninh phải gánh chịu những tổn thất không nhỏ. Đã có 3.456 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương, 1.216 đồng bào bị Pol Pot giết hại, 800 nhà cửa bị thiêu cháy, hàng loạt xã, ấp bị tàn phá nặng nề.  

Với tinh thần nhường cơm, sẻ áo, giúp nhau trong cơn hoạn nạn, xem “những người Campuchia chân chính là bạn”, từ tháng 9.1977 đến tháng 12.1978, Tây Ninh đã cưu mang và giải quyết nhu cầu về chỗ ăn, ở, mặc, chữa bệnh cho gần 30.000 người dân Campuchia sang lánh nạn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dâng hương tại Nghĩa trang Đồi 82 nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ.

Sau khi biên giới trở lại bình yên, chế độ diệt chủng Pol Pot đã bị đánh đổ, với tinh thần giúp bạn cũng là tự giúp mình, vì nhiệm vụ của dân tộc và nghĩa vụ quốc tế, cùng với các tỉnh, lực lượng khác, Tây Ninh đã cử nhiều đoàn chuyên gia và hỗ trợ nhiều nhân lực, của cải vật chất giúp bạn, mà trực tiếp là tỉnh Kampong Cham xây dựng lại chính quyền, truy quét tàn dư phản động, tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân.

Vũ Nguyệt

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục